Khánh Hòa: Quy hoạch, dự án, xây dựng “nóng” phiên chất vấn HĐND
Quỹ đất cho giao thông thì thiếu, tình trạng kẹt xe thường xuyên, nếu điều chỉnh quy hoạch, cho xây thêm nhiều tòa nhà cao hơn 40 tầng thì người đông như kiến, chỗ đâu mà đi?.
Đó là những câu hỏi cũng là những chia sẻ của đại biểu Nguyễn Ngô tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VI ngày 10/7.
Lùm xùm núi Cô Tiên
Nhắc lại câu hỏi hôm qua, Đại biểu Nguyễn Ngô cho biết: Núi Cô Tiên có diện tích khoảng 1.480 ha nhưng có gần 20 dự án được thỏa thuận địa điểm hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư, một số dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, đa số các dự án là làm nhà ở, phân lô bán nền, một số dự án có quy mô từ 2-3ha nhưng vẫn được cấp giấy phép và đang bạc núi làm dự án. Trong khi đó, khu vực này tỷ lệ phân khu, quy hoạch 1/200 chưa được phê duyệt, hệ thống hạ tầng chưa có nhưng lại phê duyệt quy hoạch 1/500 cho từng dự án dẫn đến diện tích xanh giảm xuống, nguy cơ sạt lở cao.
Trả lời vấn đề nay, ông Lê Văn Dẽ, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, khu vực núi Cô Tiên có diện tích gần 2.000ha, các dự án tại đây đã được thỏa thuận phương án kiến trúc, chấp thuận chủ trương đầu tư từ những nhiệm kỳ 2005, 2010, 2015.
Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, chỉ đạo Sở KHĐT, Sở Xây dựng và UBND TP Nha Trang rà soát toàn bộ các dự án ở khu vực núi Cô Tiên (khoảng 30 dự án). Phần rìa của núi Cô Tiên có độ cao dưới 60m thì phù hợp với quy hoạch chung nhưng có những phần không phù hợp nên Chủ tịch có chỉ đạo các Sở ngành tham mưu UBND tỉnh, dự án nào không phù hợp thì đề xuất UBND tỉnh xử lý, cho tiếp tục hay hủy.
Ông Dẽ thừa nhận, khu vực núi Cô Tiên hiện nay chưa có quy hoạch 1/2000 và hiện nay chúng ta đang rà soát tất cả các dự án trên núi và triền núi (khoảng 67 dự án) để chuẩn bị báo cáo UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo, tránh tình trạng sạt lở trong thời gian mưa bão sắp tới.
Đại biểu Ngô không đồng tình với câu trả lời của ông Dẽ, theo đại biểu Ngô, tại sao chưa có quy hoạch 1/2000 nhưng vẫn chấp thuận chủ trương dự án, vậy dựa vào cơ sở nào để phê duyệt quy hoạch 1/500 cho các dự án.
Theo ông Dẽ, đối với các dự án tai núi Cô Tiên không phải hình thành từ nhiệm kỳ này mà từ các nhiệm kỳ trước, có những dự án khi chủ đầu tư đề nghị thỏa thuận địa điểm và cũng có những dự án chưa có quy hoạch nhưng thời điểm đó luật không quy định thỏa thuận địa điểm, sau đó rồi nghiên cứu. Trong 30 dự án tại núi cô Tiên, có khoảng 12 dự án phù hợp 100% hoặc phù hợp 50% với quy hoạch chung của TP Nha Trang.
Còn theo ông Võ Tấn Thái, Giám đốc Sở TNMT tỉnh Khánh Hòa, về quy hoạch sử dụng đất tại núi Cô Tiên chúng ta cũng đã lập, đã làm nhưng trên trên không gian quy hoạch tại núi Cô Tiên ghi là đất đồi núi và đất rừng sản xuất. Nên quy hoạch sử dụng đất khác với quy hoạch xây dựng.
Lúc tôi về nhận công tác, khu vực này chưa có quy hoạch chi tiết cũng như quy hoạch 1/2000, lúc này các nhà đầu tư xin vào, ngân sách tỉnh không có tiền để làm quy hoạch 1/2000 nên cho các doanh nghiệp lập, sau đó mình duyệt quy hoạch đó, kết nối từng khu vực, từng vị trí nếu phù hợp với quy hoạch chung. Trên tình thần đó, chúng ta đã cấp cho hàng loạt dự án đến giờ chúng ta đang tồn đọng lại mà chưa giải quyết được.
Áp lực hạ tầng giao thông
Về điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch cục bộ tại TP Nha Trang, theo Đại biểu Ngô: Được biết hiện nay, Sở xây dựng đã gửi hồ sơ cho các Bộ ngành Trung ương góp ý và đến nay đã nhận được 6 đơn vị phản hồi, các Bộ ngành đều cơ bản thống nhất với các đề xuất điều chỉnh cục bộ theo đề xuất đưa ra. Theo đó, có nhiều khu vực tại TP Nha Trang sẽ không khống chế chiều cao số tầng, tức là 40-50- hoặc 60 tầng và trên nữa vẫn được. Đa phần thiên về khu vực gần biển, vậy tương lai bãi biển mình sẽ như thế nào? tầm nhìn, nguồn gió biển bị chắn sẽ ra sao? Số người sẽ đông lên, áp lực giao thông càng căng thẳng.
Theo báo cáo của Sở GTVT thì quỹ đất giao thông tại Nha Trang quá thấp (8%), trong khi đó, theo quy định chuẩn thì phải từ 20-23% vậy chúng ta tiếp tục cho nén đô thị thì tương lai giao thông Nha Trang sẽ giải quyết như thế nào? - Đại biểu Ngô băn khoăn.
Trả lời vấn đề đại biểu Ngô nêu, ông Lê Văn Dẽ cho biết: điều chỉnh chung quy hoạch TP Nha Trang đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép tại thông báo 159 và đồng thời, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho Sở Xây dựng cùng với TP Nha Trang thực hiện công việc này, chúng tôi cũng đã giao đơn vị tư vấn làm hoàn chỉnh hồ sơ và chuyển cho TP Nha Trang xin ý kiến HĐND thành phố, đến 30/7 này là xong để báo cáo với Bộ Xây dựng thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trước mắt, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng làm việc với đơn vị tư vấn của Bộ Xây dựng, nghiên cứu để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy chế quản lý kiến trúc quy hoạch tại dãy ven biển với diện tịch 2.740 ha, lúc đó cụm A, cụm B … được xây dựng bao nhiêu tầng thì cứ theo quy chế mà thực hiện.
Có thể bạn quan tâm
Khánh Hòa: Có nên xẻ núi, lấp biển, lấp sông, hồ để phát triển du lịch?
15:28, 09/07/2019
Khánh Hòa: Cho phép chuyển nhượng dự án dính nhiều sai phạm
05:39, 05/07/2019
Khánh Hòa: Dự án Đông Hải xây dựng trên đất công
05:56, 02/07/2019
"Hiện 13 vị trí đề xuất thì chúng tôi sẽ nghiên cứu để giảm được dân số chứ hạ tầng chúng ta không thể mở rộng thêm được" - ông Dẽ cho biết.
Đại biểu Ngô phản bác, nếu ông Giám đốc Sở Xây dựng nói căn cứ vào thông báo của Thủ tướng Chính phủ thì ai đã đề xuất để Thủ tướng có thông báo đó. Quỹ đất giao thông của ta chỉ có 8% (trong khi phải cần đến 20-23%) giờ nâng tầng thêm, người đông như kiến thì chỗ đâu mà đi.
Ông Lê Văn Dẽ thừa nhận, "mật độ xây dựng đã quá cao, dân số nhiều thì chúng ta phải nghiên cứu phải làm sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của TP Nha Trang. Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu".