CEO Siemens Việt Nam: Nhiều động lực duy trì triển vọng tăng trưởng kinh tế
Quý I dần khép lại, nhiều chuyên gia nhận định kinh tế Việt Nam 2019 sẽ đối mặt nhiều thách thức và lo ngại chu kỳ khủng hoảng 10 năm lặp lại, tuy nhiên CEO Siemens Việt Nam lại có một góc nhìn khác.
Mới đây, tại tại Hội thảo khoa học quốc gia “Đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019” do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức, nhiều chuyên gia đã nhận định kinh tế Việt Nam 2019 đối mặt nhiều thách thức. Bên cạnh đó, cũng có nhiều lo ngại về chu kỳ khủng hoảng 10 năm (khủng hoảng tài chính vào các năm 1989, 1999, 2009) khiến nhiều người đặt ra câu hỏi cho triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2019. Xung quanh vấn đề này, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp có nội dung trao đối với ông Phạm Thái Lai, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Siemens Việt Nam.
- Kết thúc quý I, quan điểm của ông về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2019 ra sao?
Ông Phạm Thái Lai: Bên cạnh những thách thức, Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng kinh tế hết sức ấn tượng trong những năm gần đây, đó là nền tảng và tiền đề vững chắc củng cố niềm tin lạc quan về việc Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng này trong không chỉ trong năm 2019 mà còn trong cả những năm tới.
Theo tôi, Việt Nam đang có nhiều động lực tốt để phát triển nền kinh tế như việc thông qua Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng như khả năng sẽ sớm phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) cũng như khả năng kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Các hiệp định thương mại khi được phê chuẩn sẽ là đòn bẩy để thúc đẩy thương mại, thu hút đầu tư FDI, tạo thêm việc làm và giúp tăng GDP cho Việt Nam.
Bên cạnh đó việc vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới đang ngày một tăng cao cùng với những nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo môi trường kinh doanh mở và minh bạch sẽ tạo thêm sức hút cho các nhà đầu tư đến Việt Nam. Tôi tin rằng sẽ có nhiều dòng vốn đầu tư từ nước ngoài cho các dự án có giá trị cao ở trong nước. Điều này sẽ giúp Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn nhất cho các hoạt động thương mại và đầu tư ở khu vực Đông Nam Á.
- Vậy theo ông, những cơ hội và thách thức lớn nhất dành cho các doanh nghiệp tại Việt Nam trong năm nay là gì?
Ông Phạm Thái Lai: Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đem lại lợi thế thương mại lớn cho xuất khẩu của Việt Nam đồng thời giúp đa dạng hóa thị trường nhập khẩu. Không chỉ thu lợi từ những cam kết cắt giảm về thuế quan tương đối sâu và nhanh, xuất khẩu của Việt Nam còn có cơ hội tiếp cận, xâm nhập và mở rộng các thị trường mới. Việc Việt Nam đang từng bước chủ động hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới cũng giúp các doanh nghiệp trong nước tiếp cận các công nghệ mới, hiện đại đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác kinh doanh trên toàn cầu. Có thể lấy ví dụ như trường hợp tập đoàn FPT đã hợp tác với Siemens và là đối tác toàn cầu cho hệ điều hành dựa trên điện toán đám mây MindSphere của chúng tôi.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội thì áp lực cạnh tranh chắc chắn sẽ tăng cao và khốc liệt hơn trong khi thách thức lớn nhất của Việt Nam chính là năng lực và trình độ của các doanh nghiệp trong nước.
Nhìn chung các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều phải đối mặt với các khó khăn như công nghệ cũ hơn so với thế giới, năng suất lao động thấp, sức cạnh tranh kém, trình độ quản lý thấp và đặc biệt là thiếu vốn. Họ cũng thiếu kiến thức về luật kinh doanh quốc tế, về hội nhập kinh tế cũng như kinh nghiệm trên thương trường quốc tế.
Một số thách thức khác là nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt dẫn đến phải tìm các nguồn nguyên liệu thay thế cũng như các yêu cầu phải tuân thủ về bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính buộc các doanh nghiệp phải đầu tư vào công nghệ xanh và sạch với chi phí cao.
Có thể bạn quan tâm
Ứng dụng giao thức IPv6 của Việt Nam đã sẵn sàng cho 5G
00:27, 26/03/2019
Thận trọng với chu kỳ khủng hoảng 10 năm
15:50, 23/03/2019
GS.TS Trần Thọ Đạt: Nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế sẽ đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra
13:23, 25/03/2019
- Từ những cơ hội và thách thức đó, theo ông Việt Nam cần làm gì để phát triển bền vững và tăng khả năng cạnh tranh quốc gia, cũng như chuẩn bị tốt cho Công nghiệp 4.0?
Ông Phạm Thái Lai: Theo tôi, Việt Nam cần tập trung vào ba yếu tố cơ bản bao gồm: Thiết lập khung pháp lý ổn định để hỗ trợ doanh nghiệp; Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và Tăng cường cơ sở hạ tầng cơ bản. Đặc biệt, Việt Nam cần phải xây dựng một: “Lộ trình Cơ sở Hạ tầng Thông minh” để có thể giúp phát triển tương lai bền vững cho đất nước trong thời gian tới và nhiều thập kỷ sau nữa. Một lộ trình như vậy cần phải có một tầm nhìn tổng thể và toàn diện về các lĩnh vực phát triển trọng yếu của quốc gia bao gồm các dự án hạ tầng thuộc các ngành sản xuất điện, truyền tải và phân phối điện, sử dụng năng lượng và giao thông vận tải hiệu quả, đồng thời với việc phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao.
Cơ sở hạ tầng số hóa và thông minh bao gồm nhà máy số hóa, các nhà máy điện hiệu suất cao, lưới điện thông minh, tòa nhà thông minh hay hệ thống giao thông thông suốt là những đòn bẩy chính để tăng cường cơ sở hạ tầng cơ bản tại Việt Nam, đồng thời giúp phát huy hiệu suất và tăng năng suất lao động.
Có thể nói đến như danh mục Quản lý vòng đời sản phẩm (PLM) toàn diện của chúng tôi đã hỗ trợ công ty Vinfast hoàn thành mục tiêu và tham vọng sản xuất những chiếc xe ô tô đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam trong một thời gian ngắn kỷ lục. Công nghệ tua bin khí và hơi hàng đầu thế giới của Siemens đã góp phần tạo ra các nhà máy điện chu trình kết hợp có hiệu suất cao nhất và thân thiện với môi trường nhất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các giải pháp về lưới điện thông mình của chúng tôi có thể giúp tự động hóa và ổn định lưới điện của Việt Nam, đồng thời giúp giải quyết vấn đề ổn định lưới gây ra bởi nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời và gió. Giải pháp Bản sao số áp dụng trong công nghệ tòa nhà tạo ra các khả năng mới để tối ưu việc sử dụng năng lượng và vận hành tòa nhà. Cuối cùng Đường sắt số đem lại các cơ hội mới cho các đô thị và các công ty vận hành trong việc điều hành những hệ thống đường sắt tích hợp và có khả năng tự quản lý, đồng thời mang đến cho hành khách những cấp độ kết nối mới bên cạnh sự tiện nghi và thoải mái khi di chuyển.
- Từ những triển vọng cũng như thách thức đó, định hướng và cam kết hoạt động của Siemens tại Việt Nam trong năm 2019 là gì thưa ông?
Với trên 170 năm kinh nghiệm và quy mô doanh thu đạt hơn 5 tỷ Euro hàng năm từ các dịch vụ phần mềm và kỹ thuật số cộng với hơn 24,500 kỹ sư phần mềm chúng tôi luôn mong muốn được tiếp tục tham gia xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thông minh cho Việt Nam.
Chúng tôi cam kết hỗ trợ Việt Nam mạnh mẽ trên con đường trở thành quốc gia công nghiệp và nắm bắt các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0. Chúng tôi sẽ tiếp tục tích cực hỗ trợ khách hàng Việt Nam trên con đường trở thành doanh nghiệp số.
Xuất phát từ những cam kết đó, nhằm hỗ trợ giáo dục đào tạo và tăng cường năng lực cho lực lượng lao động cho thời đại công nghiệp 4.0, trong nhiều năm qua Siemens đã hợp tác với các tổ chức giáo dục và đào tạo về xây dựng chương trình đào tạo Công nghiệp 4.0 đi đôi với tài trợ các thiết bị tự động hóa và phần mềm. Siemens đã tài trợ giấy phép sử dụng các phần mềm công nghiệp 4.0 và thiết bị tự động hóa với giá trị trên 70 triệu đô la Mỹ cho các trường đại học trên khắp cả nước như trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa Hồ Chí Minh và trường đại học Việt-Đức. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng giúp các công ty địa phương tiếp cận các công nghệ IoT mới nhất của chúng tôi.
Cuối cùng, tôi tin tưởng rằng năm 2019 Việt Nam sẽ vượt qua những thách thức và tiếp tục đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực. Cùng với đó, chúng tôi sẽ nỗ lực để hiện thực hóa nhận định của Thủ tướng chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc với lãnh đạo tập đoàn Siemens về việc cần tăng cường quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Siemens trong thời gian tới.
- Xin cảm ơn ông!