VHC và “nghịch lý” doanh thu giảm, lợi nhuận tăng

Nguyễn Việt 25/04/2019 09:31

VHC vừa công bố BCTC hợp nhất quý I/2019, với doanh thu đạt 1.789 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 1%, tương ứng 15 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận lại tăng tới hơn 200% lên mức 307 tỷ đồng.

Lợi nhuận tăng mạnh nhưng "nghịch lý" là doanh thu thuần của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) lại giảm trong quý vừa qua. Mức giảm dù không lớn, chỉ 0,83%, cũng đủ để mường tượng được phần nào khó khăn của "nữ hoàng cá tra" trong việc duy trì và gia tăng sản lượng bán ở các thị trường nước ngoài - nơi Vĩnh Hoàn, hay bất cứ doanh nghiệp Việt nào khác, phải "chơi" theo "luật" của nước sở tại.

Có thể bạn quan tâm

  • Vĩnh Hoàn hy vọng vươn xa nhờ cá tra

    Vĩnh Hoàn hy vọng vươn xa nhờ cá tra

    22:01, 04/03/2019

  • Vĩnh Hoàn dự báo thiếu hụt nguồn cung cá tra

    Vĩnh Hoàn dự báo thiếu hụt nguồn cung cá tra

    02:27, 26/02/2019

  • Vì sao Vĩnh Hoàn tăng trưởng thần tốc?

    Vì sao Vĩnh Hoàn tăng trưởng thần tốc?

    07:00, 30/01/2019

Diễn biến thuận lợi của giá xuất khẩu tiếp tục là điểm tựa lợi nhuận của Vĩnh Hoàn. Biên lợi nhuận gộp quý I/2019 của doanh nghiệp này lên đến 23,5%, tăng tới 9,5 điểm% so với cùng kỳ năm ngoái và nhỉnh hơn khoảng 1,5 điểm% so với con số cả năm ngoái. Tuy nhiên, nếu so với mức đỉnh biên lợi nhuận gộp của quý II/2018 thì con số quý I/2019 vẫn kém 6,4 điểm%. Nhìn rộng ra, biên lợi nhuận gộp các quý gần đây của Vĩnh Hoàn dù cao nhưng khá bất định.

Biên lợi nhuận gộp các quý gần đây của Vĩnh Hoàn dù cao nhưng khá bất định.

Biên lợi nhuận gộp các quý gần đây của Vĩnh Hoàn dù cao nhưng khá bất định.

Theo phân tích của các chuyên gia trong ngành, nguyên nhân khiến biên lợi nhuận gộp của Vĩnh Hoàn tăng cao đến từ diễn biến thuận lợi của giá xuất khẩu. Diễn biến này xuất phát từ điều kiện thời tiết không thuận lợi dẫn đến tỷ lệ tử vong cá giống cao, khiến thị trường cá tra cung không đủ cầu. Thêm vào đó, nguồn cung cá thịt trắng đánh bắt tự nhiên - loại cá thay thế cá tra - bất ngờ giảm.

Rõ ràng đây là tác động tạm thời. Thời gian dài hay ngắn, mức độ tác động nhiều hay ít trong từng thời điểm không phụ thuộc vào Vĩnh Hoàn. Điều này giải thích cho sự bất định trong biên lợi nhuận của doanh nghiệp này. Đây có lẽ cũng là lý do vì sao Vĩnh Hoàn đặt kế hoạch lợi nhuận rất thận trọng trong năm 2019. Cụ thể, mặc dù kỳ vọng doanh thu năm nay tăng 8,4% lên trên 10.000 tỷ đồng nhưng kế hoạch lợi nhuận sau thuế của Vĩnh Hoàn chỉ 1.255 tỷ đồng, giảm 13% so với năm ngoái.

Phân tích về nguyên nhân khiến doanh thu của VHC suy giảm, các chuyên gia còn cho rằng, vì công ty đã không còn hợp nhất kết quả kinh doanh của công ty Vạn Đức Tiền Giang từ quý I/2018. Cụ thể, vào đầu tháng 2/2018, VHC đã giảm tỷ lệ sở hữu tại công ty Vạn Đức Tiền Giang xuống còn 35%, chuyển hình thức từ công con sang công ty liên kết. Điều này khiến cho doanh thu của công ty con Vạn Đức Tiền Giang không được ghi nhận vào doanh thu hợp nhất của công ty mẹ. Theo báo cáo thường niên năm 2017, Vạn Đức Tiền Giang (VĐTG) đóng góp 25,5% doanh thu cho VHC trong năm. Năm 2017, VĐTG có doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng và lãi 178 tỷ đồng.

Khi VHC quyết định bán đi VĐTG, nhiều cổ đông cho rằng, Vĩnh Hoàn đã “bán rẻ” đi một tài sản có thể sinh lời và đang sở hữu nhiều lợi thế. Tuy nhiên, HĐQT Vĩnh Hoàn khi ấy phủ nhận ý kiến đó. “Đây là chiến lược của công ty nhằm củng cố nguồn tài chính để phát triển vùng nuôi cũng như giảm gánh nặng lãi vay. Chúng tôi cũng chỉ muốn tập trung vùng nguyên liệu và sản xuất về khu vực Đồng Tháp như nhà máy Thanh Bình để lấy lợi thế về vị trí", bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc Vĩnh Hoàn lý giải khi ấy.

Ngoài ra, một khoản mục chi phí giảm mạnh là chi phí quản lý giảm tới 54 tỷ đồng so với cùng kỳ, xuống chỉ còn 45 tỷ đồng. Đây có thể là điều mà ban lãnh đạo VHC đã nói tới, là củng cố nguồn tài chính, vì không còn phải chịu chi phí quản lý của nhà máy Vạn Đức Tiền Giang sau khi trở thành công ty liên kết.

Nguyễn Việt