Đấu giá quyền khai thác kinh doanh du lịch trên vịnh Hạ Long: Doanh nghiệp bất an
Doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên vịnh Hạ Long “mất ăn mất ngủ” khi nhận được nội dung liên quan đến “giá đấu giá cho thuê quyền khai thác các địa điểm kinh doanh dịch vụ trên vịnh Hạ Long”.
Ngày 31/7/2019 Ban Quản lý Vịnh Hạ Long (BQL Vịnh) ra văn bản số 654/BQLVHL-VP gửi các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch (chèo thuyền Kayak, thuyền nan, cano cao tốc…) tại 5 khu vực trên Vịnh Hạ Long. Nội dung là cung cấp tờ khai thuế của ba năm 2016, 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 để chuẩn bị cho Đề án cho thuê tài sản và đấu giá cho thuê quyền khai thác các điểm kinh doanh dịch vụ trên Vịnh Hạ Long. Văn bản này đã “gây sốc” cho các doanh nghiệp đang khai thác dịch vụ tại đây.
Đấu giá… quyền khai thác
Ông Tăng Văn Phiến, giám đốc hợp tác xã Dịch vụ Du lịch Vạn Chài Hạ Long nét mặt đầy vẻ ưu tư lo lắng cho biết, hơn 100 cán bộ công nhân viên trong hợp tác xã của ông có thể sẽ thất nghiệp nếu hoạt động khai thác các điểm du lịch hoạt động bao năm nay bị mang ra đấu giá.
Nếu không trúng thầu thì số phận hơn trăm nhân viên (vốn là dân chài được hợp tác xã tạo công ăn việc làm) của ông sẽ ra sao, trong khi trình độ kiến thức của họ có giới hạn?
Được biết, HTX Vạn chài Hạ Long là đơn vị tiên phong trong mô hình du lịch trải nghiệm chèo thuyền nan đưa du khách ngắm cảnh trên Vịnh Hạ Long. HTX đã chọn những chiếc thuyền nan nhỏ mà thời xưa ngư dân sinh sống trên Vịnh làm phương tiện di chuyển. HTX sử dụng người chèo thuyền là những ngư dân, chủ nhân sinh sống nhiều đời trên Vịnh. HTX phải đào tạo, hướng dẫn cách chèo nhẹ nhàng, tốc độ hợp lý cùng kỹ năng ứng xử với du khách nước ngoài để đảm bảo đội ngũ chèo thuyền thật chuyên nghiệp. Năm 2010, mô hình thu hút rất đông du khách nên có thêm 2 đơn vị tham gia mô hình chèo thuyền trải nghiệm này. Trên 10 năm hoạt động, đến nay HTX Vạn chài Hạ Long có tổng số 60 thuyền nan hoạt động ở khu làng chài Vung Viêng và khu vực Cửa Vạn, tạo việc làm thường xuyên cho trên 100 lao động chủ yếu ngư dân từng sống trên Vịnh Hạ Long, thu nhập trung bình đạt 5 triệu đồng/người/tháng.
Trước một loạt những hành động lạ, bây giờ là đến văn bản “lạ” của BQL Vịnh Hạ Long, các doanh nghiệp đang kinh doanh dịch vụ trên vịnh đang đứng ngồi không yên.
Loại hình dịch vụ của hợp tác xã Vạn Chài mang đậm nét văn hóa truyền thống của cộng đồng ngư dân làng chài cổ xưa đã được du khách tham quan, đặc biệt là khách Châu Âu rất ấn tượng, đã được xếp loại sản phẩm OCOP 5 sao của tỉnh Quảng Ninh.
Có thể bạn quan tâm
Lại lật đò trên vịnh Hạ Long
16:18, 05/11/2019
“Tuýt còi” dự thảo tăng phí tham quan vịnh Hạ Long
13:17, 25/10/2019
Phí tham quan vịnh Hạ Long dự tính tăng "sốc" từ 2 đến 3 lần
07:00, 25/10/2019
Có được nuôi trồng thủy sản trong khu vực Vịnh Hạ Long?
11:50, 21/05/2019
Bí ẩn doanh nghiệp lạ
Trao đổi với báo Diễn đàn Doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trên vịnh Hạ Long cho biết, ngày 26/6/2017, BQL Vịnh đã ra văn bản số 514/BQL-VHL-DA triệu tập 7 đơn vị đang có địa điểm hoạt động du lịch trên Vịnh Hạ Long họp, sau đó Ban thu hồi lại văn bản, hồ sơ pháp lý của các đơn vị, rồi cho các đơn vị tiến hành ký kết hợp đồng 2 năm một. Đến 30/12/2018 hết thời hạn hợp đồng, nhưng cho tới nay vẫn chưa tiếp tục ký gia hạn hợp đồng cho các đơn vị.
Điều này BQL Vịnh đã vô tình (hay hữu ý? - PV) biến doanh nghiệp đang từ hoạt động kinh doanh hợp pháp thành nguy cơ bất hợp pháp!
Bà Nguyễn Thúy Hồng - quản lý Công ty Nam Tùng cho biết, có một mâu thuẫn khó lý giải đó là ngay sau khi UBND tỉnh ra Thông báo số 110/TB-UBND của UBND tỉnh ngày 27/4/2017 với nội dung: “Trong thời gian đang hoàn thành quy hoạch các hoạt động dịch vụ trên Vịnh Hạ Long thì tuyệt đối không được bổ sung phương tiện mới”. Tuy nhiên, UBND TP Hạ Long lại ban hành hàng loạt các văn bản trái chiều như: văn bản 1108/UBND ngày 26/2/2019, văn bản 7143/UBND ngày 23/9/2019,… nhằm khẩn trương cho phép Công ty CP Du lịch Việt Á tiếp tục đóng mới, hoạt động chèo thuyền kayak tại Hang Luồn tới 30 phương tiện?
Theo các doanh nghiệp, Công ty CP du lịch Việt Á là đơn vị mới hoạt động trong lĩnh vực khai thác du lịch.
Trước một loạt những hành động lạ, bây giờ là đến văn bản “lạ”, các doanh nghiệp đang kinh doanh dịch vụ trên vịnh Hạ Long đang đứng ngồi không yên. “Các loại hình dịch vụ trên đã được chúng tôi tổ chức hoạt động từ nhiều năm trước đến nay vẫn được duy trì và phát triển tốt. Mọi sự đầu tư, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp luôn đảm bảo sự an toàn, đúng quy chế quản lý khai thác Vịnh Hạ Long, đặc biệt tuân thủ đúng các quy định pháp luật Nhà nước. Việc chấp hành các nghĩa vụ thuế, phí đều đầy đủ. Như vậy không có lý do gì để đẩy các doanh nghiệp khỏi hoạt động này” - ông Tăng Văn Phiến, HTX Dịch vụ Du lịch Vạn Chài Hạ Long hoang mang.
(Kỳ II: Quyền khai thác kinh doanh du lịch có thể bán đấu giá?)