TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, công cuộc tái cơ cấu DNNN ở Việt Nam đang có lộ trình đi ngược.
TS Nguyễn Đình Cung đã chỉ ra 3 mảng vấn đề của tái cơ cấu DNNN. Thứ nhất, áp đặt buộc các DNNN, Tập đoàn tổng công ty hoạt động theo nguyên tắc thị trường. Thứ hai, nâng cao hiệu lực quản trị DNNN thông qua áp dụng chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Thứ ba, cổ phần hóa (CPH) và thoái vốn.
“Tuy nhiên, trong tổng kết đến nay chủ yếu chúng ta mới tập trung vào CPH và thoái vốn. Tôi cho rằng, hai mảng đầu tiên thậm chí còn quan trọng hơn" - TS Cung nhấn mạnh và cho rằng" "Chúng ta hy vọng CPH buộc các doanh nghiệp sẽ hoạt động theo nguyên tắc thị trường và CPH, thoái vốn sẽ thay đổi quy tắc quản trị công ty. Theo tôi chúng ta đang làm ngược, cần phải làm trước hai mảng hoạt động theo nguyên tắc thị trường và nâng cao năng lực quản trị rồi mới đến hoạt động CPH, thoái vốn” – TS Cung nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
10:40, 18/09/2018
06:00, 27/06/2018
19:00, 30/05/2018
Theo Viện trưởng CIEM, trong thời gian áp đặt nguyên tắc thị trường, đã đem lại nhiều kết quả khả quan, có dấu hiệu thay đổi như: thứ nhất, không còn ưu đãi riêng, chỉ đạo vay vốn đối với DNNN. Thứ hai, chúng ta không cấp vốn để tái cơ cấu, bù lỗ, áp dụng xử lý doanh nghiệp thua lỗ theo nguyên tắc thị trường.
Về vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp, TS Cung đã chỉ ra 3 điểm còn đáng lưu ý.
Thứ nhất, chưa tính đúng, tỉnh đủ chi phí với DNNN. Chỉ khi CPH mới đánh giá lại tài sản doanh nghiệp theo giá thị trường, đáng lẽ phải đánh giá với tất cả DNNN, để biết được giá trị doanh nghiệp theo thị trường là bao nhiêu, từ bất cập này dẫn đến không nhìn thấy sức mạnh thực của doanh nghiệp.
Thứ hai, chỉ tiêu giao cho doanh nghiệp còn thấp, dẫn đến không có sức ép thực hiện kế hoạch đề ra.
Thứ ba, DNNN không được tự chủ trong hoạt động kinh doanh: vẫn còn gò bó, ràng buộc, không thể hoạt động theo nguyên tắc thị trường. Không được tuyển dụng, áp dụng mức lương cho đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc thị trường.
"Quản trị hiện nay của DNNN so với thông lệ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có một khoảng cách rất xa" - TS Cung nhận định. Một hiện trạng hiện nay là doanh nghiệp nhà nước chưa chú trọng. Đó là nguyên tắc cơ bản công khai minh bạch thông tin, số lượng doanh nghiệp sau CPH niêm yết trên sàn chứng khoán còn thấp, có đến 78 doanh nghiệp chưa niêm yết. Theo TS Cung, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp chậm trong triển khai việc công khai minh bạch là do chưa có bất cứ áp lực nào buộc doanh nghiệp phải áp dụng nguyên tắc thị trường này.
TS Cung đề xuất, CPH thoái vốn DNNN nên tiếp tục củng cố xu hướng thiên về chất lượng thay vì số lượng CPH.
"Với tư cách chủ sở hữu, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thông qua Ủy ban quản lý vốn Nhà nước đề ra những nhiệm vụ và chỉ tiêu đủ cao để những nỗ lực tối đa mới có thể hoàn thành. Không thể chấp nhận tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sỡ hữu thấp hơn lãi suất cho vay mà phải cao ít nhất gấp 2 lần. Đồng thời, cần định hướng lại đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước. Có như vậy sau vài năm mới có thể có những tập đoàn kinh tế lớn" - TS Cung nhìn nhận