Làm sao để dệt may "thoát hiểm" trong CPTPP?
Phụ thuộc nguyên liệu vải, sợi đang đặt ngành dệt may vào nguy cơ mất đi lợi thế, thậm chí "thua" ngay trên "sân nhà" khi các cam kết giảm thuế trong CPTPP được thực hiện.
Ông Đỗ Xuân Hưng, Giám đốc tài chính Công ty TNHH May Tinh Lợi, hiện, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam khó đáp ứng được điều kiện về xuất xứ hàng hóa vì thiếu nguồn cung nguyên liệu, do đó khó được hưởng ưu đãi trong CPTPP.
Thua thiệt trong CPTPP vì thiếu… nguyên liệu
"Nguyên nhân bởi điều kiện để được hưởng ưu đãi từ CPTPP là phải đáp ứng yêu cầu từ sợi, trong khi doanh nghiệp dệt may Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp gia công, may đơn hàng theo mẫu mã và chất liệu đặt hàng của nước ngoài", ông Hưng cho biết.
Đến nay, Việt Nam chỉ có khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ một số mặt hàng như quần áo dệt kim, quần âu, sơ mi. Với những sản phẩm có giá cao như áo khoác mùa đông, đồ thể thao, tỷ lệ đạt xuất xứ thấp.
Có cùng quan điểm, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho rằng, đối với mặt hàng dệt may, nếu như trong các FTA Việt Nam đã tham gia chỉ áp dụng nguyên tắc từ 1 - 2 công đoạn, thì hiệp định CPTPP áp dụng nguyên tắc 3 công đoạn gồm tạo xơ, xe sợi; dệt và hoàn thiện vải; cắt may. Các công đoạn này đều phải thực hiện ở các nước thành viên nằm trong hiệp định CPTPP.
Trong khi đó, trên thực tế, Việt Nam hiện vẫn đang nhập khẩu lớn nguồn cung thiếu hụt từ 1 số nước không nằm trong CPTPP. Thống kê của Vitas, trung bình mỗi năm, cả ngành dệt may sử dụng khoảng 820.000 tấn nguyên phụ liệu, trong đó khoảng 70% nhập từ Trung Quốc. Nếu tiếp tục nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc thì doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn sẽ khó có cơ hội được hưởng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP hay EVFTA.
"Khi các điều khoản CPTPP có hiệu lực ưu đãi thuế trong CPTPP giảm nhưng chúng ta lại nhập nguyên liệu từ các nước ngoài CPTPP nên có thể nói lợi thế sẽ mất", ông Giang nói.
Thậm chí, đại diện doanh nghiệp còn chỉ ra nguy cơ bị thua ngay trên “sân nhà” của các doanh nghiệp dệt may nội địa. ông Nguyễn Văn Tuấn, Công ty Sản xuất Hàng Thể thao MXP, với doanh nghiệp nhiệm vụ sống còn là phải tăng giá trị, phải có vải, chứ không thể mãi dừng lại ở bước gia công.
“Nếu không có CPTPP thì các doanh nghiệp nước ngoài sẽ không thể vào Việt Nam vì quy mô dệt may của Trung Quốc quá lớn. Nhưng hiệp định này, vừa là thách thức, vừa là cơ hội. Vì vậy, nhà đầu tư trong nước cần làm chủ tình hình. Bởi hiện nay, ngành dệt may tại Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm 70%”, ông Tuấn nói.
Đồng tình với quan điểm của các doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, nếu không cải thiện chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh, nhất là công nghiệp phụ trợ, Việt Nam sẽ “bị thua thiệt trong CPTPP”. Bởi đây là hiệp định gồm 3 công đoạn liên quan dệt sợi, nếu doanh nghiệp Việt không đáp ứng được ngay từ khâu sợi thì sẽ không tận dụng được ưu đãi.
Thống kê năm 2018 cũng cho thấy, xuất khẩu dệt may đạt 36,3 tỷ USD, mục tiêu năm nay là 40 tỷ đôla. Xương sống của ngành là các Hiệp định thương mại, việc Việt Nam trở thành thành viên WTO, là điều kiện cho ngành dệt may phát triển. Tuy nhiên, xương sống không nuôi được cả cơ thể vì cần có nền tảng.
Hoàn thiện công nghiệp phụ trợ ngành dệt may
Do đó, Chủ tịch VITAS cho rằng cần có chiến lược mới cho phát triển của ngành bởi quy hoạch ngành đã lỗi thời. Đồng thời, có chính sách thuế VAT phù hợp hơn với các dự án đầu tư của ngành dệt may để thu hút các doanh nghiệp đầu tư và các dự án này, bù đắp nguồn cung thiếu hụt. Yêu cầu này càng trở nên đặc biệt trong CPTPP.
"Cùng với đó, cần phát triển các khu công nghiệp để kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực dệt may đặt biệt là dệt nhuộm. Các dự án về dệt nhuộm hoàn tất cũng cần được nhìn nhận đúng, bởi hiện ngành đã có công nghệ sản xuất phát triển, không thể ôm mãi nỗi lo môi trường. Chính phủ cần có định hướng xuyên suốt”, ông Giang nhấn mạnh.
Chủ tịch VITAS cũng cho biết, ngành dệt may đang thiếu trầm trọng lực lượng kỹ sư ngành hoá nhuộm. “Đây là vấn đề sống còn, nếu không có đội ngũ kỹ sư ngành hoá nhuộm thì ngành dệt may nói chung không có điều kiện phát triển”, ông Giang nói.
Có thể bạn quan tâm
Ban hành thông tư tránh cơ chế xin - cho trong xuất khẩu hàng dệt may sang Mexico
18:03, 24/04/2019
Mong muốn Chính phủ thúc đẩy sản xuất nguyên phụ liệu dệt may
08:00, 14/04/2019
Dệt may, điện thoại "kéo" kim ngạch xuất nhập khẩu cán mốc 100 tỷ USD
16:02, 26/03/2019
Dệt may, da giày hút vốn ngoại
01:02, 26/03/2019
Cổ phiếu dệt may sẽ tiếp tục "nổi sóng" nhờ CPTPP?
15:45, 16/01/2019
Hoá giải những lo lắng của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, yêu cầu đầu tiên đặt ra là phải hoàn thiện hệ thống trong ngành dệt may, nhất là các ngành phụ trợ. "Đã đến lúc, Việt Nam cần gia tăng giá trị nội địa hóa, chỉ chủ động trong công nghiệp phụ trợ là yếu tố then chốt", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Bên cạnh đó, các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, cần định hình giải pháp chiến lược giai đoạn 2035-2040, đồng thời có chính sách thuế VAT với các dự án đầu tư hợp lý hơn để khuyến khích đầu tư của các doanh nghiệp vào phần cung thiếu hụt.
Chủ tịch VITAS kiến nghị, Quốc hội nên xem xét lại Luật hiệp hội. “Quy định của Luật hiện không khuyến khích doanh nghiệp FDI là hội viên, vậy ai sẽ kiểm soát các doanh nghiệp này khi mà không là hội viên của Hiệp hội Dệt may Việt Nam”, ông Giang nói.
Đặc biệt, Chủ tịch VITAS đặc biệt nhấn mạnh việc đào tạo kỹ sư ngành hoá nhuộm của dệt may Việt Nam. “Chính phủ cần giữ vài trò xây dựng trong chiến lược phát triển nguồn lực, cần đào tạo đội ngũ kỹ sư ngành hoá nhuộm vì chúng ta đang rất thiếu. Năm 2035 xuất khẩu dệt may dự kiến đạt hàng trăm tỷ USD, thặng dư khoảng 50 tỷ USD do đó cần đầu tư đúng mực”, ông Giang nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết thêm, Chính phủ đã có chủ trương chiến lược để phát triển ngành công nghiệp này. Dự kiến, chiến lược này sẽ trình Chính phủ trong quý III/2019 và mở rộng ra toàn quốc.