Khởi kiện các doanh nghiệp trốn đóng BHXH: Gỡ vướng từ các quy định của pháp luật
Từ ngày 1/1/2018, Bộ luật hình sự sửa đổi chính thức có hiệu lực, trong đó quy định về việc xử lý hình sự doanh nghiệp trốn đóng BHXH. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này còn nhiều khó khăn.
Theo Luật BHXH có hiệu lực từ năm 2016, tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động. Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện quy định này vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Khó khăn khi khởi kiện các doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng BHXH.
Tại hội nghị tập huấn về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp do BHXH Việt Nam tổ chức mới đây, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Thực hiện quyền hạn được giao trong Luật BHXH, 3 năm qua, trên cả nước, tổ chức Công đoàn đã gửi 3.000 hồ sơ doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp sang tòa án các cấp đề nghị khởi kiện. Tuy nhiên, đến nay số hồ sơ được thụ lý và khởi kiện là “không đáng kể” bởi còn nhiều vướng mắc.
Có thể bạn quan tâm
Những vướng mắc trong việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội
15:50, 15/04/2019
Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, người lao động khốn khổ
11:05, 20/12/2018
Giảm tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội: Đồng bộ nhiều giải pháp
05:10, 25/11/2018
Theo ông Hiểu, vướng mắc lớn nhất là sự bất cập, thiếu thống nhất trong các quy định của pháp luật. Hiện nay, việc khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH chịu chi phối của 4 bộ luật, gồm: Luật Tố tụng dân sự, Luật Công đoàn, Luật BHXH và Bộ luật Lao động. Nhưng bốn luật này đang quy định thiếu thống nhất, mâu thuẫn, tạo ra những cách hiểu khác nhau gây khó khăn cho việc thụ lý các hồ sơ khởi kiện.
Cụ thể, có luật quy định Công đoàn cấp trên cơ sở khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH; có luật lại quy định Công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện; có luật lại chỉ quy định chung là Công đoàn có quyền khởi kiện; có luật quy định phải có chữ ký ủy quyền của từng người lao động trong khởi kiện.
Về vấn đề này, ông Hiểu cho rằng, ở góc độ là tổ chức đại diện cho người lao động, Công đoàn là tổ chức đại diện đương nhiên của người lao động, có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, nhất là trong trường hợp quyền lợi của họ đang bị xâm phạm thì việc yêu cầu phải có uỷ quyền để bảo vệ là không cần thiết. Mặt khác, với những doanh nghiệp có tới hàng vạn lao động thì việc phải lấy chữ ký của từng người là điều bất khả thi… Bên cạnh đó, việc giao quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH cho Công đoàn cơ sở cũng không hợp lý vì hầu hết đội ngũ này đang hưởng lương từ chủ doanh nghiệp nên có rất ít người “dám” đứng ra khởi kiện chủ sử dụng lao động bởi sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.
Để việc khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH được thực hiện thuận lợi trong thời gian tới, ông Hiểu chia sẻ: Khi các quy định pháp luật còn chưa thống nhất, thì các đơn vị liên quan cần nghiên cứu, thảo luận để sửa đổi cho đồng bộ. Bên cạnh đó, nhiệm vụ khởi kiện cần được giao cho tổ chức Công đoàn cấp trên trực tiếp của doanh nghiệp vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; như vậy có thể tránh được “thế khó” của cán bộ Công đoàn cơ sở.
Xử lý hình sự giúp việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp tốt hơn
Theo Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, hiện nay có khoảng hơn 600.000 doanh nghiệp nhưng mới có khoảng 250.000 doanh nghiệp tham gia BHXH. Năm 2017, BHXH Việt Nam đã kiểm tra gần 100.000 doanh nghiệp, trong đó khoảng 60.000 doanh nghiệp gần như không còn trên địa bàn, địa chỉ sản xuất kinh doanh.
“Quốc hội đã cân nhắc rất kỹ khi đưa vào 3 Điều 214, 215, 216 trong Bộ luật Hình sự. Việc vi phạm hành vi đóng và hưởng được cụ thể hóa trong Bộ luật Hình sự thể hiện tính nghiêm trọng của các hành vi vi phạm. Các hành vi vi phạm như chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội; dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội hưởng các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp. Mức hình phạt cao nhất như chiếm đoạt tiền BHXH, BH thất nghiệp 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm”, ông Trần Đình Liệu cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Quân thì hiện nay đã có các quy định xử phạt vi phạm hành chính và cũng không hình sự hóa tất cả các hành vi trốn đóng. Tuy nhiên, công cụ của Bộ luật Hình sự đưa vào xử phạt tù là đối với những trường hợp mà trong Luật quy định rõ. Đó là đối với trường hợp gian lận, gian dối, dùng thủ đoạn.
“Để triển khai, chúng ta đang chờ hướng dẫn thế nào là gian dối, thế nào là gian lận, dùng thủ đoạn. Như vậy, chúng ta sẽ có căn cứ pháp lý giải thích rõ hơn. Giải pháp hình sự để xử lý những trường hợp để làm gương và đòi hỏi những biện pháp mạnh hơn trong việc tuân thủ pháp luật”, ông Quân nói.
Trong khi đó, ông Bùi Sĩ Lợi – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, 3 điều luật này ra đời, việc tuân thủ của các doanh nghiệp sẽ tốt hơn. Phần đóng của doanh nghiệp là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động.
“BHXH Việt Nam có chức năng thanh tra, kiểm tra, công khai minh bạch thông tin cả chủ sở hữu lao động và người lao động đóng, trả sổ BHXH tận tay người lao động. Phải phân tích kỹ thế nào là trốn đóng, trục lợi, hành vi nào xử lý hành chính, hình sự để tránh tạo sức ép đối với doanh nghiệp”, ông Lợi phân tích.
Tuy nhiên, ông Lợi cho rằng, biện pháp hình sự hóa là công cụ cuối cùng. Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, cần xây dựng Luật Tố tụng lao động để tất cả các mối quan hệ tranh chấp lao động sẽ đưa ra tòa. Đây là kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới đang thực hiện.