Luật Chứng khoán (sửa đổi): UBCK không nhất thiết độc lập với Bộ Tài chính
Tăng thẩm quyền không có nghĩa là UBCKNN phải độc lập với Bộ Tài chính, để trở thành cơ quan trực thuộc Chính phủ.
Đây là ý kiến của ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang), tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), chiều 13/6. Về thẩm quyền và sự độc lập của UBCKNN, ông Lâm đồng tình tăng thẩm quyền cho cơ quan này để đáp ứng yêu cầu quản lý thị trường với quy mô ngày càng lớn, tính chất ngày càng phức tạp như hiện nay.
UBCK cần đủ quyền năng
Đặc biệt, cần trao cho UBCKNN đủ quyền năng để ứng phó, ngăn chặn khủng hoảng, rút vốn ồ ạt làm sụp đổ thị trường khi có những biến động bất thường xảy ra. Cũng cần trao cho UBCK thẩm quyền điều tra, giống như thẩm quyền điều tra của cơ quan quản lý cạnh tranh. Có như vậy UBCK mới có năng lực phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường ngày càng tinh vi phức tạp.
Có thể bạn quan tâm
Luật chứng khoán sửa đổi: Cần có tư duy nâng tầm thị trường
11:01, 11/06/2019
Dự Luật chứng khoán (sửa đổi): Cân nhắc về mô hình tổ chức của Ủy ban Chứng khoán
16:42, 06/06/2019
Đại gia tôm kêu gặp khó vì...Luật Chứng khoán
15:21, 02/05/2019
Tuy nhiên, theo ông Lâm, việc tăng thẩm quyền không có nghĩa là UBCK phải độc lập khỏi Bộ Tài chính để trở thành cơ quan trực thuộc Chính phủ. Với tổ chức bộ máy hiện nay, ông Lâm nhận thấy vẫn có thể hoàn toàn thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ nếu UBCKNN được pháp luật trao thêm thẩm quyền và tăng khả năng ứng phó độc lập trong quản lý điều tiết thị trường chứng khoán.
Nếu đặt vấn đề vì vai trò quan trọng của thị trường chứng khoán mà cần phải đặt UBCK trực thuộc Chính phủ, thì các loại thị trường khác như: thị trường tiền tệ, thị trường hàng hóa, thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ…có phải trực thuộc Chính phủ hay không?
“Trong điều kiện tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, tôi đề nghị chưa nên đặt vấn đề UBCK là cơ quan trực thuộc Chính phủ, nên giữ như hiện nay nhưng cần sửa luật và các quy định liên quan để tăng tính độc lập, tăng thêm thẩm quyền của UBCKNN”, ông Lâm đề xuất.
Về mô hình Sở giao dịch chứng khoán, ông Lâm nhất chí với chủ trương hợp nhất 2 sàn giao dịch chứng khoán ở 2 đầu đất nước, không có lý do gì để thị trường như Việt Nam phải chia nhỏ thành 2 sàn hoạt động độc lập, dẫn đến 2 hệ thống chỉ số thị trường. Nhiều khi các thông số đưa ra không phản ánh đầy đủ chính xác tình hình sức khỏe chung của nền kinh tế đất nước đang nằm trong một thực thể thống nhất từ bắc tới nam.
Không cần 2 sàn độc lập
Hợp nhất 2 thị trường, thống nhất một bộ chỉ số là yêu cầu khách quan của phát triển thị trường chứng khoán đất nước ta hiện nay. Việc này hoàn toàn khả thi trong điều kiện trình độ công nghệ hiện nay. Tuy nhiên, việc hợp nhất cũng không được phép làm tăng đầu mối chung gian, tăng bộ máy. Đây cũng là yêu cầu sửa luật lần này.
Ở khía cạnh khác, ông Lâm đánh giá thị trường chứng khoán là hàn thử biểu cho sức khỏe nền kinh tế đất nước, góp phần huy động ngoại lực đầu tư cho phát triển, nhưng thị trường này cũng chứa đựng rủi ro, cạm bẫy đối với cả nhà đầu tư cũng như nền kinh tế đất nước. Những chiêu trò mánh khóe tinh vi, thao túng thị trường, dìm giá, thổi giá cổ phiếu tạo bong bóng chứng khoán, hoặc những luồng tiền tín dụng không kiểm soát được bị hút vào thị trường làm nóng quá mức, đến khi “xì hơi” đổ vỡ sẽ gây làn sóng tháo chạy của các nhà đầu tư. Khi đó sẽ gây thiệt hại vô cùng lớn cho nền kinh tế.
Kinh nghiệm này không phải thị trường chứng khoán Việt Nam chưa từng trải qua, chúng ta đã có những bài học xương máu, thậm chí trả giá đắt. Có không ít những đại gia giàu lên sau một đêm từ thị trường chứng khoán. Nhưng cũng có không ít những nhà đầu tư nhỏ vỡ nợ, nhiều cục nợ xấu ngân hàng có một phần nguyên nhân từ sự đổ vỡ chứng khoán.
Từ thực tiễn hiện nay và trải nghiệm thời gian qua, ông Lâm đề nghị các cơ quan dự thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá sâu và đầy đủ hơn nữa về những mặt trái của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay. Tiếp tục đề xuất giải pháp thiết thực để sửa luật lần này có thể “vá các lỗ hổng” và tăng cường các công cụ để hoàn thiện thị trường, góp phần tạo nền tảng bền vững cho nền kinh tế đất nước.