Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn: Đi để trở về
Tháng 6/2018 ghi nhận một sự kiện đặc biệt của tỉnh Khánh Hoà khi Nhà ga Quốc tế (NGQT) Cam Ranh - công trình kiến trúc đồ sộ lấy cảm hứng từ tổ chim yến chính thức đi vào hoạt động.
Với kinh nghiệm hơn 40 năm bôn ba khắp năm châu bốn bể, hơn 30 năm hoạt động trong lĩnh vực hàng không và phi thuế quan, doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) kiêm Chủ tịch HĐQT Cty CP Nhà ga Quốc tế Cam Ranh (CRTC) khẳng định: Hàng không mới chính là điểm vận chuyển giao thương trọng yếu, là "bệ phóng" thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của một đất nước.
- Đó chính là lý do ông quyết định đầu tư xây dựng NGQT Cam Ranh?
Tôi cho rằng, việc phát triển nhiều cảng hàng không đẳng cấp quốc tế để gia tăng sức hút môi trường đầu tư, tạo bệ phóng cho tăng trưởng du lịch và đưa Việt Nam vươn ra thế giới là điều tất yếu. Đó cũng chính là lý do tôi dành rất nhiều tâm huyết cho dự án Nhà ga quốc tế Cam Ranh - như một sự đền đáp ơn nghĩa quê hương ấm áp của một người con xa xứ.
- Đâu là nhân tố chính góp phần làm nên thành công của dự án này, thưa ông?
Đầu tiên phải kể đến Nhà ga quốc tế Cam Ranh được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa, nhà nước nắm một phần vốn, còn lại huy động xã hội hoá từ các nhà đầu tư tư nhân. Đây là một chủ trương rất đúng đắn được Chính phủ khuyến khích, được Bộ GT&VT nhân rộng ra các địa phương và chính chủ trương này cũng đã góp một phần rất lớn cho sự thành công của dự án.
Lợi thế của mô hình đầu tư này là dự án không phải theo quy trình đấu thầu của nhà nước nên rút ngắn được rất nhiều thời gian; và như vậy chỉ sau thời gian ngắn, đất nước Việt Nam nói chung - tỉnh Khánh Hoà nói riêng đã có được một công trình lớn phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hoá.
Mô hình đầu tư này còn giúp giải quyết vấn đề về vốn, vì tiền do CRTC bỏ ra buộc chúng tôi phải tiết kiệm. Ngay từ đầu, HĐQT Công ty đã thống nhất cao là bằng mọi giá không để vượt mức dự toán kinh phí, theo sát từng con số với các tiêu chí An toàn – Liêm chính – Nhanh chóng – Chất lượng.
Nhà ga Quốc tế Cam Ranh được đánh giá là nhà ga thông minh và hiện đại nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại với lượng hành khách quốc tế lớn thứ 4 tại Việt Nam - lượng khách trung bình 14.500 lượt khách/ngày. Sau 6 tháng đi vào hoạt động, nhà ga đã đón tiếp 2.672.020 lượt khách quốc tế. Trung bình có 76 chuyến bay mỗi ngày (mùa cao điểm), có 21 hãng bay đang hoạt động, trong đó có 18 hãng quốc tế và 3 hãng nội địa.
Với tiêu chí "đặt chất lượng công trình lên hàng đầu", trong quá trình triển khai dự án Nhà ga quốc tế Cam Ranh, nhà thầu phải đảm bảo được yêu cầu của chúng tôi về chủng loại cũng như xuất xứ vật tư, chúng tôi chỉ chấp nhận vật tư có nguồn gốc từ các nước như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản hoặc các nước G7. Để tránh tình trạng nhà thầu đưa vật tư kém chất lượng, không đúng xuất xứ vào công trình, chúng tôi đã thuê Công ty Turner (Mỹ) Quản lý và giám sát chất lượng công trình, công ty BK quản lý chi phí và khối lượng.
- Ông tin rằng Nhà ga quốc tế Cam Ranh sẽ đóng vai trò động lực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và tăng trưởng du lịch của tỉnh Khánh Hòa?
Chắc chắn sau khi đi vào khai thác, Nhà ga quốc tế Cam Ranh sẽ đóng góp rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như thúc đẩy ngành du lịch địa phương phát triển. Vì hiện tại Sân bay Cam Ranh bao gồm cả nội địa lẫn quốc tế mới chỉ đáp ứng được khoảng 2,5 triệu lượt khách. Với việc NGQT Cam Ranh đi vào hoạt động sẽ đáp ứng được nhu cầu của 6 triệu lượt khách, nhà ga cũ T1 sẽ chuyển thành nhà ga quốc nội. Như vậy sẽ giải quyết được nhu cầu tăng trưởng của du khách trong nước đến Nha Trang.
Hiện Nhà ga quốc tế Cam Ranh có công suất giai đoạn 1A là 4 triệu lượt khách. Theo kế hoạch, chúng tôi đang tiến hành lắp đặt các thiết bị của giai đoạn 1B của dự án, để đáp ứng được 6 triệu lượt khách và giai đoạn 2 dự kiến thi công vào năm 2020 sẽ nâng công suất lên 8-10 triệu lượt khách. Tuy nhiên, nếu xét thấy nhu cầu tăng trưởng nhanh thì cuối năm 2019, chúng tôi sẽ triển khai sớm giai đoạn 2 của dự án và sẽ nâng công suất Nhà ga quốc tế Cam Ranh đáp ứng được nhu cầu 10 triệu lượt khách mỗi năm.
Đối với ngành du lịch, sân bay và hệ thống các khách sạn, resort luôn song hành, cộng sinh với nhau; phải có sân bay đáp ứng được nhu cầu của 6 triệu lượt khách thì các nhà đầu tư khách sạn, resort mới mạnh dạn đầu tư cho phù hợp với lượng khách đến Nha Trang.
Có thể thấy ngay sau khi Nhà ga quốc tế Cam Ranh được khởi công vào tháng 10/2016, hàng loạt các dự án resort tại bãi Dài (Cam Ranh) cũng đồng loạt khởi công xây dựng. Điều đó cho thấy đối với dự án Nhà ga quốc tế Cam Ranh, uy tín thương hiệu của nhà đầu tư là rất cao.
Theo đánh giá của lãnh đạo UBND tỉnh Khành Hòa, việc đầu tư xây mới Nhà ga quốc tế Cam Ranh là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách, giúp giải quyết được bài toán đáp ứng nhu cầu phát triển của Khánh Hòa trong giai đoạn hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Nhà ga Quốc tế Cam Ranh chính thức đưa vào khai thác
11:00, 30/06/2018
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói gì về sai phạm của Sasco giai đoạn 2012-2015?
17:01, 16/01/2018
12 điều làm nên thành công của Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn
23:26, 17/06/2017
Bộ Công thương muốn "bán đứt" Tràng Tiền Plaza: Cơ hội rộng mở cho "Vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn?
06:00, 20/06/2017
- Là một người con xa xứ, cống hiến cho quê hương, đất nước là khát vọng của ông, và dự án Nhà ga Quốc tế Cam Ranh hẳn chưa phải là dự án cuối cùng ông dành cho Khánh Hòa?
Tôi là một Việt Kiều và Nha Trang (Khánh Hòa) chính là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi. Tôi luôn tâm niệm không có hạnh phúc nào tròn đầy và viên mãn bằng việc được triển khai thực hiện các dự án đầu tư ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.
Cách đây hơn 33 năm tôi trở về với tâm nguyện cống hiến sức mình cho quê hương đất nước, dành thời gian và công sức để tham gia mở đường bay và tiếp tục kinh doanh. Nhưng đến thời điểm hiện nay, khi đã bước sang tuổi lục tuần, quỹ thời gian không còn nhiều, vì vậy tôi quyết định tập trung vào những thế mạnh của mình là lĩnh vực phi thuế quan, với mong muốn xin được đầu tư vào các khu kinh tế như: Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc và các khu miễn thuế khác.
Tại các khu kinh tế đặc biệt này luôn cần đến các nhà đầu tư có kinh nghiệm và thực lực đầu tư kinh doanh miễn thuế và với hơn 33 năm đã và đang kinh doanh miễn thuế tại các sân bay tại Việt Nam và các nước trong khu vực, đang là nhà phân phối độc quyền tại Việt Nam của hơn 96 thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, tôi tin tưởng rằng, nếu được lựa chọn, IPP Group chắc chắn sẽ góp phần vào sự thành công của các khu kinh tế này.
Sau Nhà ga quốc tế Cam Ranh, dự án trọng điểm tiếp theo mà tôi nhắm đến chính là Khu kinh tế Bắc Vân Phong với mục tiêu xây dựng nơi đây thành trung tâm thương mại, du lịch của ASEAN với tổ hợp công trình phức hợp, mang lại chuỗi giá trị kinh tế cao. Nếu được chấp thuận, cho phép đầu tư, tôi sẽ dành nhiều tâm huyết cũng như nguồn lực để thực hiện dự án này cho quê hương Khánh Hòa.
- Hội tụ đầy đủ các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hoà" song cho đến nay Khánh Hòa vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng lợi thế. Ông có thể "hiến kế" gì để giúp “xứ trầm hương, yến sào” ngày càng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư?
Thời gian qua có rất nhiều nhà đầu tư tìm đến với Khánh Hòa, song chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực bất động sản và du lịch.
Điều Khánh Hòa cần lúc này chính là một Khu kinh tế thu hút và phát triển đa dạng các lĩnh vực, các ngành nghề đầu tư; tạo bệ phóng cho tỉnh nhà trong thực hiện mục tiêu chung phát triển kinh tế đa sắc màu, toàn diện, bền vững và hiệu quả.
Riêng tại Bắc Vân Phong, lực lượng lao động đang là một “nút thắt” cần phải tháo gỡ dứt điểm. Hiện nay những cư dân ở Vạn Ninh, Ninh Hòa, Khánh Hòa không đáp ứng được nhu cầu về lao động cho sự phát triển của Bắc Vân Phong trong tương lai. Tuy nhiên, phát triển khu kinh tế không thể trong một sớm một chiều mà phải có kế hoạch dài hạn, chính vì vậy cần phải có sự đặt hàng trước.
Điều này đồng nghĩa với việc phải đầu tư phát triển hệ thống các trường cao đẳng và dạy nghề theo hướng đi tắt đón đầu. Sau 1-2 năm đào tạo, lực lượng lao động tay nghề cao này sẽ đáp ứng hiệu quả nhu cầu về nhân công cho các nhà máy hoặc các loại hình kinh doanh dịch vụ khác hoạt động trong khu kinh tế, giúp Bắc Vân Phong giải quyết "bài toán" nhân lực vốn đang nhức nhối hiện nay.
- Xin cảm ơn ông!