Liên doanh thép “triệu đô” tan vỡ vì “sổ đỏ”: Hải Phòng sửa sai
TP Hải Phòng đã sửa sai bằng việc chỉ đạo hủy bỏ, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho HASCOM.
Thời gian vừa qua Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có 1 số bài viết phản ánh việc TP Hải Phòng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và gia hạn sử dụng đất thuê 30 năm cho HASCOM khiến liên doanh Công ty TNHH thép VSC-POSCO (VPS) hay còn gọi là Thép Việt – Hàn tan vỡ.
Mới đây (11/4), UBND TP Hải Phòng có Quyết định số 882/QĐ-UBND, hủy bỏ quyết định số 1348/QĐ-UBND ngày 11/7/2016 của UBND TP về việc cho phép Công ty CP thép và Cơ khí vật liệu xây dựng Hải Phòng (HASCOM) gia hạn sử dụng đất và chuyển sang thuê đất trả tiền 1 lần cho cả thời hạn thuê đất đối với dự án xây dựng dây truyền cán thép 350.000 tấn/năm tại xã An Hồng (An Dương), phường Quán Toan (Hồng Bàng).
Sở Tài nguyền và Môi trường (TNMT) có trách nhiệm thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất số CH 866999 ngày 16/7/2017 đã cấp cho HASCOM; hủy bỏ hợp đồng thuê đất số 92/HĐ-TĐ ngày 18/7/2017 được ký giữa Sở TNMT và HASCOM theo quy định.
Đồng thời, giao Cục Thuế TP cùng Sở Tài chính kiểm tra việc sử dụng đất của doanh nghiệp khi cổ phần hóa tại địa điểm liên doanh, đề xuất phương án xử lý tiền thuê đất HASCOM đã nộp theo quy định. Kiểm tra, xác định tiền thuê đất, đối tượng nộp tiền thuê đất tại khu vực trên kể từ khi hết thời hạn hoạt động của liên doanh (từ ngày 19/1/2019), thực hiện nộp, thu ngân sách theo quy định.
HASCOM có trách nhiệm nộp bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CH 866999 ngày 16/7/2017 và Hợp đồng thuê đất số 92/HĐ-TĐ ngày 18/7/2017 về Sở TNMT.
Được biết, tại rất nhiều cuộc họp với UBND TP Hải Phòng, đại diện VPS và POSCO đều có chung đề nghị TP Hải Phòng thu hồi và hủy bỏ quyết định gia hạn thuê đất cho HASCOM trước, sau đó thì các bên mới có thể bàn bạc để đi đến đồng thuận các phương án gia hạn nhưng đều không có kết quả.
Như Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin trước đó, Công ty TNHH thép VSC-POSCO (VPS - hay còn gọi là Thép Việt – Hàn) là liên doanh giữa POSCO với Tổng Công ty thép Việt Nam và Công ty CP Thép và Cơ khí vật liệu xây dựng Hải Phòng (gọi tắt là HASCOM). Vốn pháp định của liên doanh này là 16,836 triệu USD, trong đó, HASCOM góp 16% vốn pháp định bằng quyền sử dụng 6 ha đất trong 25 năm. HASCOM là công ty được nhà nước cho thuê đất để góp vốn vào VPS.
Dự án liên doanh VPS được cấp phép có thời hạn 25 năm (từ năm 1994 đến tháng 01/2019) với công suất 200.000 tấn/năm. Ngày 12/9/1994, Phó Thủ tướng Trần Đức Lương ký Quyết định số 488/TTg về việc cho HASCOM thuê đất để góp vốn liên doanh với nước ngoài tại Hải Phòng.
Theo đó, Chính phủ quyết định cho HASCOM thuê 60.093m2 đất tại xã An Hồng, huyện An Hải và phường Quán Toan, quận Hồng Bàng để góp vốn liên doanh vào VPS. Thời hạn thuê đất là 25 năm.
Tại Quyết định, Chính phủ nêu rõ: “UBND TP Hải Phòng có trách nhiệm xác định mốc giới khu đất cụ thể trên bản đồ và trên thực địa đăng ký vào sổ địa chính Nhà nước, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Thép VSC – POSCO”.
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: Khôi phục cầu vượt đường sắt cho người đi bộ
06:49, 07/04/2019
Hải Phòng: Loạn cảng cạn
11:31, 05/04/2019
Hải Phòng: Cần 3.658 tỷ đồng xây cảng, bến thủy nội địa giai đoạn 2021 - 2025
10:37, 04/04/2019
Tuy nhiên, hơn 20 năm qua, VSC – POSCO không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Và năm 2016, UBND TP Hải Phòng đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH 866999 cho HASCOM khi thời hạn dự án liên doanh đang còn. Ngày 11/7/2016, UBND TP Hải Phòng lại ký quyết định số 1348/QĐ-UBND cho phép HASCOM gia hạn sử dụng đất 30 năm (từ 11/7/2016 đến 11/7/2046) với mục đích xây dựng dây chuyền cán thép 350.000 tấn/năm.
Chính việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai đối tượng của UBND TP dẫn tới “tan vỡ” liên doanh này khi phía HASCOM đưa ra mức chi phí cao bất hợp lí để chuyển giao quyền sử dụng lô đất đáng ra phải thuộc về Liên doanh VPS cho hai chủ đầu tư còn lại là POSCO và Tổng Công ty Thép Việt Nam. Điều đó dẫn đến những bất đồng quan điểm sâu sắc của các chủ đầu tư.