Quảng Ninh muốn thí điểm “bến xe ảo”
Thay vì cấm, thì tỉnh Quảng Ninh đang xây dựng phương án quản lý bằng công nghệ hay có thể gọi là “bến xe ảo” đối với loại hình vận tải bằng xe “hợp đồng trá hình” Limousine.
Gần đây, các đơn vị kinh doanh vận tải truyền thống (xe tuyến cố định) phản ứng gay gắt vì cho rằng các loại xe “hợp đồng trá hình” đón tận nơi trả tận chỗ đang cạnh tranh không lành mạnh “cướp” khách triệt để khiến cho các bến và xe truyền thống rơi vào cảnh “vườn không nhà trống”.
Nhanh và chất lượng
“Chỉ cần nhấc máy gọi, là đúng giờ xe có mặt đón và trả tận nơi tôi muốn tới. Các xe này chạy cao tốc nên thời gian rất nhanh, đúng giờ, chất lượng dịch vụ tốt. Thời gian chạy từ Hạ Long (Quảng Ninh) đi Hà Nội thường chỉ mất 2 - 2,5 giờ đồng hồ, nhanh gấp đôi so với xe truyền thống. Đó cũng là lý do, dù giá vé cao gấp 2 so với giá vé xe tuyến cố định, khoảng từ 200 đến 260 nghìn đồng/vé, nhưng tôi vẫn lựa chọn loại xe này”, anh Nguyễn Ngọc Vinh, phường Cao Xanh, Hạ Long nói.
Chị Bích Ngọc, phường Bạch Đằng, Hạ Long thường xuyên đi Hà Nội cho biết, giá vé tuy cao hơn xe truyền thống, nhưng tính kinh tế lại có lợi bởi việc đón trả tận nơi sẽ không phải mất thêm tiền đón xe ôm, taxi rồi hành lý lỉnh kỉnh rất mệt. Dạng xe hợp đồng này còn rất tiện ích và thoải mái mỗi ghế chỉ một người, có chăn ấm, wifi và không dừng bắt khách dọc đường.
Đồng quan điểm với chị Ngọc, chị Thu Hiền, phường Hồng Hải, Hạ Long cho biết thêm, tôi vẫn phải lên bệnh viện trên Hà Nội để khám và chữa bệnh theo định kỳ, trong người vốn có bệnh và mệt mỏi, trước đây thường xuyên đi xe truyền thống phải lên xuống vài lần, thời gian lâu không thể chịu nổi. Đó là chưa nói, nếu đã hẹn giờ khám vào 8h sáng thì phải lên từ hôm trước, không thì phải đi từ 3, 4h sáng nếu bạn đi xe truyền thống.
Còn đối với loại hình xe đón, trả tận nơi thì nhanh chóng và thuận lợi hơn rất nhiều, họ đón tận nhà và chạy thẳng đến nơi cần đến.
Có thể bạn quan tâm
Tuyến Hải Phòng – Quảng Ninh: Xe dù nhiều hơn xe tuyến cố định
04:30, 09/07/2019
Bộ GTVT vào cuộc làm rõ tình trạng “xe dù, bến cóc” tuyến Hà Nội - Quảng Ninh
13:30, 05/09/2019
Phó Thủ tướng chỉ đạo xử lý kiến nghị về tình trạng "xe dù, bến cóc"
06:30, 03/08/2019
Trao đổi với DĐDN, ông Trần Văn Thuyết, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Quảng Ninh cũng thừa nhận dịch vụ đón trả tận nơi là xu hướng tất yếu, có cầu thì ắt có cung, các hãng xe này họ rất tức thời khi nắm bắt được tâm lý khách hàng. Mà đối với kinh doanh, việc nắm bắt kịp thời nhu cầu của thị trường thì sẽ thành công.
“Loại hình này không xấu, thậm chí cần được tạo điều kiện. Song, đây là mô hình kinh doanh vận tải mới mà quản lý nhà nước chưa theo kịp, nên đòi hỏi các cơ quan chức năng sớm có giải pháp để đưa hoạt động vận tải này đi vào nề nếp, chống thất thu thuế và đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh đối với tất cả các hoạt động vận tải khách”, ông Thuyết nói.
Sẽ có “bến xe ảo” đầu tiên cả nước?
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh, tỉnh này có khoảng 440 xe ô tô loại từ 16 ghế trở xuống đang hoạt động theo hình thức “hợp đồng trá hình” ở các tuyến Quảng Ninh - Hà Nội, Quảng Ninh - Hải Phòng và các chiều ngược lại.
Ông Bùi Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh cho biết, việc kinh doanh theo hình thức “Hợp đồng trá hình” như hiện nay tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh với xe tuyến cố định do không có công cụ quản lý thuế, không phải nộp tiền dịch vụ bến xe, đặc biệt là xe hợp đồng Limousine dưới 10 chỗ không phải thông báo hợp đồng trước mỗi chuyến đi với cơ quan quản lý nhà nước.
Mặc dù vậy vị này cũng thừa nhận, thực tế xe truyền thống hiện nay không đảm bảo chất lượng, bị nhiều khách phản đối do thời gian di chuyển lâu, thường xuyên dừng bắt khách dọc đường, nhồi nhét số người quá quy định. Do vậy, để nâng cao chất lượng quản lý phương tiện, tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, tỉnh đang xây dựng đề án trung tâm điều hành điện tử.
Theo đó, tỉnh sẽ đề xuất thành lập “Trung tâm quản lý, điều hành hoạt động vận tải” với nhiệm vụ kiểm soát, phát hiện các vi phạm trên hệ thống giám sát hành trình, kiểm soát hoạt động xe hợp đồng bằng công nghệ thông tin; thống kê phục vụ công tác thu thuế, chỉ đạo điều hành của tỉnh…
Trước mắt, tỉnh sẽ tập trung xây dựng phần mềm kết nối hành khách với đơn vị vận tải theo loại hình hợp đồng và tuyến cố định để đảm bảo công bằng về quản lý vận tải khách và nghĩa vụ nộp thuế giữa hai loại hình này. Hiện tỉnh đang đề nghị Trung ương cho thí điểm triển khai mô hình quản nói trên. Nếu mô hình thành công, thì Quảng Ninh sẽ có “bến xe ảo” đầu tiên và rất có thể nó là mô hình hay để nhân rộng cả nước.
Ý tưởng này nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân và doanh nghiệp vận tải. Ông đoàn phú Xuyên giám đốc công ty TNHH vận tải phúc Xuyên nói, đây là ý tưởng tuyệt vời của Quảng Ninh. Mô hình xe đón, trả tận nơi đang rất phát triển, do vậy, thay vì cấm thì việc đưa vào quản lý nhà nước là hợp lý, đáp ứng phần lớn nhu cầu của người dân và phát triển kinh tế xã hội.