Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Tranh luận nảy lửa về giờ làm thêm
Đưa ra thảo luận tại Nghị trường sáng 23/10, quy định về khung giờ làm thêm nhận được nhiều thảo luận, thậm chí tranh luận "nảy lửa".
Báo cáo trước khi đại biểu thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết quan điểm không tán thành việc đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa. “Tuy nhiên, Chính phủ vẫn mong muốn tiếp tục trình Quốc hội phương án tăng thời giờ làm thêm”, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết.
Góp ý vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trong phiên thảo luận sáng 23/10, Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ủng hộ việc giữ nguyên quy định giờ làm như Dự thảo nếu được thông qua là phù hợp với nền kinh tế và rất nhân văn trên tinh thần tự nguyện.
Đại biểu cũng đánh giá, giảm giờ làm sẽ khiến lao động giảm thu nhập. Đặc biệt, các doanh nghiệp có tính đặc thù như da giày, thuỷ sản ước tính nếu giảm giờ làm thì kim ngạch sẽ giảm 20 tỷ USD mỗi năm.
Úng hộ phương án hai về tăng khung giờ làm thêm. Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho biết khung giờ làm thêm của Việt Nam hiện thấp hơn một số quốc gia trong khu vực như Hàn Quốc, Indonesia…
“Quy định mức giờ làm thêm 300 giờ/năm như hiện tại cũng không phù hợp với các doanh nghiệp có tính đặc thù. Trong khi đó, chuỗi giá trị của các ngành này như thuỷ sản, da giày… đang là động lực của nền kinh tế, tạo việc làm cho lao động”, Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi): Nhiều Đại biểu đồng tình giữ giờ làm việc 48 giờ/tuần
10:15, 23/10/2019
TS Vũ Tiến Lộc: "Chủ doanh nghiệp và người lao động đang trên cùng một con thuyền"
10:51, 23/10/2019
Những “bất đồng” của Dự Luật Lao động sẽ được bàn thảo tại Nghị trường
06:00, 23/10/2019
Dùng quyền tranh luận, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) tranh luận với đại biểu Vũ Tiến Lộc về quan điểm việc duy trì 48 giờ làm việc bình thường và tăng giờ làm thêm lên 400 giờ là hợp lý, nhân văn tự nguyện.
Đại biểu cho rằng, cần trao đổi để làm sáng tỏ vấn đề này. Đại biểu Tâm băn khoăn không biết Đại biểu Vũ Tiến Lộc nghe từ đâu, dựa trên cơ sở nào để biết là quy định giờ làm như trên là hợp lý, nhân văn và tự nguyện.
“Tôi thực sự thấy bất ngờ với nhận định này của Đại biểu (đại biểu Vũ Tiến Lộc - PV). Tôi nghe nhiều lao động nói không muốn làm thêm giờ nhưng cần làm thêm giờ, cần vì tiền lương hiện nay thực sự không đủ để trang trải cuộc sống”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
Bà Tâm cũng nhấn mạnh là phải nhìn vào thực tế, tâm thế, dáng vẻ, nhìn vào cuộc sống thực tế của những người công nhân và nhất là phải nhìn vào những đứa trẻ mà cha mẹ phải gửi về quê, có người mẹ người cha nào muốn xa con mình hay không?
Vị đại biểu TP HCM cũng nhấn mạnh rằng, công nhân không tự nguyện làm thêm. Quốc hội phải làm chính sách thế nào để người công nhân có thời gian để nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình, giải trí, học tập... đó là quyền con người được Hiến định.
Sau phần tranh luận của Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm có những ý kiến đồng tình. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến cho biết ủng hộ tăng khung giờ làm thêm.
Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) dẫn chứng về một số ngành mía đường, lúa gạo để bày tỏ quan điểm: “Nên cho thoáng khung giờ làm thêm bởi những ngành như nông sản không giữ được lâu phải chế biến ngay. Trong khi đó, vào mùa vụ nhiều nơi thuê người cắt gặt đều không được”.