Cần kiến tạo “môi trường” tốt hơn cho doanh nghiệp tư nhân
Sau 30 năm đổi mới, khu vực doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam nhìn chung vẫn chưa phát triển đúng với tiềm năng và cần kiến tạo một “môi trường” tốt hơn nữa để phát triển.
Đây là nhận định được nhiều chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến “Tạo đà cho doanh nghiệp tư nhân phát triển” do Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với Tân Hiệp Phát tổ chức sáng ngày 22/11 tại trụ sở Văn phòng Quốc hội.
Ông Bùi Ngọc Chương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc Hội cho rằng, ngoài đóng góp về GDP, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 85% lực lượng lao động của nền kinh tế. Có ý kiến nói rằng khu vực kinh tế tư nhân chỉ chủ yếu giải quyết vấn đề việc làm. Nhưng đây cũng chỉ là một khía cạnh bởi ngoài giải quyết vấn đề việc làm, khu vực kinh tế tư nhân còn cả đóng góp về tăng trưởng, vốn đầu tư và đóng góp cho ngân sách.
Khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 40% GDP nhưng phần của doanh nghiệp tư nhân chỉ khoảng 8% còn lại là của khu vực kinh tế gia đình, hộ cá thể. Vì vậy mục tiêu đến năm 2020 đạt 1 triệu doanh nghiệp đây là vấn đề khó khăn vì khu vực doanh nghiệp tư nhân còn nhiều khó khăn rào cản mà khu vực hộ kinh doanh cá thể lại không chịu tác động đó. Hiện nay, rất nhiều hộ kinh doanh cá thể lớn mạnh nhưng không đăng kí thành doanh nghiệp tư nhân. Do đó, cần phải có cơ chế chính sách, quản lí về kinh doanh để các hộ kinh doanh cá thể tham gia vào họat động kinh doanh theo mô hình kinh tế doanh nghiệp.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện - UBTVQH cho rằng doanh nghiệp muốn phát triển phải có một người chủ doanh nghiệp, người lãnh đạo có tầm thì doanh nghiệp sẽ lớn rất nhanh. Ngoài ra, một doanh nghiệp nhỏ muốn lớn phải có 3 chìa khóa là “gen”, “dinh dưỡng” và “môi trường”, trong đó, quan trọng nhất là môi trường chính sách, không quan tâm kiểu “thương miệng, xót môi”.
Ông Nguyễn Văn Thân, ĐBQH, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng số doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam hiện là 98%, nhưng ở các nước khác như Đức, Nhật, Mỹ... là 99%, vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa là đa ngành, tất cả các lĩnh vực, nên ổn định nền kinh tế vĩ mô của khối doanh nghiệp này rất quan trọng. Những doanh nghiệp nhỏ nếu kết nối với các doanh nghiệp lớn sẽ phát triển kinh khủng, còn nếu đi một mình sẽ khó. Do đó, cần có những hội thảo giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp FDI, để nhân dân hiểu, và thấy được những tích cực, những điều mà các doanh nghiệp đang làm được.
Có thể bạn quan tâm
Phát triển kinh tế biển: Đề cao vai trò Doanh nghiệp tư nhân
17:51, 14/11/2018
Ì ạch… doanh nghiệp tư nhân
05:35, 19/07/2018
Những rào cản khiến doanh nghiệp tư nhân không muốn lớn
16:49, 10/07/2018
Đầu tư bài bản sẽ mang lại cho doanh nghiệp tư nhân nhiều lợi ích
15:01, 10/07/2018
Dấu ấn doanh nghiệp tư nhân Hải Phòng
06:18, 10/07/2018
Doanh nghiệp tư nhân cần bình đẳng trong cơ chế
11:20, 09/07/2018
Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ nhấn mạnh, trước đây, khi bước vào thời kỳ đổi mới, kinh tế tư nhân đã phát triển tới mức có 25.000 doanh nghiệp, đến nay đã có đế 600.000 doanh nghiệp, dự kiến sẽ lên 1 triệu doanh nghiệp tới năm 2020. Mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được vì mỗi năm chúng ta tăng thêm ít nhất trên 100.000 doanh nghiệp đăng ký mới và đổi mới doanh nghiệp cũ cũng trở thành doanh nghiệp mới.
Ở một khía cạnh khác, bên cạnh một số doanh nghiệp rất lớn, các đại gia đã nổi lên như Vingroup, FLC, Trường Hải, TH TrueMilk, Hòa Phát, đặc biệt là doanh nghiệp Tân Hiệp Phát, là những đơn vị rất nổi bật vai trò của mình trong việc cạnh tranh và hội nhập với bên ngoài.
Doanh nghiệp tư nhân sẽ là nền tảng chứ không chỉ là động lực trong nền kinh tế thị trường. Nhà nước cần đảm bảo nhất quán, ổn định về chính sách cũng như cần đóng vai trò trung tâm trong việc đồng hành và kết nối.
Doanh nhân Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát cho rằng, doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang vướng trong câu chuyện không muốn lớn và không thể lớn. Muốn lớn thì cần có cả nguồn lực và năng lực, người lãnh đạo phát triển đến đâu thì DN phát triển đến đó, đó là tư duy cần thay đổi, người lãnh đạo doanh nghiệp phải là linh hồn. Cũng có những doanh nghiệp không muốn lớn, vì sợ, theo đó đến một mức độ nào đó, mỗi lần “lớn lên” là sẽ đòi hỏi một năng lực khác, cao hơn, phải phá vỡ cái cũ và lãnh đạo doanh nghiệp có dám phát triển hay không.