HĐQT Hoa Sen vừa thông qua nghị quyết về chủ trương thanh lý một số khu đất cũng như kế hoạch phát hành cổ phiếu để tăng vốn thêm 500-1.000 tỉ đồng.
Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Hoa Sen vừa ban hành Nghị quyết về việc triển khai giải pháp tái cấu trúc, cơ cấu lại tài sản nhằm ổn định tình hình sản xuất kinh doanh. Cụ thể, HĐQT thông qua chủ trương cơ cấu lại một số tài sản bao gồm việc sắp xếp, tinh gọn, thanh lý một số khu đất, mặt bằng, nhà xưởng, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải của Tập đoàn để thu hồi vốn. Ngoài ra, Hoa Sen cũng dự định thu hồi các chi phí đầu tư đối với một số Dự án chấm dứt triển khai.
Có thể bạn quan tâm
21:02, 14/02/2019
13:46, 11/08/2018
Trước đó, đầu tháng 11/2018, Hoa Sen đã bán hai thửa đất có tổng diện tích hơn 7.000 m2 tại đường Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long B, quận 9, TP HCM để thu hồi vốn đầu tư với tổng số tiền gần 140 tỉ đồng. Động thái này diễn ra trong bối cảnh việc kinh doanh tại công ty đang sụt giảm mạnh. Trong năm 2018, khi doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng mạnh 24% thì biên lợi nhuận gộp lại giảm 10,5% so với cùng kỳ. Thậm chí, quý cuối niên độ 2017 - 2018, HSG ghi nhận lỗ đến gần 102 tỷ đồng khiến lợi nhuận sau thuế lũy kế đến ngày 30/9/2018 chỉ đạt 410 tỷ đồng, giảm hơn 3 lần so với niên độ trước đó (tương đương giảm mạnh 69%).
Đáng chú ý, tổng các khoản nợ vay ngắn hạn tăng từ 9.015 tỷ đồng lên 10.879 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu kỳ. Các khoản nợ vay dài hạn cũng tăng 22% từ 2.835 tỷ đồng lên 3.461 tỷ đồng. Như vậy tổng các khoản vay và nợ tại thời điểm 30/9/2018 đã tăng 2.491 tỷ đồng (tăng 21%) lên 14.341 tỷ đồng so với đầu kỳ ngày 1/10/2017 là 11.850 tỷ đồng. Như vậy “phi vụ” bán đất này là nhằm giải quyết phần nào khó khăn trước áp lực dư nợ ngày càng dâng cao của HSG?
HĐQT cũng vừa thông qua chủ trương tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và đối tác chiến lược, nhà đầu tư khác với giá trị dự kiến phát hành là 500-1.000 tỉ đồng. Mục đích phát hành bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Hoa Sen chưa công bố kế hoạch phát hành chi tiết hơn.
Bài toán khó của HSG chính là dư nợ tăng "khủng”, đi cùng hàng tồn kho ứ đọng (hơn 6.600 tỷ đồng) khiến biên lãi giảm mạnh nhiều quý trở lại đây. Biên lãi Tập đoàn Hoa Sen cũng điều chỉnh mạnh, cụ thể tỷ suất lợi nhuận gộp của HSG giảm về mức thấp nhất trong lịch sử là 8,5% trong quý IV/2018, còn trong quý III/2018 là 10%. Hơn nữa, tình trạng nợ vay ở mức cao dẫn đến tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu tăng đáng kể dường như đang khiến HSG của đại gia Lê Phước Vũ "càng vùng vẫy càng lún sâu" trong vòng xoáy nợ nần.