Thái Bình: Đường cứu hộ đê 10 năm “kêu cứu”
Công trình thi công gần 10 năm nay vẫn dang dở khiến cuộc sống, cũng như việc đi lại của hàng trăm hộ dân trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.
Đó là dự án củng cố, nâng cấp tuyến đê tả sông Trà Lý đoạn từ Km30 đến Km40 và đường cứu hộ đê từ đê tả Trà Lý đến đường 39 đi qua địa bàn xã Đông Lĩnh, Đông Phong (Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình làm chủ đầu tư.
Dự án được khởi công năm 2009 trong niềm vui, phấn khởi của người dân vì sẽ có con đường rộng hơn, đẹp hơn thay thế con đường cũ nhỏ hẹp. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của người dân đến năm 2015 thì dự án bất ngờ dừng lại và bỏ dở đến nay. 10 năm qua, công trình thi công dở dang đã khiến cuộc sống, cũng như việc đi lại của hàng trăm hộ dân thuộc địa bàn 2 xã Đông Lĩnh, Đông Phong gặp rất nhiều khó khăn.
Bà Hoàng Thị Su xóm Lạc Hồng xã Đông Lĩnh chia sẻ, có 4km đường hộ đê mà làm 10 năm không xong. Nhìn mà chán! mỗi trận mưa đường lại như cái ao. Người lớn thì không nói làm gì, còn các cháu học sinh đi lại rất vất vả, khổ sở, những hơn trời mưa còn không đi nổi. Ban ngày còn nhìn thấy hố, vũng lầy mà tránh chứ ban đêm học sinh đi học thêm, công nhân tăng ca về rất hay bị sa vào hố sâu, vũng lầy nên người dân địa phương chỉ mong đường tiếp tục được thi công để việc đi lại thuận tiện hơn.
Đồng quan điểm với bà Su, ông Phạm Văn Hiền, thôn Đông An, xã Đông Lĩnh cho biết, lúc mới thi công tuyến đường bà con hào hứng, kỳ vọng bao nhiêu thì giờ lại thất vọng bấy nhiêu. Phấn khởi vì tương lai sẽ có con đường rộng 9m thay thế đường cũ chỉ rộng 3m nên các hộ dân trong diện giải tỏa đồng thuận cao với việc thu hồi đất phục vụ mở rộng đường cứu hộ. Hiện tại, người dân 2 bên đường phải tự san lấp bằng gạch vỡ vào hố để đi tạm.
Theo ghi nhận, tại tuyến đường cứu hộ chạy qua địa bàn xã Đông Lĩnh, đoạn đường đã bị nước cuốn trôi lớp đá dăm bề mặt, chỉ còn trơ lại những viên đá cuội lởm chởm, những hố sâu, vũng lầy xuất hiện nhiều trên mặt đường, có hố rộng 2 - 3m, chia cắt mặt đường thành hai, sâu hoắm. Nhìn cảnh người dân vừa đi vừa dò đường, thỉnh thoảng lại thấy đôi giày, đôi dép của các em nhỏ bị bỏ lại bên cạnh các hố sâu, vũng lầy, mới thấy được sự vất vả mà người dân nơi đây phải chịu đựng suốt 10 năm qua.
Có thể bạn quan tâm
Mất đất sau khi cho doanh nghiệp thuê 10 năm (Thái Bình): Người dân quyết định khởi kiện ra tòa
05:50, 24/05/2019
Thái Bình: Dự án xây dựng trường học gần 15 năm không động tĩnh
14:20, 23/05/2019
Thái Bình: Tích cực chống nạn hàng lậu, hàng giả
18:03, 19/05/2019
Theo UBND xã Đông Lĩnh, tuyến đường cứu hộ chạy từ đê Trà Lý qua các xã Đông Lĩnh, Đông Phong có tổng chiều dài 4km với tổng kinh phí là 76 tỷ đồng, dự kiến thi công trong 3 năm. Nhưng do thiếu vốn nên từ năm 2015 đến nay công trình dừng thi công, toàn bộ mặt đường đã bị phá vỡ, băm nát, xuất hiện hàng trăm ổ voi, ổ gà, hố sâu. Mặc dù xã đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng mua đá dăm rải mặt đường, người dân cũng lấy gạch vỡ, đá xây dựng của gia đình ra san lấp nhưng cũng chỉ được một thời gian đường lại xấu như cũ.
Được biết, UBND xã đã nhiều lần đề nghị tỉnh Thái Bình sớm bố trí vốn, triển khai thi công hoàn thiện tuyến đường. Nếu chưa bố trí được vốn, đề nghị cấp kinh phí để địa phương san lấp tạm thời mặt đường phục vụ dân sinh. Nhưng gần 10 năm nay vẫn không động tĩnh gì và nay trở thành “con đường đau khổ” khiến người dân phải đi lại trên tuyến đường cứu hộ này như bị “tra tấn” bởi ổ trâu, ổ gà, hố sâu và bụi mịt mù đến nghẹt thở.