Tích cực khai thác thị trường mới, phát triển theo hướng nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sẽ là những biện pháp cơ bản để giảm việc phụ thuộc vào xuất khẩu qua các kênh không chính thức, tiểu ngạch, nhiều rủi ro như thị trường Trung Quốc.
Trung Quốc là thị trường nhiều năm liên tiếp đứng vị trí thứ nhất về nhập khẩu nông sản của Việt Nam, có những mặt hàng phụ thuộc tới 87% thị phần...
Nói như Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: “Trung Quốc đang là thị trường lớn nhất, có sức tiêu thụ mạnh nhất. Lợi thế của chúng ta là nước láng giềng, lại có những mặt hàng nông sản mà nước bạn cần. Dẫn chứng cho thấy riêng mặt hàng nông sản tăng trưởng cao nhất, đạt 61%”.
Cùng với đó, theo số liệu của Bộ NN&PTNT, hiện có 8 mặt hàng nông sản ghi danh vào câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD, tuy nhiên, đáng lo là ngoại trừ hạt tiêu, 7 mặt hàng xuất khẩu chủ lực còn lại đều phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Do đó, người dân, doanh nghiệp đều có chung nỗi lo lắng khi việc xuất khẩu bị phụ thuộc vào thị trường nhiều rủi ro này. “Sản lượng hàng năm của tôi gần 1.000 tấn, doanh thu đạt hơn 100 tỷ đồng/năm. Cái khó của tôi là sản phẩm của HTX đều là hàng chất lượng cao nhưng khi bán thì giá lại bằng các sản phẩm thông thường vì người tiêu dùng không phân biệt được cũng như do hàng Trung Quốc giả mạo rất nhiều”, ông Nguyễn Công Thừa, Chủ nhiệm HTX Anh Đào, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm cho biết.
Có thể bạn quan tâm |
Đồng thời, ông Thừa cũng băn khoăn làm sao để sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao được bán với đúng giá trị và làm sao để sản phẩm của mình không mãi phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc?.
Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, cần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa, yêu cầu sản xuất phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng cũng như an toàn thực phẩm.
Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, truyền thông về sản phẩm để người tiêu dùng nhận biết. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại và thực hiện truy xuất nguồn gốc. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương trong việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa và mở rộng thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Đặc biệt, tăng cường phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Chính phủ đã phân công cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành thực hiện các giải pháp cụ thể, phù hợp và tổ chức thực hiện kiên quyết, hiệu quả.
Có cùng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, việc một số sản phẩm của chúng ta bị ùn ứ là do chủ yếu tiêu thụ qua kênh không chính thống, đặc biệt là đường tiểu ngạch, đây là kênh mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều không kiểm soát được chất lượng sản phẩm, không ký kết hợp tác giao thương nên khi nước bạn xiết chặt chúng ta lập tức gặp khó khăn.
“Để không bị lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, cách duy nhất là chúng ta phải tích cực tìm kiếm, khai thác nhiều thị trường mới”, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định.
Đồng thời cho biết, để xuất khẩu nông sản bền vững, ổn định, hiệu quả và tránh phụ thuộc vào một thị trường nhất định, Chính phủ đã và đang nỗ lực, kiên trì để mở rộng thị trường cho hàng hóa của Việt Nam, trong đó có nông thủy sản và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
“Bà con nông dân cần chủ động nâng cao nhận thức, nắm bắt thông tin, liên kết với doanh nghiệp, sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn, quy định của thị trường nhập khẩu, đảm bảo uy tín chất lượng và sự bền vững cho hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.