ACV lãi khủng nhờ... tiền gửi ngân hàng
Lượng tiền gửi ngân hàng của ACV chiếm tới 42% tổng tài sản kỳ hạn không quá 12 tháng với 21.300 tỷ đồng và tài sản cố định với 17.824 tỷ đồng
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2018. Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu thuần của ACV đạt 7.937 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Do tỷ lệ giá vốn trên doanh thu thuần giảm mạnh từ 58,2% xuống 49,6% nên lợi nhuận gộp của ACV tăng tới 38,5% lên 4.001 tỷ đồng.
Phần lớn tài sản là tiền gửi ngân hàng
Nửa đầu năm, ACV ghi nhận 1.137 tỷ đồng doanh thu tài chính, gấp đôi cùng kỳ 2017, chủ yếu do lãi chênh lệch tỷ giá (tăng 474 tỷ đồng). Về chi phí, ACV ghi nhận 993 tỷ đồng chi phí tài chính, tăng 53%; 146 tỷ đồng chi phí bán hàng, giảm 9,9%; 381 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp, tăng 1,9%.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận trước thuế của ACV đạt 3.819 tỷ đồng, tăng tới 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết ngày 30/6/2018, tổng tài sản của ACV đạt 51.269 tỷ đồng, tăng 4,3% so với hồi đầu năm. Phần lớn tài sản của ACV tập trung ở tiền gửi ngân hàng, lượng tiền gửi ngân hàng của ACV chiếm tới 42% tổng tài sản kỳ hạn không quá 12 tháng với 21.300 tỷ đồng và tài sản cố định với 17.824 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, vốn chủ hữu của ACV đến hết ngày 30/6/2018 ở mức 28.087 tỷ đồng, tăng 2,6% so với đầu năm. Nợ phải trả ở mức 23.180 tỷ đồng, tăng 6,4%; trong đó tổng nợ vay (cả ngắn hạn và dài hạn) ở mức 15.087 tỷ đồng, tăng 4,2%.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ cũng đã ban hành kết luận thanh tra về việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu ACV. Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều vi phạm của ACV trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất cũng như thu dịch vụ phi hàng không.
Theo bản kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong hai năm 2014 và 2015, ACV đã ký 803 hợp đồng cho thuê mặt bằng nhà ga với tổng diện tích 120.221 mét vuông, tổng số tiền thu về là 701,1 tỷ đồng. Tất cả trường hợp này đều được thực hiện bằng hình thức chỉ định thầu, không qua đấu thầu, đấu giá công khai.
Bên cạnh đó, ACV còn sai phạm trong việc lạm thu, thu không đúng quy định đối với một số giá dịch vụ phi hàng không.
Hiện có tới 21 trong tổng số 22 cảng do ACV quản lý đang thu tiền dịch vụ sử dụng đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với các ô tô đưa, đón trả khách (không sử dụng dịch vụ trông, giữ xe; chỉ tạm dừng dưới 3 - 5 phút để đón, trả khách) với mức giá vé lượt từ 7.000 - 30.000 đồng và vé tháng từ 600.000 - 1.650.000 đồng.
Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ 1/10/2012 đến 31/12/2015, tổng doanh thu từ việc thu phí ra vào 19-21 cảng hàng không là hơn 550 tỷ đồng.
Theo Thanh tra Chính phủ, việc thu tiền như vậy là không đúng quy định pháp luật về đất đai, do các cảng hàng không này không phải nộp tiền sử dụng đất. Việc thu tiền tuy mang lại lợi ích cho ACV, cho Nhà nước (khi ACV chưa cổ phần hóa), nhưng lại vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho hành khách và hiện chưa có hướng khắc phục triệt để.
Ngoài ra, ACV, và 22 chi nhánh cảng hàng không, sân bay trên cả nước, đang quản lý và sử dụng cho thuê lại đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất sai mục đích, không đúng quy định của nhà nước.
Có thể bạn quan tâm
ACV và những "sân sau" khó ngờ
04:30, 21/07/2018
ACV: Hàng loạt góc tối vừa “lộ sáng”
06:30, 23/05/2018
ACV mắc nhiều lỗi trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản
06:17, 15/05/2018
Những “lình xình” tại sân bay Nội Bài
Ai cũng hiểu, khai thác các dịch vụ có yêu cầu rất cao về an ninh và chất lượng như sân bay là một loại hình kinh doanh đặc thù. Dù mọi doanh nghiệp đều mong muốn, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng được yêu cầu ấy để kinh doanh trong sân bay. ACV đã khai thác và biến các dịch vụ trong sân bay thành đặc quyền dành cho chuỗi công ty “con”, công ty “cháu”, trong đó có Công ty Cổ phần phục vụ mặt đất Hà Nội - HGS.
HGS được thành lập ngày 2/4/2015 với vốn điều lệ 150 tỷ đồng, trong đó, ACV chỉ nắm 20% vốn điều lệ, 80% còn lại được nắm bởi 3 cổ đông pháp nhân khác. Năm 2017, chỉ sau 2 năm thành lập, ACV có tờ trình xin được thoái 20% cổ phần vốn điều lệ đang nắm giữ tại HGS và được Bộ GTVT đồng ý.
Tại thời điểm này, HGS đang cung cấp và nắm khoảng 30% thị trường dịch vụ mặt đất tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài, với khoảng 350 – 400 tỷ đồng doanh thu mỗi năm. Số doanh thu này tuy vậy vẫn không phản ánh nhiều về tiềm lực thực sự của HGS, vì hiện tại doanh nghiệp này nắm trong tay các hợp đồng cung cấp dịch vụ với các hãng bay hàng đầu thế giới.
Trong số các cổ đông sáng lập của HGS, đầu tiên là Cty CP Cung cấp thiết bị và dịch vụ bảo dưỡng hàng không là cổ đông lớn nhất, nắm 30% vốn điều lệ HGS. Công ty này do Công ty TNHH Danh Minh và ông Nguyễn Tuấn Anh nắm 80% vốn điều lệ.
Trong đó, ông Nguyễn Tuấn Anh cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT của HGS. Như vậy sau khi ACV thoái vốn, Chủ tịch HĐQT của HGS chính là người sẽ được mua cổ phần HGS với số lượng lớn nhất. Các cổ đông còn lại của HGS, tương tự, cũng đều là các Cty TNHH với những cổ đông chủ chốt mà tên còn xuất hiện thêm trong một số doanh nghiệp cổ phần có quan hệ chặt chẽ với ACV.
Sự lạ lùng của câu chuyện này đầu tiên xuất hiện từ “đề xuất thoái vốn” tại HGS. Có thể thấy ngay từ khi thành lập doanh nghiệp, ACV đã chủ động chỉ nắm 20% vốn điều lệ của HGS. Và lập tức sau khi được thành lập, HGS đã được ACV tạo điều kiện để hiện nắm được tới 30% thị phần dịch vụ tại sân bay Nội Bài. Chưa đầy 2 năm sau đó, ACV rút vốn khỏi HGS, hoàn thành thương vụ hỗ trợ HGS “thò chân” vào thị trường dịch vụ hàng không béo bở và đầy đặc quyền tại sân bay Nội Bài.