Vụ nhà thầu “bán nhanh, rút gọn” ở thuỷ điện Bản Vẽ (Kỳ IV): Địa phương đề nghị chủ đầu tư trả lại "đất sạch"
“Việc tự ý mua bán, chuyển nhượng tài sản là nhà công nhân, nhà điều hành… của các nhà thầu với nhân dân đã ảnh hưởng đến công tác hoàn trả mặt bằng sạch của chủ đầu tư trước khi bàn giao đất...”.
UBND huyện Tương Dương nêu thực trạng như vậy tại báo cáo số 549/BC-UBND ngày 06/12/2022 gửi Sở Công Thương và UBND tỉnh Nghệ An liên quan đến vụ việc công trình thuỷ điện Bản Vẽ đã hoàn thành, đi vào hoạt động hơn 10 năm nay nhưng hàng chục héc ta đất được chính quyền cho chủ đầu tư mượn để các nhà thầu sử dụng làm lán trại cho công nhân, nhà điều hành để thi công công trình này chưa thể thu hồi.
Nhà thầu tự ý bán tài sản trên đất là có thật
Nguyên nhân do sau khi các nhà thầu thi công xong đã tự ý bán lại tài sản gồm: lán trại, nhà công nhân ở, nhà điều hành phục vụ thi công…cho người dân trong bản và một số hộ dân đã tự ý cải tạo xây dựng thành nhà ở kiên cố từ thời điểm năm 2012 đến nay.
Thực trạng này tồn tại lâu nay cũng khiến cho công tác bàn giao đất tại khu mặt bằng công trường thủy điện Bản Vẽ cho địa phương quản lý vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Theo báo cáo của UBND huyện Tương Dương, hiện nay còn 76,7 ha đất chủ đầu tư không có nhu cầu sử dụng và chưa hoàn thiện công tác hoàn trả mặt bằng để bàn giao lại đất cho địa phương.
>>Vụ nhà thầu “bán nhanh, rút gọn” ở thuỷ điện Bản Vẽ: Nhiều vấn đề chưa được làm rõ
Bên cạnh đó, do công tác bàn giao mặt bằng chậm, nên một số hộ dân trong bản đã tự lấn chiếm đất để xây dựng nhà ở kiên cố từ năm 2012 đến nay, ảnh hưởng đến công tác hoàn trả mặt bằng sạch của chủ đầu tư trước khi bàn giao đất cho địa phương quản lý.
Báo cáo của UBND huyện Tương Dương mới đây cũng xác nhận, việc một số nhà thầu công trình thuỷ điện Bản Vẽ đã tự ý bán tài sản trên đất cho các cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn từ thời điểm năm 2012 đến nay là có thật.
“Căn cứ giấy tờ mua bán, chuyển nhượng tài sản giữa các nhà thầu thi công dự án với nhân dân (do các hộ dân cung cấp), thì việc các nhà thầu đã tự ý bán tài sản trên đất cho nhiều người dân địa phương là đúng” – văn bản báo cáo số 549 do ông Nguyễn Hữu Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương ký, nêu rõ.
>>Nghệ An: Chính quyền huyện “lao đao” vì nhà thầu “bán nhanh, rút gọn”
Cũng theo báo cáo của UBND huyện Tương Dương, hiện nay có 93 hộ dân (bản Có Phảo có 24 hộ và bản Vẽ có 69 hộ) đang sinh sống trên khu mặt bằng thủy điện Bản Vẽ tại xã Yên Na.
Đến nay, tất cả 93 hộ này đã ký biên bản xác nhận tình trạng sử dụng đất, tài sản trên đất đồng thời cam kết thời gian tận thu, tận dụng tài sản trên đất để bàn giao và kiến nghị đề xuất đối với phần nhà ở kiên cố để tiếp tục sử dụng do khó khăn về đất ở, nhà ở…
Huyện đề nghị tỉnh can thiệp
Được biết, chủ đầu tư cũng đã tiến hành đo đạc cắm mốc đến từng thửa đất ngoài thực địa, đối với đất đang có tài sản của nhân dân là 166 thửa đất/8,09ha và đã hoàn trả mặt bằng sạch được 2,0ha, còn lại 6,09ha chưa thu hồi để thực hiện thu dọn, hoàn trả mặt bằng bàn giao lại cho địa phương; 68,61ha đất ven khe suối, đường giao thông, đất lâm nghiệp và các khu vực đất trống khác còn lại chưa bàn giao nhưng không có tài sản trên đất;
>>Vụ nhà thầu “bán nhanh, rút gọn” ở thuỷ điện Bản Vẽ (Kỳ III): Ai đã “bật đèn xanh”?
Sau khi thống nhất được phương án tiếp nhận bàn giao đối với 93 hộ dân/166 thửa đất/8,09ha trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh và các sở ngành liên quan, UBND huyện mới tổ chức tiếp nhận bàn giao toàn bộ khu đất còn lại (76,7ha); UBND huyện đang chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp với các phòng, ban liên quan và UBND xã Yên Na tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân tận thu tài sản trên đất để chủ đầu tư hoàn trả mặt bằng sạch trước khi bàn giao cho địa phương quản lý theo đúng quy hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
Còn đối với các khu vực còn vướng mắc tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và các sở, ngành xin ý kiến chỉ đạo (cụ thể: các khu vực người dân tự mua bán tài sản với các nhà thầu và đã lấn chiếm xây dựng nhà ở kiên cố trước đây). Dự kiến hoàn thiện trong tháng 12/2022 để xin ý kiến chỉ đạo.
Cấp chính quyền huyện Tương Dương cũng thừa nhận đây là công việc rất khó, đòi hỏi mất nhiều thời gian để xử lý, với quan điểm khu vực nào không vướng mắc thì tiến hành hoàn trả mặt bằng trước, không để nhân dân tái lấn chiếm.
“Đề nghị UBND tỉnh giao chủ đầu tư thuỷ điện Bản Vẽ làm việc với tổng thầu là Tổng công ty Sông Đà và các nhà thầu thành viên yêu cầu có giải pháp xử lý đối với tài sản đã bán, chuyển nhượng với nhân dân để trả lại đất, thực hiện thu dọn hoàn trả mặt bằng bàn giao cho địa phương quản lý” – UBND huyện Tương Dương kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm
Nghệ An: Dự án dở dang, hơn 80 nghìn tấn rác "tra tấn" người dân TP Vinh
11:00, 10/12/2022
Nghệ An gỡ "nút thắt" hạ tầng từ tiền thu sử dụng đất 4 "siêu dự án"
02:16, 10/12/2022
Nghệ An: Nhà thầu bỏ cuộc, dự án xử lý rác thải bị “chết yểu”
14:30, 08/12/2022
Nghệ An: Doanh nghiệp Nam Dung liên tục “bao sân” các gói thầu ở Quỳ Hợp
03:00, 05/12/2022