CHÍNH PHỦ LẮNG NGHE (XIV): Kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng công trình thủy lợi chưa dùng đã hỏng

ANH KHÔI 18/02/2021 04:26

Trước phản ánh của Diễn đàn Doanh nghiệp về hàng loạt những công trình thủy lợi lớn chưa dùng đã hỏng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, xử lý…

Theo đó, ngày 20/8/2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 6950/VPCP-NN gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đơn vị này kiểm tra thông tin, phối hợp với các địa phương kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh của cơ quan báo chí.

Nội dung văn bản chỉ đạo nêu rõ, vừa qua, trên báo Diễn đàn Doanh nghiệp phản ánh: Thời gian qua, hàng loạt những công trình thủy lợi lớn chưa dùng đã hỏng, nguyên nhân đều được nhà thầu chỉ ra là khách quan như thời tiết, địa chất không đảm bảo... Nhưng nguyên tắc trong thi công xây dựng là nếu không đảm bảo chất lượng thì phải làm lại mới được nghiệm thu, thanh toán lại bị "bỏ quên", chính từ "lỗ hổng" này mà các sai phạm về chất lượng công trình liên tục tái diễn.

Văn bản chỉ đạo số 6950/VPCP-NN ngày 20/8/2020 của Văn phòng Chính phủ - Ảnh: DĐDN

Văn bản chỉ đạo số 6950/VPCP-NN ngày 20/8/2020 của Văn phòng Chính phủ - Ảnh: DĐDN

“Về việc này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra thông tin báo nêu trên, phối hợp với các địa phương có liên quan chỉ đạo xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có), báo cáo Thủ tướng Chính phủ”, văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước đó, liên quan đến nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có bài viết về việc, dư luận liên tục “dậy sóng” bởi hàng loạt những công trình thủy lợi “khủng” chưa dùng đã hỏng, mọi tác nhân đều được nhà thầu chỉ ra, từ yếu tố khách quan như thời tiết, địa chất không đảm bảo,… nhưng, có một nguyên tắc trong thi công xây dựng, nếu không đảm bảo chất lượng thì phải làm lại cho đạt mới được nghiệm thu để thanh toán chi phí, hầu hết bị “bỏ quên”, các công trình kém chất lượng cứ như thế được “lọt qua” và đưa vào sử dụng.

Thực tế, hết dự án tuyến đường Tắc Thủ - Đá Bạc (được xây dựng theo hình thức BT) tại Cà Mau, cho đến dự án tuyến đường đê 145 tỉ đồng tại Bắc Giang, rồi tuyến kênh hơn 750 tỉ đồng tại Nghệ An, và mới nhất là công trình thủy lợi có tổng vốn đầu tư 119 tỉ đồng tại tỉnh Gia Lai,… hầu hết các công trình đều rơi vào trường hợp vừa làm xong, chưa nghiệm thu đã xảy ra hư hỏng… khiến dư luận vô cùng quan ngại.

Một trong số đó là dự án kênh tưới tiêu Châu Bình, thuộc dự án hồ chứa nước Bản Mồng, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An đã hoàn thành hơn 98% các hạng mục, chưa đưa vào sử dụng đã sụt lún, hư hỏng nghiêm trọng. Dự án được UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định phê duyệt ngày 09/10/2012 với chiều dài hơn 10 km đi qua hai xã Châu Bình (huyện Quỳ Châu) và xã Yên Hợp (huyện Quỳ Hợp) với tổng mức đầu tư hơn 750 tỉ đồng.

Dự án kênh tưới tiêu Châu Bình, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An cũng là một trong những dự án công thủy lợi gây nhức nhối dư luận về vấn đề

Dự án kênh tưới tiêu Châu Bình, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An cũng là một trong những dự án công thủy lợi gây nhức nhối dư luận về vấn đề "chưa dùng đã hỏng" - Ảnh: DĐDN

Hay, dự án công trình thủy lợi mới đây nhất tại tỉnh Gia Lai, được UBND tỉnh ký phê duyệt đầu tư từ năm 2017 là công trình thủy lợi cấp IV, với tổng mức đầu tư tổng cộng 119 tỉ đồng, thế nhưng, từ năm 2017 đến nay, mặc dù công trình đã hoàn thiện, vẫn chưa thể đưa vào sử dụng bởi một số hạng mục bị hư hỏng nặng, đặc biệt là hệ thống kênh dẫn nước.

Như ghi nhận của các cơ quan báo chí, tại đoạn giao nhau giữa hệ thống kênh dẫn chính với hệ thống ống dẫn có nhiều vết nứt rộng toác, nhiều tấm đan trên hệ thống kênh bị vỡ, nhiều đoạn không có tấm đan, thậm chí chắp nối bằng những thanh gỗ cùng một số vị trí, vết nứt đã được vá bằng xi măng…

Theo các chuyên gia xây dựng, trách nhiệm của các bên liên quan về chất lượng công trình đã được nêu rõ tại Điều 4, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP gồm: nhà thầu, chủ đầu tư, cơ quan chuyên môn về xây dựng hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý chất lượng của các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình..., chịu trách nhiệm về chất lượng các công việc do mình thực hiện.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, một số dự án xảy ra hư hỏng là do còn kém trong nhiều khâu quan trọng, đặc biệt là việc tư vấn thiết kế công trình còn nhiều hạn chế, trong quá trình thi công, việc quản lý chất lượng của các nhà thầu chưa tuân thủ theo đúng quy trình, tiêu chuẩn dự án, công trình triển khai thiếu khoa học, thi công bề bộn…

Ngoài ra, việc chủ đầu tư cho rằng, sự cố có nguyên nhân từ việc hạn chế kinh phí trong quá trình khảo sát, thiết kế dự án hoặc do điều kiện tự nhiên như mưa nhiều, đó chỉ là sự ngụy biện, các chuyên gia cũng nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • CHÍNH PHỦ LẮNG NGHE (IX): Rà soát việc người nước ngoài “lách luật” sở hữu đất trọng yếu quốc phòng

    CHÍNH PHỦ LẮNG NGHE (IX): Rà soát việc người nước ngoài “lách luật” sở hữu đất trọng yếu quốc phòng

    12:22, 15/02/2021

  • CHÍNH PHỦ LẮNG NGHE (VIII): Kiểm tra, xử lý dự án “treo”, “bỏ hoang” tại Hà Nội

    CHÍNH PHỦ LẮNG NGHE (VIII): Kiểm tra, xử lý dự án “treo”, “bỏ hoang” tại Hà Nội

    04:30, 15/02/2021

  • CHÍNH PHỦ LẮNG NGHE (VII): Gỡ nút thắt trong chính sách phát triển nhà ở

    CHÍNH PHỦ LẮNG NGHE (VII): Gỡ nút thắt trong chính sách phát triển nhà ở

    14:57, 14/02/2021

  • CHÍNH PHỦ LẮNG NGHE (VI): Kiểm tra, xử lý vi phạm đê điều tại Hải Dương

    CHÍNH PHỦ LẮNG NGHE (VI): Kiểm tra, xử lý vi phạm đê điều tại Hải Dương

    05:59, 14/02/2021

  • CHÍNH PHỦ LẮNG NGHE (V): Hãng hàng không cho nông sản, giấc mơ bay sẽ không dang dở!

    CHÍNH PHỦ LẮNG NGHE (V): Hãng hàng không cho nông sản, giấc mơ bay sẽ không dang dở!

    12:30, 13/02/2021

ANH KHÔI