ACV: Hàng loạt góc tối vừa “lộ sáng”

Nguyễn Việt 23/05/2018 06:30

64 trang nội dung của Kết luận thanh tra số 5045/KL - BGTVT đã vẽ ra bức tranh khá toàn diện về hoạt động quản lý đầu tư các do ACV thực hiện với khá nhiều gam màu xám.

Hàng loạt góc tối trong quản lý đầu tư các dự án đầu tư hạ tầng sân bay có tổng mức đầu tư lên tới 42.000 tỷ đồng do ACV làm chủ đầu tư vừa được lộ sáng.

Hàng loạt góc tối trong quản lý đầu tư các dự án đầu tư hạ tầng sân bay có tổng mức đầu tư lên tới 42.000 tỷ đồng do ACV làm chủ đầu tư vừa được lộ sáng.

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa hoàn tất Kết luận thanh tra trách nhiệm trong việc huy động, quản lý, sử dụng vốn đầu tư do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam  (ACV) quản lý sau 10 tháng tiến hành thanh tra (tháng 8/2017 đến tháng 5/2018).

Nhiều gam màu xám

Đây là lần đợt thanh tra chuyên ngành về toàn bộ quy trình triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản tại ACV được thực hiện kể từ khi đơn vị này được thành lập vào năm 2012 trên cơ sở sáp nhập 3 tổng công ty cảng hàng không miền Bắc, miền Trung, miền Nam. Hàng loạt góc tối trong quản lý đầu tư các dự án đầu tư hạ tầng sân bay có tổng mức đầu tư lên tới 42.000 tỷ đồng do ACV làm chủ đầu tư vừa được lộ sáng.

Nếu chỉ tính riêng các dự án có tổng mức đầu tư (TMĐT) từ 15 tỷ đồng trở lên, trong vòng 4 năm (từ tháng 3/2012 đến tháng 12/2016), ACV đã thực hiện 85 dự án, với TMĐT 42.140 tỷ đồng, gồm: giá trị đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước 1.420,889 tỷ đồng; vốn trái phiếu chính phủ 4.221,705 tỷ đồng; vốn ODA 12.443,13 tỷ đồng và vốn của ACV là 24.074,712 tỷ đồng.

Điểm xám đầu tiên chính là số lượng các dự án hoàn thành khá lâu, nhưng chậm quyết toán tại ACV rất lớn, lên tới 44/85 dự án, với tổng mức đầu tư 30.411 tỷ đồng, tổng giá trị thực hiện 25.298,6 tỷ đồng, giá trị giải ngân 24.940 tỷ đồng.

Ngoài những lý do thường thấy mà các chủ đầu tư bị vướng dẫn đến chậm quyết toán, một số dự án tại ACV chưa thể hoàn tất thủ tục xây dựng cơ bản cuối cùng này còn có một lý do khá hy hữu. Theo Thanh tra Bộ GTVT, chủ đầu tư đã “phóng tay” tạm ứng cả các vật tư không khan hiếm như quy định trong hợp đồng, dẫn đến giá trị tạm ứng lớn, vượt giá trị đơn vị thực tế được hưởng, nên nhà thầu không muốn quyết toán dự án hoàn thành.

Cũng tại Kết luận Thanh tra số 5045, ít nhất 3 lần, Thanh tra Bộ GTVT đã đề cập đến một vùng xám khác trong quy trình quản lý đầu tư tại ACV, đó là việc, ACV là doanh nghiệp cổ phần, vốn nhà nước chiếm 95,4% vốn điều lệ, có nghĩa là, vốn đầu tư của ACV chủ yếu là vốn nhà nước.  Vì vậy, theo Thanh tra Bộ GTVT, ACV vừa là cấp quyết định đầu tư, chủ đầu tư thực hiện dự án, lại là đơn vị tiếp nhận dự án để khai thác có thể dẫn đến thiếu khách quan trong quản lý đầu tư xây dựng.

Điểm mặt những “sân sau”

Năm 2012, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quyết định thành lập Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV), trên cơ sở sáp nhập ba cụm cảng hàng không, với hơn 20 sân bay và các dự án hạ tầng hàng không cả nước. 5 năm sau quyết định ấy, ACV giờ là “siêu” Tổng Công ty Cổ phần, độc quyền khai thác các sân bay nhà nước, với hàng nghìn tỷ đồng sai phạm vừa “được” Thanh tra Chính phủ kết luận. Nhưng vẫn còn hàng nghìn tỷ đồng doanh thu khác được đẩy vào “sân sau” của doanh nghiệp kinh doanh sân bay này, thì chưa được cơ quan nào “sờ” tới.

Dẫn chứng, trong cơ cấu tổ chức của mình, ACV có 3 công ty con, công ty liên kết hoạt động tại khu vực sân bay Nội Bài. Đó là Công ty Cổ phần dịch vụ nhiên liệu hàng không Nội Bài (NAFSC) – chuyên cung cấp nhiên liệu máy bay, Công ty Cổ phần phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS) – chuyên cung cấp các dịch vụ mặt đất, hành khách tại sân bay, và Công ty Cổ phần dịch vụ hàng hóa hàng không (ACSV) – chuyên cung cấp các dịch vụ liên quan tới hàng hóa hàng không.

Đằng sau những doanh nghiệp này lại là một hệ thống các công ty con nữa, sở hữu chằng chịt. Cụ thể, Công ty Cổ phần dịch vụ hàng hóa Nội Bài cùng Công ty Cổ phần đầu tư thương mại và dịch vụ quốc tế góp vốn thành lập Công ty Cổ phần logistics hàng không (ALS). Đây là công ty chuyên lo các phần việc thủ tục, vận chuyển hàng hóa hàng không của ACV...

Công ty ALS lại tiếp tục góp vốn cùng Công ty Cổ phần đầu tư thương mại và dịch vụ quốc tế… thành lập Công ty Cổ phần dịch vụ sân bay (ASG), chuyên lo thủ tục các hàng hóa, dịch vụ giá trị cao cho các khách hàng của ACV và sân bay Nội Bài. Việc góp vốn, liên doanh để mở rộng sản xuất kinh doanh là chuyện bình thường. Song, điều đáng lưu ý, đến “cấp” doanh nghiệp thứ 2, 3 này, phần vốn của các công ty con thuộc ACV đã giảm hẳn, mà phần lớn vốn góp thuộc về các công ty TNHH hoặc cá nhân.

Tại ALS, hiện vốn của Công ty Cổ phần dịch vụ hàng hóa Nội Bài chỉ còn 10,063% vốn điều lệ. “Nối dài” tới Công ty ASG, tỷ lệ nắm giữ điều lệ của ALS chỉ còn chưa tới 5%, trong khi một công ty TNHH và một cá nhân còn lại nắm gần 78%.

Cách đầu tư và bố trí công việc này đưa tới kết quả là những phần việc lợi nhuận tốt nhất trong chuỗi dịch vụ hàng không mà ACV khai thác độc quyền đã tự nhiên rơi vào những doanh nghiệp về danh nghĩa thuộc Tổng Công ty, nhưng thực tế lại là của một số cổ đông cá nhân, hoặc doanh nghiệp ngoài ACV. Những doanh nghiệp ký hợp đồng trực tiếp với ACV, hoặc công ty con của ACV mặc nhiên được thuê trụ sở, thuê kho ngay trong khu vực sân bay Nội Bài – một điều mà ngay các doanh nghiệp khác không thể “mơ” tới.

Đương nhiên, theo quy định về công ty cổ phần: ai nắm giữ nhiều cổ phiếu người đó sẽ được hưởng nhiều lợi nhuận hơn. Nói cách khác, độc quyền kinh doanh ACV có đã chuyển hóa thành một dạng biệt đãi với các công ty sân sau mà các cơ quan chức năng khó có thể lần tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
ACV: Hàng loạt góc tối vừa “lộ sáng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO