Doanh nghiệp kiến nghị bán cổ phần nhà nước theo quy trình M&A
Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI) kiến nghị thực hiện quy trình bán vốn cổ phần của nhà nước theo quy trình M&A và tiêu chuẩn quốc tế để kêu gọi nguồn đầu tư “chất lượng cao”.
Mục tiêu đạt được còn “nửa vời”
Mặc dù được đánh giá có nhiều chuyển biến rõ nét, thu về cho ngân sách nhà nước gần 200.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2011-2018 thông qua cổ phần hoá và thoái vốn, tuy nhiên quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn còn khá chậm. Đặc biệt, những mục tiêu ban đầu của quá trình tái cơ cấu DNNN như "tăng cường quản trị doanh nghiệp" và "nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh" vẫn còn chưa đạt được.
Thậm chí, theo đánh giá của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tái cơ cấu DNNN ở Việt Nam đang có lộ trình đi ngược.
Có thể bạn quan tâm
Lãnh đạo DNNN có nên là công chức?
05:40, 02/12/2018
Thủ tướng Chính phủ: “Cổ phần hoá DNNN không thể “vô Chính phủ” - làm cũng được, không làm cũng được”
12:20, 21/11/2018
Tái cơ cấu DNNN đang đi “ngược chiều”
10:20, 21/11/2018
Vì sao khó kiểm soát thất thoát khi cổ phần hóa DNNN?
03:31, 10/11/2018
Theo đó, TS Nguyễn Đình Cung đã chỉ ra 3 mảng vấn đề của tái cơ cấu DNNN. Thứ nhất, áp đặt buộc các DNNN, Tập đoàn tổng công ty hoạt động theo nguyên tắc thị trường. Thứ hai, nâng cao hiệu lực quản trị DNNN thông qua áp dụng chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Thứ ba, cổ phần hóa và thoái vốn.
“Tuy nhiên, đến nay chủ yếu chúng ta mới tập trung vào cổ phần hoá và thoái vốn. Tôi cho rằng, hai mảng đầu tiên thậm chí còn quan trọng hơn", TS Cung nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, kỳ vọng cổ phần hoá buộc các doanh nghiệp sẽ hoạt động theo nguyên tắc thị trường và cổ phần hoá, thoái vốn sẽ thay đổi quy tắc quản trị công ty như hiện tại là cách làm ngược.
TS Nguyễn Đình Cung khẳng định, cần phải làm trước hai mảng hoạt động theo nguyên tắc thị trường và nâng cao năng lực quản trị rồi mới đến hoạt động cổ phần hoá, thoái vốn.
Từng đánh giá về vấn đề này, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển nhận định, một phần lớn khối lượng vốn này lại nằm tại các doanh nghiệp không dễ thoái vì chất lượng và hiệu quả sử dụng vốn không cao, thậm chí thấp kém so với nhu cầu thị trường trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Có cùng quan điểm, ông Koji Ito, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI) đánh giá: "Việc đạt mục tiêu vốn dĩ đã được đặt ra như tăng cường quản trị doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh mà ban đầu hoạt động cải cách doanh nghiệp nhà nước đã hướng tới vẫn còn “nửa vời”".
Ba giải pháp thu hút nguồn đầu tư "chất lượng cao"
Trong khi đó, cho đến nay các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư cổ phần thiểu số với tư cách là nhà đầu tư chiến lược hoặc thành lập liên doanh tại rất nhiều doanh nghiệp SOE của Việt nam, bao gồm cả các doanh nghiệp tài chính ngân hàng, và cũng còn rất nhiều doanh nghiệp Nhật hiện đang xem xét việc đầu tư vào các doanh nghiệp SOE.
“Để thực hiện tốt cải cách doanh nghiệp nhà nước thì quan trọng hơn hết là phải kêu gọi các nguồn vốn đầu tư “có chất lượng cao” từ nước ngoài bao gồm cả Nhật Bản”, ông Koji Ito - Chủ tịch JCCI nhấn mạnh.
Do đó, JCCI đề xuất ba kiến nghị. Thứ nhất, xem lại phương pháp định giá và tăng mức thanh toán của cổ phiếu niêm yết.
Bởi theo ông Koji Ito đang có sự hạn chế nhu cầu mua với những trường hợp nhà đầu tư nước ngoài xét thấy giá bán (giá đấu giá tối thiểu) do phía Việt nam đưa ra không phải là mức giá hợp lý.
Trên thực tế hiện nay, phương pháp xác định giá bán cổ phần của các doanh nghiệp SOE theo như quy định của Nghị định 126 và Nghị định 32. Tuy nhiên, JCCI đánh giá hiện phương pháp này đang khác biệt khá xa so với tiêu chuẩn định giá cổ phiếu quốc tế.
Cùng với đó, đối với các doanh nghiêp SOE đã niêm yết trên sàn, nhiều trường hợp do thanh khoản trên thị trường kém nên hình thành giá cổ phiếu không hợp lý, nên sẽ rất khó để các nhà đầu tư blue-chip của nước ngoài trong đó có Nhật Bản có thể chấp nhận về giá.
Mặt khác, quy mô của các doanh nghiệp tập đoàn SOE chủ lực là rất lớn, có nhiều trường hợp các nhà đầu tư nước ngoài rất khó có thể hiểu rõ nội dung ngành nghề kinh doanh của các tập đoàn đa tầng này. “Do vậy, sẽ hiệu quả hơn nếu tách riêng các công ty con, công ty cháu trong tập đoàn một cách rõ ràng theo nội dung ngành nghề để ưu tiên đầu tư”, Chủ tịch JCCI kiến nghị.
Thứ hai, thực hiện quy trình bán vốn cổ phần của nhà nước sao cho gần với quy trình M&A theo tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Koji Ito, Chủ tịch JCCI khuyến nghị, cần phải đảm bảo việc đánh giá đầy đủ thực trạng và các vấn đề của doanh nghiệp bán vốn thông qua quá trình rà soát đặc biệt liên quan đến luật pháp, tài chính, thuế, và đưa vào hợp đồng (hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần, hợp đồng cổ đông). Nếu quá trình này phát hiện vấn đề gì, cần phải có giải pháp.
Vì, với các nhà đầu tư chiến lược có chất lượng tốt là các doanh nghiệp niêm yết của nước ngoài bao gồm cả Nhật Bản, do nghĩa vụ giải trình trước cổ đông, hội đồng quản trị của công ty khi quyết định đầu tư liên quan đến các dự án M&A và phải thực hiện việc đánh giá các phân tích rủi ro, rà soát, các đối sách trong quy trình nêu trên một cách thận trọng.
“Nếu quy trình này không đầy đủ thì khả năng nhà đầu tư đưa ra quyết định tham gia tiếp dự án sẽ là rất thấp. Vì vậy chúng tôi đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh lại quy trình bán vốn”, ông Koji Ito nói.
Thứ ba, tăng cường bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số. Chủ tịch JCCI cho biết, nhiều trường hợp các doanh nghiệp Nhật đầu tư vào các doanh nghiệp SOE mà chính phủ vẫn nắm cổ phần chi phối theo quy định hiện hành, do đó mà đa số vẫn bị hạn chế đầu tư nước ngoài.
"Các doanh nghiệp Nhật, đang đa phần là đầu tư chiến lược vào các doanh nghiệp SOE mà chỉ được chấp nhận đầu tư của cổ đông thiểu số theo luật định, hầu hết là không giữ quyền phủ quyết theo luật doanh nghiệp", Chủ tịch JCCI nói.
Với những trường hợp vì hạn chế của các quy định pháp luật mà nhà đầu tư chỉ có thể góp vốn của cổ đông thiểu số như vậy, thì để thu hút các nhà đầu tư tốt thì cần phải tăng cường bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số hơn nữa để các nhà đầu tư có thể yên tâm đầu tư một cách dài hạn.
“Gần đây, có nhiều trường hợp ngay cả khi đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước thì các lợi ích này cũng bị giới hạn ở một mức độ nhất định. Chúng tôi mong rằng Ủy ban quản lý vốn tập trung (CMSC) và Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) với tư cách là cổ đông lớn tại các doanh nghiệp SOE từ nay về sau sẽ tăng cường các biện pháp để bảo vệ quyền lợi cho các đối tác chiến lược là các nhà đầu tư thiểu số nước ngoài”, Chủ tịch JCCI nhấn mạnh.