Cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước chậm, có thể không đạt kế hoạch đề ra
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, việc triển khai thoái vốn nhà nước còn chậm, có khả năng không đạt kế hoạch Thủ tướng đã phê duyệt.
Sáng ngày 21/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty.
“Lỡ hẹn” cổ phần hoá và thoái vốn
Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thực hiện Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020” theo Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, về tình hình phê duyệt phương án cơ cấu, tính đến thời điểm này (gần hết tháng 11/2018), mới có 35/526 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại.
Về cổ phần hoá, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 991/TTg-ĐMDN, trong giai đoạn 2017 – 2020, sẽ cổ phần hóa 127 doanh nghiệp. Năm 2016 đã cổ phần hóa 66 doanh nghiệp. Năm 2017 đã cổ phần hóa 69 doanh nghiệp (trong đó có 17 doanh nghiệp thuộc danh sách năm 2017).
Đặc biệt, trong 11 tháng đầu năm 2018 đã cổ phần hóa 12 doanh nghiệp, trong đó có 3 doanh nghiệp thuộc danh sách năm 2017 và chưa có doanh nghiệp nào thuộc danh sách 2018 với tổng giá trị doanh nghiệp của 12 doanh nghiệp là 29.747 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 15.413 tỷ đồng.
“Như vậy, đến nay đã cổ phần hóa được 27/127 doanh nghiệp trong kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 991/QĐ-TTg (chiếm 21%). Những đơn vị thực hiện tích cực, đã hoàn thành kế hoạch đặt ra là Tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Đồng Tháp, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Kạn và Đài truyền hình Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng cho biết.
Điều đáng nói, theo kế hoạch năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến ngày 18/11/2018 mới cổ phần hóa được 12 doanh nghiệp.
“Tiến độ triển khai cổ phần hóa trong 11 tháng đầu năm 2018 còn chậm, có khả năng không đạt được kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết.
Về thoái vốn, theo kế hoạch tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì giai đoạn 2017 - 2020 thực hiện thoái 406 danh mục, khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Kết quả, trong giai đoạn từ 2016 đến tháng 11/2018, cả nước đã thoái được 17.826 tỷ đồng, thu về 155.735 tỷ đồng.
“Tổng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn bao gồm thoái vốn nhà nước và thoái vốn tại các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn từ 2016 đến nay đạt khoảng 206.720 tỷ đồng" - Bộ trưởng Bộ Tài Chính cho biết. Cụ thể, năm 2016 đạt 30.000 tỷ đồng, năm 2017 đạt 144.577 tỷ đồng, 11 tháng đầu năm 2018 đạt 32.143 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 thì năm 2017 có 135 doanh nghiệp, năm 2018 có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn. ”Nhưng lũy kế đến nay mới chỉ có 31 đơn vị thực hiện thoái vốn theo kế hoạch. Như vậy, việc triển khai thoái vốn nhà nước còn chậm, có khả năng không đạt kế hoạch đề ra”, Bộ trưởng cho biết.
Trong đó, TP.HCM, Hà Nội vẫn chưa triển khai cổ phần hóa bất cứ doanh nghiệp nào trong kế hoạch của năm 2018. Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, các tỉnh Thừa Thiên Huế, An Giang, Hưng Yên, Khánh Hòa, Kiên Giang, Quảng Nam, Quảng Trị, Thái Nguyên... cũng là những cái tên sẽ bị nhắc vì chậm cổ phần hóa cũng như chậm thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp.
Không chỉ “lỡ hẹn” về cổ phần hoá, thoái vốn của DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết, việc bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ còn chậm.
"Tính đến hết tháng 11/2018, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh đã hoàn thành chuyển giao về SCIC 27/62 doanh nghiệp. Như vậy còn đến 35 doanh nghiệp với tổng số vốn nhà nước là 10.107 tỷ đồng trên tổng số vốn điều lệ là 14.706 tỷ đồng tại 05 Bộ và 08 tỉnh, thành phố chưa được bàn giao”, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết.
Với 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương, đến tháng 8/2018, có 2 dự án bước đầu hoạt động có lãi, 4 dự án đang từng bước khắc phục khó khăn, 3 dự án còn đang khó khăn, dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu Phú Thọ tiếp tục gặp khó khăn, xem xét phương án giải thể, phá sản.
“Còn đối với dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đang triển khai bán đấu giá toàn bộ tài sản, hàng hóa tồn kho. Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên đã thu về cho Quỹ Sắp xếp và phát triển doanh nghiệp 1.000 tỷ đồng và đang triển khai đàm phán giải quyết hợp đồng EPC”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Quy trách nhiệm người đứng đầu
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, kết quả chuyển nhượng vốn của DNNN đầu tư ra ngoài đều có lãi, tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc đầu tư vốn chỉ tập trung vào các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nhà nước duy trì doanh nghiệp làm chủ sở hữu không còn hiện tượng đầu tư vốn dàn trải.
“Kết quả công tác cổ phần hóa, thoái vốn đã có tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, hầu hết các DNNN sau cổ phần hóa đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên”, Bộ trưởng cho biết.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng thẳng thắn cho biết, việc xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh còn thiếu tính dự báo, thiếu sự liên kết để đáp ứng yêu cầu phát triển chung.
Cùng với đó, cơ chế quản trị doanh nghiệp nhà nước chậm được đổi mới, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế, tính công khai, minh bạch còn hạn chế.
"Đặc biệt, trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp nhà nước chưa rõ ràng. Việc thực hiện cơ chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm cũng như việc xử lý các hành vi vi phạm về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DNNN chưa đầy đủ, nghiêm túc”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Do đó, để đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề xuất, Hội đồng thành viên, Chủ tịch, Ban lãnh đạo các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, DNNN chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ xây dựng, triển khai phương án cơ cấu lại DNNN trên toàn bộ các lĩnh vực.
Thực hiện công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập, công tác cán bộ; trong ký kết và thực hiện các hợp đồng với những người có liên quan đến người quản lý doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, các DNNN, trọng tâm là các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước phải đi đầu trong đổi mới, áp dụng công nghệ và phương thức kinh doanh theo hướng thông minh hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và năng lực cạnh tranh cao hơn, áp dụng phương thức kinh doanh mới như kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, thanh toán điện tử... đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ, mô hình quản lý, quản trị trong nền kinh tế 4.0.
Có cùng quan điểm, Phó trưởng Ban Ban Đổi mới doanh nghiệp Nguyễn Hồng Long nhận định: “Mục tiêu của chúng ta là đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN trọng tâm Tập đoàn, Tổng công ty đòi hỏi phải có sự đổi mới. Trong đó là thay đổi cơ chế quản trị, thay đổi điều hành sản xuất kinh doanh bảo đảm minh bạch công khai, nâng cao hiệu quả hoạt động hiệu quả hơn, tương xứng nguồn lực các DN đã có”.