“Cú hích” cho hoạt động xử lý nợ xấu
Với nhiều điểm bổ sung mới, dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích lớn cho hoạt động xử lý nợ xấu.
Dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động DATC gồm 05 Chương, 40 Điều, có nhiều quy định bổ sung mới so với cơ chế hiện nay.
Cụ thể, về chức năng nhiệm vụ (khoản 1 Điều 5) bổ sung chức năng là công cụ của Chính phủ tham gia “xử lý nợ xấu của các tổ chức kinh tế, tham gia hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ có tổ chức và có sự quản lý của Nhà nước” để phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Có thể bạn quan tâm
DATC lần đầu đặt mục tiêu giảm lãi
01:33, 25/06/2018
DATC đã xử lý gần 7.000 tỷ đồng nợ xấu của các ngân hàng
05:45, 07/02/2018
DATC đã xử lý 2.000 tỷ đồng nợ xấu của VietinBank và Techcombank
10:10, 18/12/2017
DATC mua khoản nợ hơn 1.000 tỷ từ ngân hàng có vốn nhà nước đang tái cơ cấu
09:59, 06/12/2017
Về các hoạt động của DATC, dự thảo Nghị định đã quy định bổ sung một số nội dung, như: đối với hoạt động tiếp nhận, xử lý các khoản nợ và tài sản, bổ sung quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 cho phép DATC tiếp nhận nợ và tài sản của các đơn vị sự nghiệp công lập khi thực hiện cổ phần hóa theo quy định của Chính phủ để phù hợp với quy định hiện nay về cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập (Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ) và định hướng sửa đổi, bổ sung Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6, DATC được tiếp nhận các tài sản khác theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là các tài sản tồn đọng, các tài sản gắn với xử lý nợ để tiếp tục đầu tư khai thác hoặc xử lý thu hồi cho Nhà nước.
Đối với hoạt động mua, bán, xử lý nợ và tài sản, tại điểm b khoản 2 Điều 6, đối với hoạt động mua nợ và tài sản theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, dự thảo Nghị định bổ sung nội dung đối tượng mua theo chỉ định là các dự án cần hỗ trợ xử lý nợ để tiếp tục đầu tư, khai thác theo chỉ định.
Về quyền của DATC, bên cạnh việc thực hiện các quyền theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty, dự thảo cũng bổ sung các quyền trong hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cơ bản phù hợp với quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đồng thời, cho phép DATC được thực hiện các biện pháp phục hồi doanh nghiệp tái cơ cấu dưới hình thức cung cấp tài chính tương tự như Công ty quản lý tài sảnVAMC, bảo lãnh vay vốn tín dụng.
Ông Phạm Mạnh Thường - Phó Tổng Giám đốc DATC cho biết, DATC được thành lập theo Quyết định số 109/2003/QĐ-TTg ngày 05/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ với hai chức năng chính, ngoài chức năng kinh doanh theo cơ chế thị trường thì chức năng quan trọng của DATC còn là công cụ của Chính phủ để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - chính trị do Chính phủ giao xử lý các vấn đề nợ và tài sản tồn đọng trong quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại. Theo đó, DATC sử dụng vốn nhà nước giao để kinh doanh những ngành nghề đã đăng ký mà trọng tâm là mua, bán các khoản nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp, bảo đảm kinh doanh có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước giao.
Ông Thường cho biết, đến nay DATC đã mua bán, xử lý nợ và tài sản đạt trên 90.000 tỷ đồng, qua đó hỗ trợ khoảng 3.000 doanh nghiệp xử lý được công nợ và tài sản tồn đọng trước, trong và sau cổ phần hóa cũng như để tái cơ cấu phục hồi kinh doanh. DATC cũng đã hỗ trợ cổ phần hóa hàng chục Tổng công ty (TCT) Nhà nước và phục hồi sản xuất kinh doanh cho hơn 150 DNNN, trong đó có TCT Hàng hải Việt Nam (Vinalines), TCT Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC), TCT Cà Phê Việt Nam... Đối với nghiệp vụ tiếp nhận, DATC đã tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp để góp phần trợ giúp tích cực đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa khoảng 5.000 tỷ đồng nợ và tài sản loại trừ khỏi giá trị doanh nghiệp cho trên 2.600 doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa…
“Nếu như trước đây DATC chỉ tập trung vào doanh nghiệp nhà nước thì bây giờ sẽ mở rộng tới tất cả các doanh nghiệp, kể các các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” - Ông Thường cho biết thêm.