Thời gian tới, Nghệ An sẽ điều tiết, trích 100% tiền thu sử dụng đất của 4 dự án xây dựng nhà ở đô thị với quy mô hàng trăm ha trên địa bàn TP Vinh vào nguồn ngân sách tỉnh để đầu tư xây dựng hạ tầng.
>>“Trục xương sống” hạ tầng giao thông
Theo đó, dự kiến nguồn thu tiền sử dụng đất khoảng gần 4.000 tỷ đồng của những dự án nói trên sẽ được điều tiết 100% để địa phương bổ sung vào ngân sách chi cho đầu tư xây dựng cầu dẫn nối QL7C với Cảng nước sâu Cửa Lò, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong thời gian tới.
Gỡ “nút thắt” hạ tầng cảng biển, sân bay
Trước đó, vào ngày 25/11/2022, ông Bùi Thanh An – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký tờ trình gửi HĐND tỉnh Nghệ An về việc xin Nghị quyết trích tỷ lệ phần trăm từ các dự án có thu tiền sử dụng đất cho ngân sách cấp tỉnh để cải tạo nguồn vốn thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án Cảng hàng không quốc tế Vinh và đầu tư xây dựng cầu dẫn nối QL7C với cảng nước sâu Cửa Lò.
Cũng theo đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, hiện nay trên địa bàn có các nhà đầu tư hạ tầng lớn như Công ty CP Wha Industrial Zone1-Nghệ An, Công ty TNHH VSIP Nghệ An, Công ty CP Hoàng Thịnh đã đầu tư hạ tầng KCN và thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào địa bàn.
Tuy nhiên, thực trạng hạ tầng của tỉnh Nghệ An còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến việc chọn lựa địa phương để đầu tư của các doanh nghiệp. Đặc biệt, thực trạng hạ tầng cảng biển Nghệ An chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hoá bằng đường biển.
Ngay như tại Cảng Cửa Lò hiện nay mới chỉ đáp ứng được năng lực khai thác với tàu 20-30.000 DWT giảm tải, sản lượng 6 triệu tấn/năm. Trong khi đó, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hoá của Nghệ An trong giai đoạn tới dự kiến khoảng 20-30 triệu tấn/năm. Năng lực khai thác cảng biển hạn chế, thực tế nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hoá đã phải vận chuyển ra cảng Nghi Sơn (Thanh Hoá), Vũng Áng (Hà Tĩnh) hoặc ra tận Hải Phòng…khiến năng lực cạnh tranh bị giảm sút nghiêm trọng.
Doanh nghiệp cũng phản ánh hoạt động logistics của Nghệ An phát triển ì ạch, gặp nhiều vướng mắc trong từng công đoạn, phát sinh các chi phí không đáng có trong suốt thời gian qua.
Còn tại Cảng hàng không quốc tế Vinh hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ khách hàng, nhiều thời điểm quá tại ngay tại khu vực check in. Mặt khác, hệ thống nhà ga hành khách quốc tế chưa đảm bảo do đang phải sử dụng nhà ga cũ cải tạo lại; hệ thống nhà ga hàng hoá…
Chưa kể, hiện diện tích nơi đỗ của sân bay quốc tế Vinh mới chỉ đáp ứng đủ 6 máy bay, trong khi có thời điểm nhu cầu cần đến 8,9 chỗ đỗ. Riêng hệ thống đường băng cất, hạ cánh thường xuyên phải sửa chữa do xuống cấp, chưa thể đáp ứng được cho dòng máy bay thân lớn code E như A350, A777, B787…
>>Đắk Nông: Gỡ “nút thắt” hạ tầng giao thông
Hiện nay năng lực phục vụ chuyến bay/giờ thấp (1 giờ phục vụ được 4 chuyến bay, tối đa là 5 chuyến bay); chất lượng mặt đường cất hạ cánh đã xuống cấp, thường xuyên phải duy tu sửa chữa; chưa có hệ thống đường lăn song song ảnh hưởng đến thời gian cất hạ cánh các chuyến bay.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An cũng xác định mục tiêu phải đầu tư, nâng cấp hệ thống cảng biển, sân bay là nhiệm vụ quan trọng để sớm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nếu không có giải pháp kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn trong việc thu hút đầu tư trong thời gian tới…
Mở rộng dư địa tài chính
Tại kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An khoá 18, kỳ họp lần thứ 11 diễn ra từ ngày 7 đến 9/12 đã thống nhất, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc điều tiết, trích 100% tiền thu từ sử dụng đất của 4 “siêu dự án” xây dựng khu đô thị trên địa bàn TP Vinh để đầu tư phát triển hạ tầng Cảng nước sâu Cửa Lò và Cảng hàng không quốc tế Vinh trong thời gian tới.
>>Tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông
Theo đó, 04 dự án nói trên gồm: Khu đô thị Sông Lam tại phường Hưng Dũng, thành phố Vinh (diện tích là 108,91 ha); Khu đô thị triển lãm Sông Lam, phường Hưng Dũng, thành phố Vinh (diện tích là 20 ha); Khu đô thị tại xã Hưng Lộc, thành phố Vinh (diện tích là 24,9 ha) và Khu đô thị xã Nghi Phú và xã Hưng Lộc, thành phố Vinh (diện tích là 9,67 ha) để tạo nguồn vốn hỗ trợ thực hiện bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho 02 dự án phát triển hạ tầng nói trên.
Được biết, UBND tỉnh Nghệ An cũng dự kiến nguồn thu từ tiền sử dụng đất của 04 dự án xây dựng khu đô thị tại phường Hưng Dũng, xã Nghi Phú, Hưng Lộc lên tới 3.932 tỷ đồng. Một nguồn tiền lớn để Nghệ An mở rộng dư địa tài chính, phục vụ đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn.
Nghệ An cũng xác định trong năm 2023 là nỗ lực, quyết tâm cao nhất để sớm hoàn thành thủ tục, khởi công 02 dự án hạ tầng chiến lược Cảng biển nước sâu Cửa Lò và mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh là nhiệm vụ trọng tâm của năm.
Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An cũng cho biết, khi điều tiết 100% nguồn thu tiền sử dụng đất từ các dự án nêu trên cho ngân sách cấp tỉnh và dự kiến khả năng thu từ các khu đất này, địa phương mới gần đáp ứng được nhu cầu huy động trước nguồn lực để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng cho 02 dự án đầu tư xây dựng Cảng biển nước sâu Cửa Lò và mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh.
Việc HĐND tỉnh Nghệ An biểu quyết, thông qua Nghị quyết điều tiết 100% tiền thu từ sử dụng đất vào nguồn ngân sách cấp tỉnh để thực hiện đầu tư, xây dựng, tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng từ 02 dự án nói trên cũng sẽ góp phần cải thiện môi trường thu hút đầu tư trong thời gian tới.
Ngoài ra, nếu 02 dự án đầu tư hạ tầng sớm đi vào hiện thực sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An và các dự án phục vụ thu hút đầu tư có tính kết nối, lan toả vùng, miền trên địa bàn tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
Nghệ An: Nhà thầu bỏ cuộc, dự án xử lý rác thải bị “chết yểu”
14:30, 08/12/2022
Nghệ An: Doanh nghiệp Nam Dung liên tục “bao sân” các gói thầu ở Quỳ Hợp
03:00, 05/12/2022
Nhiều gỗ rừng bị đốn hạ vô tội vạ ở Nghệ An (Kỳ III): Vẫn loay hoay trong “vòng quay” xử lý
03:00, 03/12/2022
Nghệ An: Siết chặt phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản
13:00, 02/12/2022
“Nút thắt” thương mại vùng biên Nghệ An
16:42, 01/12/2022