PNJ “đuối sức”?
Sau thời gian dài tăng trưởng mạnh ở ngành hàng bán lẻ, đặc biệt là mảng vàng nữ trang, kết quả kinh doanh quý 2/2019 của doanh nghiệp này chững lại. Phải chăng PNJ đã bắt đầu “đuối sức”?
PNJ vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý 2/2019 với lợi nhuận sau thuế giảm 6,3%, chủ yếu do doanh số bán lẻ giảm mạnh.
Lợi nhuận sụt giảm
Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2019 của PNJ, doanh thu thuần đạt 2.962 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Ban lãnh đạo PNJ, việc doanh thu sụt giảm trong quý 2 do sức mua của thị trường đối với lĩnh vực trang sức suy giảm. Bên cạnh đó, việc triển khai hệ thống ERP (hoạch định nguồn lực doanh nghiệp) mới đã ảnh hưởng đến hoạt động bán hàng của công ty, khiến doanh số bán lẻ quý 2 của PNJ giảm 23%.
Theo lý giải từ phía PNJ, doanh nghiệp này bắt đầu chuyển sang hệ thống ERP mới, sau khi nhận thấy các hạn chế của hệ thống cũ trong quá trình mở rộng quy mô bán lẻ. Để cạnh tranh với các ông lớn, tổng đầu tư của PNJ cho hệ thống mới gần 10 triệu USD, bao gồm tiền bản quyền, phí tư vấn, phí triển khai… Tuy nhiên, sự cố trong quá trình chuyển giao giữa 2 hệ thống cũ và mới khiến các nhà máy của PNJ chỉ hoạt động 50% công suất trong tháng 4/2019, dẫn đến tình trạng thiếu hàng để bán ở các cửa hàng, ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh quý 2 của PNJ.
169
tỷ đồng là tổng lợi nhuận sau thuế quý 2/2019 của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, các chi phí phát sinh trong kỳ của PNJ đều tăng mạnh. Riêng chi phí tài chính tăng 62% lên 22,27 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 7% lên 287 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 58% lên 116 tỷ đồng. Kết quả, PNJ ghi nhận 169 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 2/2019, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Điều này khiến nhiều nhà tư lo ngại doanh nghiệp này bắt đầu “đuối sức”.
Tiếp tục mở rộng hệ thống
Mặc dù doanh số bán lẻ của PNJ giảm, nhưng PNJ Watch vẫn là điểm sáng của doanh nghiệp này khi doanh thu của mảng này tăng hơn 300% trong 6 tháng đầu năm 2019, nhờ 7 điểm bán lẻ mới và số đơn hàng online cao. PNJ dự kiến doanh số bán lẻ đồng hồ sẽ đạt 200-300 tỷ đồng trong năm 2021.
PNJ dự kiến sẽ có tổng cộng 35 điểm bán lẻ đồng hồ vào cuối năm 2019 và 70 điểm bán lẻ vào năm 2020. Hiện phần lớn các điểm bán lẻ đồng hồ đều nằm trong các cửa hàng trang sức hiện hữu của PNJ để tận dụng cơ hội bán chéo đồng hồ cho các khách hàng mua trang sức.
Theo VCSC, doanh số trang sức bán lẻ của PNJ tăng 11% sau nửa đầu năm nay, nhưng trong đó các cửa hàng hiện hữu chỉ đạt mức tăng trưởng 1%. Doanh số bán hàng của các cửa hàng hiện hữu thấp do thiếu hàng bán trong tháng 4 và 5, nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm mạnh và hiệu ứng mất doanh số ở các cửa hàng mới, đặc biệt các cửa hàng mới mở đầu năm nay.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao lợi nhuận PNJ "về đáy" 1,5 năm?
11:00, 22/07/2019
Chân dung người được PNJ đặc cách phát hành ESOP và sở hữu gần 160 tỷ đồng cổ phiếu MWG
15:28, 23/04/2019
Thách thức quản trị chi phí với PNJ
11:01, 16/03/2019
Sau PNJ và Doji, đến lượt Thế giới di động lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh đồng hồ
16:41, 09/03/2019
Tuy vậy, Ban Lãnh đạo PNJ vẫn kỳ vọng sẽ đạt mục tiêu mở thêm 40 cửa hàng trong năm 2019. Tính đến cuối tháng 6/2019, PNJ có 339 cửa hàng trang sức, bao gồm 273 cửa hàng trang sức vàng, 62 cửa hàng chuyên về trang sức bạc và 4 cửa hàng CAO Fine Jewelry…
Thách thức sản xuất kinh doanh
Việc không ngừng mở rộng hệ thống cửa hàng kinh doanh vàng đã và đang làm gia tăng chi phí tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp, kể cả hàng tồn kho của PNJ
Tính đến hết qúy 2/2019, tổng nợ của PNJ là 2.434 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 2.423 tỷ đồng. Mặc dù hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của PNJ chỉ ở mức 59,4%, nhưng doanh nghiệp này phải trả tới hơn 45 tỷ đồng tiền lãi vay trong 6 tháng đầu năm nay, chưa kể nợ gốc vay phải trả trong kỳ là 2.433 tỷ đồng. Do đó, áp lực trả nợ của PNJ cũng khá lớn.
Bên cạnh đó, kinh doanh vàng trang sức là mảng chủ lực của PNJ khi chiếm khoảng gần 60% cơ cấu doanh thu. Mặc dù nhãn hiệu nữ trang PNJ đang có ưu thế mạnh với thị phần khá lớn, nhưng mức độ cạnh tranh cũng rất gay gắt. Sự cạnh tranh này không chỉ từ các đơn vị trong nước, như SJC, DOJI, Bảo Tín Minh Châu… mà còn từ nhiều thương hiệu nước ngoài, đặc biệt là Precita.
Ngoài ra, các doanh nghiệp vàng nói chung và PNJ nói riêng vẫn đang gặp nhiều khó khăn do Chính phủ đã và đang thực hiện chủ trương siết chặt sản xuất, kinh doanh vàng miếng. Do đó, Việc chuyển hướng mạnh sang mảng sản xuất, kinh doanh vàng trang sức là hướng đi rất đúng đắn của PNJ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp kinh doanh vàng nói chung đang “bí” đầu vào vì từ nhiều năm nay, vì NHNN chưa cấp phép cho bất kỳ doanh nghiệp nào được nhập khẩu vàng nguyên liệu, buộc các doanh nghiệp này phải mua vàng trôi nổi trên thị trường, không chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.
Tiềm năng ngành bán lẻ Việt Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) nhận định, ngành bán lẻ Việt Nam vẫn đã và đang hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài cả về đầu tư tài chính hoặc đầu tư để kinh doanh. Các chuỗi bán lẻ hiện đại tại Việt Nam, như PNJ, MWG, FRT… có được tốc độ tăng trưởng về lợi nhuận từ 20% - 40%/năm, cao hơn tương đối so với tăng trưởng trung bình ngành. Ngành bán lẻ Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng hơn 10%/năm. Quy mô toàn thị trường bán lẻ khoảng 142 tỷ USD đóng góp vào 59% GDP cả nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp niêm yết trên sàn mới chỉ tham gia một phần các mảng bán lẻ trị giá khoảng 71 tỷ USD (đóng góp 29,8% GDP cả nước). Tuy nhiên, các chuỗi bán lẻ được hưởng lợi từ cơ cấu dân số, nhưng đồng thời cũng có rủi ro cạnh tranh từ hình thức kinh doanh thương mại điện tử nên triển vọng của các chuỗi này có cả tích cực lẫn tiêu cực. Vì vậy, những doanh nghiệp có cả chuỗi cửa hàng trên toàn quốc và cả kênh bán lẻ trực tuyến sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn tại Việt Nam. Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng bán lẻ nói chung và PNJ nói riêng cần tính đến. |