Phân bổ vốn chậm do “bộ này nhìn bộ kia”

Nguyễn Việt 13/11/2018 11:05

Đánh giá về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, các ĐBQH đánh giá cao những tác động tích cực do Luật hiện hành mang lại.

do Luật Đầu tư công mới được triển khai thực hiện, nên nhiều địa phương và một số bộ, ngành còn lúng túng, vẫn quen làm theo lề lối cũ.

Do Luật Đầu tư công mới được triển khai thực hiện, nên nhiều địa phương và một số bộ, ngành còn lúng túng, vẫn quen làm theo lề lối cũ.

Theo ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội), quá trình triển khai Luật Đầu tư công năm 2015 vừa qua đã giúp khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, đặc biệt là với các dự án được phê duyệt nhưng không có vốn (dự án treo). Số lượng dự án được triển khai trong giai đoạn này chỉ còn khoảng 50% so với giai đoạn trước, qua đó giúp nợ đọng xây dựng cơ bản được ưu tiên giải quyết.

Đã tiến bộ nhưng vẫn còn vướng mắc

“Nguyên tắc có vốn mới được phê duyệt dự án đầu tư, và phải trả nợ trước mới được đầu tư mới đã giúp thực hiện đầu tư công thành công hơn. Từ đó cũng giúp tăng cường sự tự chủ đối với địa phương, giảm bớt tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn đi xin từ Trung ương”, ông Cường nói.

Từ thực hiện của các bộ, ngành, địa phương, nhiều ĐBQH cũng cho rằng, trong triển khai Luật Đầu tư công hiện hành còn một số vướng mắc, trong đó nhiều ý kiến quan ngại với tình trạng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, chậm ngay từ khâu xác định các dự án, phân bổ vốn đầu tư. Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, ĐBQH Nguyễn Chí Dũng (Quảng Trị) cho rằng, do Luật Đầu tư công mới được triển khai thực hiện, nên nhiều địa phương và một số bộ, ngành còn lúng túng, vẫn quen làm theo lề lối cũ. Các địa phương vốn quen với cách làm “đặt gạch, xếp chỗ trước”, nên nay chuyển sang theo quy trình chặt chẽ hơn cũng có nơi ngại thực hiện.

Tuy nhiên, theo ông  Dũng, cũng không thể không đề cập đến nguyên nhân do Luật Đầu tư công quy định quá nhiều thủ tục cần thực hiện trong quá trình triển khai dự án, và cũng quy định phải làm đủ thủ tục mới được giao vốn. Kế hoạch đầu tư công trung hạn triển khai phân bổ vốn chậm do các tỉnh, bộ, ngành chậm thực hiện, thậm chí có tình trạng “bộ này nhìn bộ kia”, “địa phương này nhìn địa phương kia”, nên càng chậm hơn.

“Hiện nay, tình trạng phân bổ vốn đầu tư công chậm chủ yếu do các bộ, ngành, địa phương chậm trong thực hiện phân bổ vốn chi tiết cho từng dự án, vì ngay từ đầu năm Chính phủ đã giao vốn đầu tư công hàng năm. Sự chậm trễ này do thói quen đầu năm thủng thẳng, cuối năm vội vã”, ông Dũng thẳng thắn.

Do vậy, các ĐBQH cơ bản tán thành với việc sửa đổi Luật Đầu tư công hiện hành, để góp phần khắc phục một số vướng mắc đã thấy rõ trong quá trình triển khai Luật vừa qua. Một số ĐBQH đề nghị giữ phạm vi sửa đổi như quy định tại Nghị quyết số 57/2018 của QH và Kết luận của UBTVQH, theo đó chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, chưa sửa đổi toàn diện.

Có thể bạn quan tâm

  • “Chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi triển khai dự án”

    “Chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi triển khai dự án”

    16:15, 12/11/2018

  • Luật Đầu tư công sẽ được sửa thế nào?

    Luật Đầu tư công sẽ được sửa thế nào?

    11:01, 29/10/2018

  • Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Luật Đầu tư công

    Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Luật Đầu tư công

    11:33, 21/09/2018

Xem lại kế hoạch đầu tư công 3 năm

Trong sửa đổi các quy định về phân loại kế hoạch đầu tư công, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định về kế hoạch đầu tư công trung hạn 3 năm thực hiện theo phương thức cuốn chiếu. Theo lý giải của Chính phủ, kế hoạch đầu tư 3 năm để phục vụ công tác tham khảo, dự báo nguồn lực dự kiến thực hiện trong 2 năm tiếp theo nên không phát sinh thêm thủ tục, không mất thêm thời gian, phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước, tạo điều kiện điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn một cách linh hoạt, hiệu quả, bám sát với kế hoạch tài chính, ngân sách quốc gia.

Nêu rõ hiện đã có kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch hàng năm, ĐBQH Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) đặt câu hỏi: Việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công 3 năm có thực sự cần thiết không, hay lại làm phát sinh thêm thủ tục hành chính? Đặt trường hợp sẽ bổ sung kế hoạch đầu tư công này, ĐB Đỗ Văn Sinh cho rằng, sẽ khiến quá trình thực hiện phải đi theo những “bước nhảy” không hợp lý, vì khi dự án phê duyệt năm đầu tiên có 3 năm triển khai, nhưng nếu phê duyệt vào năm thứ 3 sẽ còn 2 năm thực hiện. Đặc biệt, nếu không thực hiện xong sẽ phải chuyển sang giai đoạn sau, bắt đầu một chu trình mới. ĐB Đỗ Văn Sinh cho rằng, cần cân nhắc kỹ việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công 3 năm trong điều kiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch hàng năm đang vận hành tốt.

Từ góc nhìn khác, ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng, việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công 3 năm và thực hiện theo phương thức cuốn chiếu là đề xuất tương đối tân tiến. Trên thế giới nhiều nước đã sử dụng quy hoạch cuốn chiếu năng động, không bị bó cứng, và đưa ra dự báo cho 3 năm tiếp theo, để phù hợp với Kế hoạch tài chính 3 năm. Tuy nhiên, ông Cường cũng lưu ý, việc thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng sẽ làm giảm “tính động” của Kế hoạch đầu tư công 3 năm, nên vẫn cần tiếp tục cân nhắc kỹ.

Nguyễn Việt