Đà Nẵng tiên phong gỡ vướng đất đai
Câu chuyện Đà Nẵng thành lập Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực đất đai - một lĩnh vực “nhạy cảm” đang cho thấy quyết tâm của chính quyền thành phố đối với việc “phục vụ” doanh nghiệp.
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Đà Nẵng vừa thành lập Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực đất đai do Giám đốc Sở làm Tổ trưởng và 2 Phó Giám đốc Sở làm Tổ phó.
Phục vụ doanh nghiệp
Theo ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng, Tổ trưởng Tổ công tác thì lý do của việc thành lập tổ này là năm 2019 được thành phố chọn là năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhưng thực tế trong quá trình triển khai đầu tư thì gặp khá nhiều vướng mắc liên quan đến pháp lý về đất đai.
“Nguyên nhân chủ yếu là từ các yếu tố mang tính “lịch sử”, những chủ trương mang tính sáng tạo được vận dụng trong suốt thời gian dài, như: miễn giảm tiền thuê đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất…
Những chính sách này mặc dù mang lại cho thành phố nhiều thành quả, bộ mặt đô thị hiện đại, văn minh, nhưng lại không phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. Do đó, thực tế trong quá trình triển khai thực hiện các dự án rất cần có những giải pháp tháo gỡ những tồn tại và vướng mắc này. Ngoài ra, các quy định của pháp luật hiện hành về lĩnh vực đất đai rất phức tạp, hiểu một cách đầy đủ để vận dụng như thế nào cho đúng cũng không hề đơn giản”, ông Hùng nói.
Thực tế, tại Đà Nẵng, trong thời gian qua, liên quan đến đất đai, không ít những lùm xùm đã xảy ra.
Đó là câu chuyện hàng trăm lô đất thương mại dịch vụ nằm ở quận trung tâm TP được chính quyền TP Đà Nẵng chuyển quyền, cấp "sổ đỏ" với thời hạn đất ở lâu dài, trái quy định pháp luật khi mục đích sử dụng đất này chỉ được cấp "sổ đỏ" có thời hạn sử dụng 50 năm mà chưa biết bao giờ có kết quả giải quyết; Đó là câu chuyện thành phố huỷ kết quả đấu giá khu đất A20 mặt tiền Võ Văn Kiệt-đường Ngô Quyền, đường Lý Nam Đế (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) của Công ty Cổ phần Vipico và công ty này gửi thư kêu cứu lên Thủ tướng,… Hay hàng loạt các sự việc người dân liên tục khiếu nại, kêu cứu liên quan đến công tác đền bù, giải tỏa trong thời gian qua.
Có thể bạn quan tâm
Thép Dana Ý “buộc” phải kiện chính quyền Đà Nẵng ra tòa
11:50, 14/06/2019
Du lịch Đà Nẵng: “Đem chuông đi đánh xứ người”
14:27, 13/06/2019
Đà Nẵng lập Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết thủ tục đất đai
16:21, 11/06/2019
Đặc biệt, nghiêm trọng hơn, là cũng chính những vướng mắc trong việc tiếp cận đất đai mà môi trường kinh doanh, đầu tư của Đà Nẵng bị ảnh hưởng không nhỏ.
Còn nhớ, tại kỳ họp cuối năm 2018 của HĐND TP Đà Nẵng, đại biểu Lê Vinh Quang cho biết: qua tiếp xúc với các Hiệp hội doanh nghiệp, có nhiều doanh nghiệp muốn thuê đất tại các KCN, CCN ở Đà Nẵng để sản xuất kinh doanh nhưng phải chờ đợi quá lâu, họ đã vào tỉnh Quảng Nam hoặc đến các tỉnh khác thuê đất.
Vậy nên, không phải ngẫu nhiên mà phát biểu tại chương trình "Tọa đàm mùa Xuân 2019", Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh: “Năm 2019, việc làm thiết thực đầu tiên của chính quyền TP Đà Nẵng là phải tập trung nâng cao các chỉ số quan trọng có dấu hiệu chững lại hoặc giảm điểm như: chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng; tính minh bạch và tiếp cận thông tin!”.
Doanh nghiệp nói gì?
Theo ông Trương Đình Đức - Giám đốc Công ty CP Việt DAC, Trưởng Đại diện Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam tại khu vực miền Trung, hiện nay, nói đến thủ tục hành chính, đặc biệt là liên quan đến đất đai thì hầu hết các doanh nghiệp đều… rùng mình bởi những khó khăn, phiền hà… không biết chia sẻ cùng ai, thậm chí, dập tắt luôn ý định kinh doanh.
“Nhiều trường hợp hồ sơ bị giam rất lâu, nhiều lần bị trả đi trả lại chỉ vì sai dấu chấm, dấu phẩy làm các doanh nghiệp, cá nhân rơi vào trạng thái khó khăn kéo dài, dự án ngưng trệ, mà các dự án ngưng trệ, thậm chí nhiều doanh nghiệp phá sản bởi việc chậm trễ này nên theo tôi việc thành lập tổ công tác này là kịp thời, đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp”.
Nhiều doanh nghiệp cũng đồng tình với quan điểm này khi cho rằng việc thành lập tổ công tác sẽ là một giải pháp đột phá giúp cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản bởi trước tới nay, những khó khăn về pháp lý, về luật thường được doanh nghiệp ý kiến nhưng lại ít được ghi nhận và giải quyết một cách thấu tình đạt lý.
Ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết: sau khi thành lập, nguyên tắc làm việc của Tổ là tinh thần vào cuộc, đồng hành với nhà đầu tư trong các thủ tục, quy trình liên quan đến lĩnh vực đất đai, chủ động tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong phạm vi chức năng nhiệm vụ, nếu vượt quá thẩm quyền của Sở sẽ trình báo cáo xin ý kiến cấp trên. Ngoài ra, có những sự việc chưa có sự thống nhất về quan điểm xử lý giữa các đơn vị có liên quan thì Tổ sẽ tổ chức họp chuyên môn, đưa ra 1 quan điểm chung cũng như thống nhất giải pháp cụ thể để giải quyết.
Như vậy, “đường băng” cho việc giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp trong lĩnh vực đất đai đã có, vấn đề là bên cạnh những nỗ lực của chính quyền thì cũng cần có sự hợp tác của doanh nghiệp để “con tàu” này cất cánh.
Nói như ông Tô Văn Hùng thì doanh nghiệp nên chủ động tìm hiểu thực trạng hồ sơ pháp lý về đất đai của dự án để có thể biết mình đang vướng mắc ở vấn đề gì (giao đất, cho thuê đất, cấp GCN QSDD…), qua đó thuận lợi xác định cơ quan nào chịu trách nhiệm để yêu cầu xử lý. Trong trường hợp vấn đề vướng mắc của dự án là phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị thì nên cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý cho Tổ công tác để tìm giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ.