HSG đang lấy lại thăng bằng?

Nguyễn Việt 12/05/2019 10:21

Tập đoàn Hoa Sen đã trải qua một giai đoạn biến động mạnh do tác động của giảm giá nguyên vật liệu và hoạt động đầu cơ nhiều rủi ro.

Theo chứng khoán Rồng Việt, HSG sẽ hồi phục mạnh mẽ trong các quý còn lại của năm để hoàn thành và vượt kế hoạch LNST 500 tỷ nhờ duy trì tốc độ bán hàng và lực hỗ trợ từ giá thép cán nóng.

Theo chứng khoán Rồng Việt, HSG sẽ hồi phục mạnh mẽ trong các quý còn lại của năm để hoàn thành và vượt kế hoạch LNST 500 tỷ nhờ duy trì tốc độ bán hàng và lực hỗ trợ từ giá thép cán nóng.

Diễn biến khó đoán của nguyên liệu đầu vào đã khiến biên lợi nhuận trong quý của Hoa Sen chỉ đạt 11,3% so với mức 13,5% cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, công ty đã giảm được đáng kể các loại chi phí trong kỳ. Chi phí tài chính của HSG giảm 49 tỷ đồng (từ 253 tỷ đồng xuống 204 tỷ đồng), trong đó chi phí lãi vay giảm 24 tỷ đồng (từ 216 tỷ đồng xuống 192 tỷ đồng).

Lợi thế hồi phục lợi nhuận trong trung hạn

Để giảm được chi phí như vậy, Hoa Sen đã giảm hàng tồn kho gần 2.100 tỷ đồng (từ đầu kỳ 01/10/2018 hơn 6.647 tỷ đồng đến 31/3/2019 chỉ còn 4.561 tỷ đồng); giảm nợ vay ngắn hạn hơn 3.200 tỷ đồng (từ đầu kỳ 01/10/2018 hơn 10.789 tỷ đồng đến 31/3/2019 chỉ còn 7.562 tỷ đồng); giảm nợ vay dài hạn hơn 200 tỷ đồng (từ đầu kỳ 01/10/2018 hơn 3.461 tỷ đồng đến 31/3/2019 chỉ còn 3.258 tỷ đồng). 

Có thể bạn quan tâm

  • Thanh lý đất có đưa Tôn Hoa Sen qua “cơn bạo bệnh”?

    Thanh lý đất có đưa Tôn Hoa Sen qua “cơn bạo bệnh”?

    05:00, 04/03/2019

  • Tái cấu trúc có giúp Tôn Hoa Sen lấy lại

    Tái cấu trúc có giúp Tôn Hoa Sen lấy lại "phong độ"?

    21:02, 14/02/2019

  • Áp lực đè nặng Tôn Hoa Sen

    Áp lực đè nặng Tôn Hoa Sen

    13:46, 11/08/2018

Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 125 tỷ đồng (từ 249 tỷ đồng xuống 124 tỷ đồng, giảm hơn 50%) nhờ thực hiện chương trình tái cấu trúc một cách đồng bộ, tinh gọn bộ máy nhân sự, tiết giảm các loại chi phí và đưa vào vận hành thành công hệ thống ERP để quản trị doanh nghiệp một cách hiệu quả và chuyên nghiệp. Đáng chú ý, khoản phải thu ngắn hạn của Hoa Sen đã giảm đáng kể từ 2.118 tỷ đầu năm xuống còn 1.761 tỷ, cùng với việc giảm hơn 3.200 tỷ nợ vay ngắn hạn cho thấy tình hình tài chính của Hoa Sen đã lành mạnh hơn đáng kể. Tại thời điểm 31/3, lợi nhuận chưa phân phối của công ty đạt hơn 1.158 tỷ, tiền và tương đương tiền đạt hơn 370 tỷ đồng.

Theo Hoa Sen, từ đầu tháng 3/2019, hoạt động kinh doanh đã ổn định cùng với các hoạt động tiết giảm chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp được triển khai đồng bộ trong thời gian qua nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh và lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong các tháng tới sẽ có sự cải thiện đáng kể.

Theo bản phân tích và nhận định mới nhất của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt, Tập đoàn Hoa Sen đã trải qua một giai đoạn biến động mạnh do tác động của giảm giá nguyên vật liệu và hoạt động đầu cơ nhiều rủi ro. KQKD dưới kỳ vọng gây sức ép lên tâm lý nhà đầu tư và ảnh hưởng lên giá cổ phiếu. Tuy nhiên, công ty chứng khoán này vẫn giữ nguyên quan điểm Hoa Sen là thương hiệu tôn mạ và ống thép lớn có độ phủ toàn quốc với thị phần vượt trội, và HSG vẫn duy trì lợi thế tuyệt đối về hoạt động bán lẻ so với hầu hết các đối thủ cùng ngành.

Bằng kế hoạch tiết giảm hoạt động đầu cơ và hạn chế giao dịch với bên liên quan để giảm rủi ro quản trị doanh nghiệp, HSG đang đi đúng hướng để khôi phục lại mức lợi nhuận mà thị trường kỳ vọng ở một doanh nghiệp đầu ngành. “Với tình hình cạnh tranh ngày càng gay gắt ở cả thị trường nội địa và quốc tế HSG đang là doanh nghiệp nắm lợi thế rõ ràng nhất để hồi phục lợi nhuận trong trung hạn", bản phân tích nhận định.

Lấy đầu tư làm đòn bẩy chiến lược

Lấy lại thăng bằng trên cuộc chiến thương mại, HSG liên tục rót hàng nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng và vận hành các nhà máy, thúc đẩy xuất khẩu mạnh nhằm tạo nên những đòn bẩy cho chiến lược bứt phá trước bối cảnh cạnh tranh từ cuộc chiến thương mại thế giới.

Đầu tư vào xây dựng nhà máy, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm thúc đẩy kinh doanh được các chuyên gia kinh tế nhận định là một trong những chiến lược khôn khéo của Tập đoàn Hoa Sen. Ngày 19/4 vừa qua, Tập đoàn Hoa Sen đã chính thức khánh thành và đưa vào vận hành nhà máy Hoa Sen Nhơn Hội Bình Đình giai đoạn II với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng, Nhà máy do Tập đoàn Hoa Sen nắm giữ 100% vốn sở hữu, xây dựng trên diện tích hơn 21 ha.

Lãnh đạo Tập đoàn Hoa Sen cho biết, đối với dự án giai đoạn II, nhà máy đầu tư trang thiết bị hiện đại, dây chuyền sản xuất của SMS - Đức và Tenova - Áo, với 1 dây chuyền Tẩy rỉ; 1 dây chuyền Tái sinh Axit; 1 dây chuyền cán nguội 2 giá; 1 dây chuyền mạ kẽm/ hợp kim nhôm kẽm; 1 dây chuyền Mạ màu.

Nhà máy giai đoạn II được đưa vào vận hành cũng sẽ hoàn thiện chuỗi sản xuất khi giai đoạn I nhà máy Hoa Sen Nhơn Hội đã được hoàn thành hồi tháng 10-2017. Với các hạng mục như 01 dây chuyền mạ kẽm/hợp kim nhôm kẽm; 01 dây chuyền mạ màu; 01 dây chuyền xả băng, tổng công suất giai đoạn I đạt 180.000 tấn/năm.

Như vậy sau khi khánh thành và đưa vào hoạt động giai đoạn II, tổng công suất nhà máy đạt 430.000 tấn/năm, cung ứng các dòng sản phẩm tôn thép chất lượng được sản xuất trên dây chuyền, trang thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu. Với quy trình sản xuất khép kín, kiểm tra nghiêm ngặt từ nguyên liệu đầu vào cho đến thành phẩm đầu ra, sản phẩm nhà máy Hoa Sen Nhơn Hội Bình Định sản xuất đều đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng các nhu cầu khắt khe nhất của thị trường trong và ngoài nước. Cũng trong dịp này, Tập đoàn đã xuất khẩu lô hàng 5.000 tấn tôn thành phẩm, có trị giá hơn 4 triệu USD sang Malaysia.

Trước đó một tháng, Tập đoàn Hoa Sen cũng đã khánh thành Nhà máy ống kẽm nhúng nóng Hoa Sen và Công bố triển khai thành công hệ thống ERP. Đây cũng là nhà máy do Công ty TNHH MTV Hoa Sen Phú Mỹ do Tập đoàn Hoa Sen sở hữu 100% vốn. Ứng dụng công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới của đơn vị Gimeco - Italy, nhà máy có công suất thiết kế đạt 85.000 tấn/năm.

Nguyễn Việt