“Nỗi ám ảnh” của Thép Nam Kim

Nguyễn Việt 13/05/2019 05:00

Kinh doanh dưới giá vốn do biến động lớn của giá nguyên vật liệu khiến Thép Nam Kim báo lỗ 102 tỷ đồng trong quý 1/2019.

Giá vốn tăng cao là “nỗi ám ảnh” của doanh nghiệp ngành thép trong quý 3 này, NKG.

Việc báo lỗ 102 tỷ đồng trong quý 1/2019, NKG đã làm phiền lòng các cổ đông của mình.

Đây cũng là quý thứ 2 liên tiếp Thép Nam Kim (mã: NKG) báo lỗ, trước đó vào quý 4/2018 NKG đã bất ngờ báo lỗ tới 173 tỷ đồng. Cụ thể, trong kỳ doanh thu thuần đạt 2.943 tỷ đồng giảm 18% so với cùng kỳ trong đó chủ yếu là do giảm sút doanh thu xuất khẩu, trong kỳ Thép Nam Kim chỉ thu về 1.273 tỷ đồng doanh thu xuất khẩu giảm 35% so với cùng kỳ, doanh thu sụt giảm trong khi giá vốn hàng bán lên tới 2.945 tỷ đồng khiến Thép Nam Kim chịu lỗ gộp 1,2 tỷ đồng thay vì lãi gộp tới 295,6 tỷ đồng trong quý 1/2018.

Thua lỗ do giá vật liệu biến động

Trong kỳ doanh thu từ hoạt động tài chính giảm hơn một nửa trong khi chi phí tài chính chỉ giảm được 38% nên sau khi trừ các khoản chi phí NKG chịu lỗ ròng lên tới gần 102 tỷ đồng trong khi cùng kỳ LNST đạt 121 tỷ đồng. Theo giải trình từ phía công ty nguyên nhân thua lỗ là do giá nguyên vật liệu biến động lớn ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả kinh doanh của công ty. Tính đến 31/03/2019, tổng tài sản của Nam Kim đã giảm 1.053 tỷ đồng chủ yếu do cắt giảm hàng tồn kho, hiện tồn kho của Nam Kim tiếp tục giảm 33% so với đầu kỳ xuống còn 1.622 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm

  • Ngành thép “hứng chịu” 47 cuộc điều tra chống bán phá giá

    Ngành thép “hứng chịu” 47 cuộc điều tra chống bán phá giá

    05:50, 06/04/2019

  • Cổ phiếu ngành thép sẽ ra sao năm 2019?

    Cổ phiếu ngành thép sẽ ra sao năm 2019?

    14:37, 21/01/2019

  • Ngành thép làm gì để tránh “cơn mưa” vụ kiện?

    Ngành thép làm gì để tránh “cơn mưa” vụ kiện?

    05:56, 10/01/2019

  • Vì sao hàng loạt giá cổ phiếu ngành thép phá đáy?

    Vì sao hàng loạt giá cổ phiếu ngành thép phá đáy?

    11:15, 03/12/2018

Đáng chú ý, nợ phải trả của Nam Kim chiếm tới gần 60% tổng tài sản, ở mức 4.199 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay tài chính dù giảm mạnh tới 1.160 tỷ đồng nhưng vẫn ở mức cao bao gồm 2.040 tỷ đồng ngắn hạn và 1.225 tỷ đồng dài hạn. Với việc lỗ tiếp trong quý 1/2019 khiến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tích lũy được của Nam Kim cũng giảm xuống chỉ còn 211 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp vẫn còn 766 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần.

Thép Nam Kim đã có công văn gia hạn tổ chức ĐHĐCĐ 2019 và hiện chưa công bố kế hoạch kinh doanh 2019 nhưng công ty cho biết đang quyết liệt cấu trúc lại hệ thống sản xuất, đầu tư. HĐQT Công ty đã quyết định chủ trương chuyển nhượng giá trị quyền sử dụng đất dự án Nam Kim – Korea tại Khu Công nghiệp Visip 2 Bình Dương, giá trị thăng dư từ chuyển nhượng là 23 tỷ đồng.

Chuyển nhượng Nhà máy Nam Kim 1 tại Thuận An - Bình Dương, dự kiến hoàn thành chuyển nhượng cuối Quý 2.2019, giá trị thăng dư từ chuyển nhượng là 180 tỷ đồng. Chuyển nhượng giá trị quyền sử dụng đất dự án tại Khu Công nghiệp Mỹ Xuân B, Bà Rịa – Vũng Tàu, dự kiến hoàn thành trong quý 4/2019 với giá trị thăng dư từ chuyển nhượng là 250 tỷ đồng.

Hàng tồn kho “ăn mòn” lợi nhuận

Theo giới phân tích, những khó khăn của ngành tôn mạ năm 2018 phần nào đã được phản ánh vào kết quả kinh doanh của Nam Kim khi giá nguyên vật liệu là HRC liên tiếp leo thang, chính sách hàng tồn kho phản ứng ngược.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Nam Kim ghi nhận 7.877 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 44% so với cùng kỳ; tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 230 tỷ đồng, giảm 34% so với nửa đầu năm 2017. Giá bán trung bình tăng 16-19% nhưng chưa thể bù đắp cho mức tăng 32% của nguyên liệu đầu vào (thép cán nóng HRC) kéo theo tỷ suất lợi nhuận gộp giảm 3,7% xuống 7,2% trong kỳ.

Đáng chú ý, hiệu ứng ngược từ chính sách hàng tồn kho cũng khiến lợi nhuận của Nam Kim bị “ăn mòn” với hàng tồn chiếm 70% tài sản ngắn hạn. Đây cũng là tình trạng chung của các doanh nghiệp thép nội địa khi giá thép thị trường đang có xu hướng đi xuống. Do đó, dù là đơn vị có mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng suốt nhiều năm qua nhưng việc hàng tồn kho tăng mạnh cũng là một điểm trừ. Tuy nhiên, đó là những yếu tố ngoại cảnh tác động lên chính sách kinh doanh của doanh nghiệp, điều mà cổ đông quan ngại nhất khiến cổ phiếu NKG kém “hấp dẫn” là bức tranh tài chính ảm đạm do áp dụng chính sách trả chậm khiến nợ vay tăng cao.

Bên cạnh đó, để giải quyết vấn đề nợ vay chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp và tài trợ vốn lưu động, trong một báo cáo mới đây, CTCK Rồng Việt (VCSC) cho rằng Nam Kim sẽ không trả cổ tức tiền mặt trong tương lai để thanh toán. Điểm sáng duy nhất của Nam Kim so với các doanh nghiệp ngành thép khác có lẽ là đến từ chu kỳ chuyển đổi tiền mặt luôn ổn định. Cũng cần phải nhắc lại, trong quá khứ, Nam Kim đã từng có giai đoạn “cá chép hóa rồng” thành công, do đó, có thể NKG vẫn có cơ hội chuyển mình trong tương lai xa.

Nguyễn Việt