Doanh nghiệp Việt "ứng xử" thế nào khi thị trường Trung Quốc ngày càng "khó tính"?
Thị trường Trung Quốc bây giờ đã thay đổi, trở thành một thị trường khó tính, chứ không dễ dãi, để cho hàng tiểu ngạch của Việt Nam "có cửa" như trước đây.
PGS.TS Vũ Minh Khương (Đại học Lý Quang Diệu, Singapore), thành viên tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng đã khẳng định như vậy, và theo ông Khương, Việt Nam phải thâm nhập sâu hơn thị trường Trung Quốc và đánh giá đây là thị trường nhiều tiềm năng.
Có thể bạn quan tâm
Sữa Việt “định vị” thế nào tại thị trường Trung Quốc?
06:30, 29/11/2018
Khi thị trường Trung Quốc không còn "dễ tính"
15:51, 08/11/2018
2-3/11: Hội nghị xúc tiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc
10:36, 28/10/2018
Để nông nghiệp tránh phụ thuộc vào một thị trường Trung Quốc
18:29, 09/04/2018
Còn theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương), dù có hay không cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung thì Trung Quốc vẫn là một thị trường vô cùng quan trọng với Việt Nam bởi đó là thị trường rộng lớn nhất thế giới, lại ngay sát Việt Nam.
Trước đây, các tiêu chuẩn kỹ thuật của Trung Quốc chỉ ở mức độ nhất định và Bắc Kinh thường dùng các biện pháp thuế, hành chính để hạn chế hàng Việt Nam. Trong khi đó, từ cơ quan quản lý đến doanh nghiệp Việt Nam lại chưa coi đây là một thị trường quan trọng phải khai thác bài bản, đúng luật lệ. Doanh nghiệp cứ mang hàng lên biên giới bán tiểu ngạch, có gì bán nấy, bán đổ bán tháo, đến khi hàng nhiều, ùn tắc lại, không có người mua thì kêu gọi giải cứu.
"Về phía cơ quan quản lý nhà nước, dù giữa hai bên đã ký kết nhiều hiệp định, nhưng chưa đàm phán đến nơi đến chốn, chưa chịu nghiên cứu, khai thác để thực hiện một cách chuẩn mực. Đó là kiểu làm ăn chộp giật" - ông Nam nhìn nhận và cho biết: "Bây giờ Trung Quốc đã thay đổi, trở thành một thị trường khó tính. Họ mua hàng cũng có những tiêu chuẩn nhất định. bao bì, đóng gói xuất xứ đâu ra đấy".
Tuy nhiên, theo ông Nam, dù cho thị trường Trung Quốc đã thay đổi theo chiều hướng ngày càng khó tính hơn thì cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp Việt Nam vẫn giữ cách làm cũ, chậm thay đổi. Cơ quan quản lý nhà nước thấy doanh nghiệp xuất ào ào thì cũng lấy đó làm được rồi, chỉ đến khi hàng nhiều bị ách lại mới đàm phán mà đến lúc đàm phán xong thì hàng đã hỏng. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cứ theo mấy thương nhân Trung Quốc, thấy họ sang đặt hàng thì mang lên biên giới bán tiểu ngạch. Vấn đề là người Trung Quốc đã có chân rết ở đó, còn người Việt đưa hàng lên không dễ gì bán được.
“Doanh nghiệp Việt nhỏ lẻ, quen lối làm ăn chụp giật đã đành, đằng này cơ quan quản lý không quyết liệt đưa vào khuôn khổ các chính sách, hiệp định đã ký để làm ăn cho đàng hoàng. Chúng ta vẫn chưa nhận ra Trung Quốc là một thị trường lâu dài, ổn định và phải nắm chắc thị trường ấy", ông Nam thẳng thắn.
Và để tăng lượng hàng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, theo ông Nam, không có cách nào khác, doanh nghiệp phải chủ động làm việc với doanh nghiệp Trung Quốc để tìm hiểu yêu cầu của họ thế nào, quy cách đóng gói, bao bì ra sao, xuất xứ, chứng nhận chất lượng thế nào... Về phía Nhà nước, cần đàm phán với phía Trung Quốc để hai bên thống nhất chất lượng, lấy đó làm căn cứ, không phải bên này kiểm tra, bên kia cũng kiểm tra.