Khuất tất trong việc chỉ định thầu Cảng hàng không quốc tế Cát Bi?

Lê Linh - Minh Huệ 10/04/2019 15:15

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa công bố Dự án mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, Hải Phòng đã có 7 đơn vị thi công không nằm trong danh sách trình Thủ tướng.

Có hay không sự khuất tất trong chỉ định thầu tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi.

Có hay không sự khuất tất trong chỉ định thầu tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi?

Không có tên thì… “rút kinh nghiệm”

Dự án nâng cấp mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi là công trình giao thông trọng điểm của UBND TP Hải Phòng. Dự án này do Trung ương và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quản lý. Thẩm quyền phê duyệt dự án thuộc Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, ngày 23/11/2012, Bộ GTVT có Công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND TP Hải Phòng được cấp quyết định đầu tư. Đồng thời, theo quy định, Dự án phải tổ chức đấu thầu.

Tuy nhiên, sau đó UBND TP Hải Phòng và Bộ GTVT đã có văn bản nêu do công trình hàng không có tính chất đặc thù cao, có rất ít đơn vị đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện thiết kế, thi công xây dựng. Theo đó, đề nghị Thủ tướng cho phép chỉ định Công ty TNHH MTV Xây dựng công trình hàng không là đơn vị thi công xây lắp và Công ty TNHH MTV Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không là đơn vị thiết kế.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, BQL các dự án cầu Hải Phòng và Sở KH&ĐT đã tham mưu cho UBND TP Hải Phòng ban hành quyết định chỉ định thầu 7 gói thầu với giá trị 271,6 tỷ đồng cho các nhà thầu không có tên trong danh sách đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Lý giải về vấn đề này, ông Đỗ Tuấn Anh – TGĐ Ban quản lý các dự án cầu cho rằng: Việc BQL các dự án cầu Hải Phòng chỉ định 07 gói thầu nêu trên là thực hiện theo văn bản số 401/TTg-KTN ngày 15/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ đồng ý việc UBND thành phố Hải Phòng chỉ định thầu đối với Dự án.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhà ga Quốc tế Cam Ranh đứng thứ hai bảng xếp hạng Chất lượng dịch vụ Cảng hàng không

    Nhà ga Quốc tế Cam Ranh đứng thứ hai bảng xếp hạng Chất lượng dịch vụ Cảng hàng không

    10:38, 12/03/2019

  • Lập Hội đồng thẩm định dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

    Lập Hội đồng thẩm định dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

    21:39, 11/03/2019

  • 60 hãng bay và công ty lữ hành đến Hội nghị xúc tiến thị trường Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn

    60 hãng bay và công ty lữ hành đến Hội nghị xúc tiến thị trường Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn

    00:32, 23/02/2019

Còn theo Kiểm toán nhà nước thì việc 7 nhà thầu không có tên trong danh sách chỉ định thầu là chưa phù hợp với Điều 20 Luật Đấu thầu và Điều 40 Nghị định số 85/2009/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu và KTNN đã kiến nghị BQL các dự án cầu Hải Phòng kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Khiển trách, nhắc nhở 10 cơ quan liên quan

Theo Thông báo kết quả kiểm toán số 297/TB-KTNN của Kiểm toán nhà nước vừa công bố thì có 10 tổ chức cơ quan bị phê bình nhắc nhờ. Cụ thể, nguồn vốn đầu tư của Dự án sân bay Cát Bi được phê duyệt 3.660 tỉ đồng, khi phê duyệt TP Hải Phòng chưa xác định rõ được cơ cấu nguồn vốn và khả năng cân đối nguồn vốn mà chỉ ghi chung nguồn vốn đầu tư từ đấu giá đất, trách nhiệm này thuộc về sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng.

Trước đó, ngày 27/12/2014 Chính phủ đã có Công văn số  2652/TTg-KTTH hỗ trợ vốn thực hiện Dự án. Theo đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ cho Hải Phòng không quá 80% tổng mức đầu tư Dự án đã được UBND TP Hải Phòng duyệt, phần còn lại do địa phương bố trí. Đến thời điểm kiểm toán (tháng 5/2016), ngân sách trung ương mới hỗ trợ được cho Dự án 800 tỷ đồng (vốn ứng trước ngân sách T.Ư), chiếm 22% tổng mức đầu tư. Đồng thời, căn cứ vào tài liệu đối chiếu thanh toán vốn giữa Kho bạc Nhà nước và Ban QLDA cho thấy, địa phương bố trí vốn cho Dự án từ khi khởi công năm 2013 đến 31/3/2016 là 1.746,7 tỷ đồng, chiếm 48% tổng mức đầu tư.

Việc Dự án không xác định rõ cơ cấu nguồn vốn và việc bố trí vốn không đủ 15% khi khởi công đối với dự án nhóm A (năm 2013 mới bố trí 243,2 tỷ đồng, bằng 6,7% tổng mức đầu tư được phê duyệt) là chưa tuân thủ Chỉ thị số 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn NSNN và vốn trái phiếu chính phủ.

Chỉ định thầu sai thì

Liên quan tới Dự án sân bay Cát Bi, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu UBND TP Hải Phòng kiểm điểm rút kinh nghiệm trong việc ban hành Quyết định chỉ định thầu; phê duyệt Dự án khi chưa xác định cơ cấu nguồn vốn đầu tư.

Như vậy, tổng nguồn vốn đầu tư Dự án được Kiểm toán nhà nước xác nhận là 2.546,7 tỷ đồng. Cùng với đó, qua kiểm toán chi phí đầu tư Dự án theo số báo cáo là 2.620,6 tỷ đồng, giá trị được KTNN xác nhận là 2.609,2 tỷ đồng, chênh lệch giảm 11,3 tỷ đồng. Sau khi đề nghị BQL các dự án cầu Hải Phòng điều chỉnh số kế toán, báo cáo quyết toán và các hồ sơ liên quan theo ý kiến kết luận của KTNN. Cơ quan này cũng đã kiến nghị xử lý tài chính tổng số tiền hơn 11,1 tỷ đồng, gồm thu hồi nộp NSNN hơn 4 tỷ đồng và giảm thanh toán hơn 7,1 tỷ đồng.

Về tiến độ, theo phê duyệt, thời gian thực hiện dự án từ năm 2013 đến 2015, nhưng thực tế tới 31/3/2016, dự án chưa hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng (chậm 3 tháng). Bên cạnh đó hầu hết các gói thầu xây dựng và lắp đặt thiết bị cũng chậm theo hợp đồng thi công.

Qua kiểm toán, ngoài những kiến nghị xử lý tài chính hơn 11,1 tỷ đồng, Kiểm toán yêu cầu Ban Quản lý dự án cầu Hải Phòng xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị tư vấn khảo sát thiết kế, thẩm tra, thẩm định.

Liên quan tới Dự án sân bay Cát Bi, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu UBND TP Hải Phòng kiểm điểm rút kinh nghiệm trong việc ban hành Quyết định chỉ định thầu; phê duyệt Dự án khi chưa xác định cơ cấu nguồn vốn đầu tư. Một số hạng mục khối lượng thi công không được nghiệm thu thanh toán khi chuyển bước như: dọn dẹp mặt bằng thi công, chi phí đổ phế thải tại bãi thải, chưa đầy đủ hồ sơ về giấy phép đổ thải, báo cáo tháng chưa phản ánh đầy đủ các nội dung công việc đã triển khai…

Trao đổi với PV Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó ban dự án cầu Hải Phòng giải đáp những thắc mắc: “ Chúng tôi khẳng định các nhà thầu đều đủ năng lực để tham gia thi công. Việc chúng tôi chỉ định các nhà thầu đó vào là vì vốn quá lớn cần sự chia sẻ của các doanh nghiệp lớn, đồng thời để đáp ứng kịp tiến độ thì phải tăng cường thêm các đơn vị thi công.

Việc có 7 nhà thầu tham gia vào Dự án chúng tôi cũng dựa vào công văn số 401/Ttg – KTN ngày 15/3/2013 về việc triển khai thực hiện điều chỉnh Quy hoạch tổng thể Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, Hải Phòng của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có nội dung Giao UBND thành phố Hải Phòng là cấp quyết định đầu tư dự án 2 (khu bay) Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, yêu cầu TP tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng, phối hợp với Bộ GTVT và các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo, quản lý đầu tư chặt chẽ, bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả. Đồng ý việc UBND thành phố Hải Phòng được áp dụng hình thức chỉ định đấu thầu đối với dự án”.

Liên quan đến vấn đề chậm tiến độ của Dự án 3 tháng, ông Thanh cũng khẳng định không liên quan đến việc 7 nhà thầu mà tiến độ chậm phụ thuộc vào công tác giải phóng mặt bằng. Bản thân chủ đầu tư cũng nhận định đây là công trình trọng điểm của thành phố nên đã nỗ lực làm tốt nhất có thể, công tác giải phóng mặt bằng của công trình này rất phức tạp, tốn rất nhiều giấy mực và thậm chí người dân còn khiếu nại lên tận trung ương.

Lê Linh - Minh Huệ