Cổ phần hoá DNNN: Lận đận và truân chuyên

Anh Duy 15/10/2019 11:00

Gần 3 thập niên thăng trầm quãng đường cổ phần hoá, đổi mới DNNN vẫn còn nhiều nút thắt khiến quá trình này đang chậm lại, việc tắc nghẽn gây nhiều hệ luỵ cho phát triển kinh tế.

Dự kiến ngày 16/10/2019, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì Hội nghị về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Dệt

Khu đất 38.155,9 m2 tại 423 Minh Khai của Công ty CP Dệt Minh Khai là một trong những đơn vị bị Kiểm toán nhà nước phát hiện sai phạm trong sử dụng đất.

"Bệnh" từ đất đai

Tại Công ty CP Lương thực Đà Nẵng, sau cổ phần hóa, hơn 7.940 m2 được UBND TP. Đà Nẵng giao cho doanh nghiệp quản lý, sử dụng đã được doanh nghiệp này chuyển từ thuê đất sản xuất kinh doanh sang giao đất có thu tiền sử dụng đất, đồng thời chuyển mục đích từ thuê đất sản xuất kinh doanh sang đất ở đô thị sử dụng lâu dài.

“Doanh nghiệp đã thực hiện trót lọt việc này mặc dù không hề có dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê. Trường hợp này không thuộc diện được giao đất ở lâu dài và không đúng quy định về thời hạn giao đất theo Luật Đất đai 2003”, Kiểm toán Nhà nước nêu rõ. 

Không riêng Cty CP Lương thực Đà Nẵng, vi phạm tương tự cũng được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra tại Công ty CP Dệt Minh Khai, Công ty TNHH MTV 19/12 Hà Nội.

Cụ thể, giai đoạn 2013 – 2017, UBND TP Hà Nội cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất hoặc bổ sung mục đích sử dụng đất không đúng phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước và phương án sử dụng đất khi cổ phần hoá tại khu đất 38.155,9 m2 tại 423 Minh Khai của Công ty CP Dệt Minh Khai; khu đất 2.746,9 m2 tại 358 đường Láng của Công ty CP Cung ứng nhân lực và Thương mại quốc tế; khu đất 2.001 m2 số X3 phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội của Công ty TNHH MTV 19/12 Hà Nội.

Nhận định về vấn đề này, GS. TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: “Chuyển đổi mục đích hoặc bổ sung mục đích sử dụng đất không đúng phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước và phương án cổ phần hóa là chuyện đã từng xảy ra mà dường như không ai nhắc nhở, giám sát. Điều này nhắm đến việc trục lợi từ đất đai thay vì muốn tái cơ cấu doanh nghiệp”. 

Trên thực tế, đất đai luôn là nút thắt lớn trong công tác cổ phần hoá DNNN. Trong đó, tồn tại liên quan các vấn đề phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất, định giá đất vào giá trị doanh nghiệp, hợp đồng thuê đất,…

“Bình mới rượu cũ”

Cũng không riêng đất đai, những nút thắt trong cổ phần hoá DNNN còn nằm ở nhiều vấn đề liên quan xác định nhà đầu tư chiến lược,…thậm chí, vấn đề nằm ở tư duy người đứng đầu doanh nghiệp.

“Việc bán vốn nhà nước tại DN bị chậm lại có nguyên nhân khá quan trọng là những con người vừa làm vừa sợ trách nhiệm và ngại đổi mới, một số lãnh đạo doanh nghiệp còn tâm lý sợ mất quyền quản lý. Nhiều trường hợp không muốn công khai việc mua, bán và quản lý tài sản nhà nước”, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính đánh giá.

Bên cạnh đó, còn có tình trạng trông chờ cơ chế thật rõ ràng mới làm, mượn lý do vướng mắc cơ chế, kiến nghị sửa cơ chế để kéo dài việc sắp xếp, đổi mới và cổ phần hoá. Ngược lại, cũng có tư tưởng muốn làm nhanh để phục vụ lợi ích cá nhân dẫn đến tình trạng “xé rào” các quy định để thực hiện, dẫn đến hậu quả là sau cổ phần hóa nhưng doanh nghiệp vẫn ở tình trạng “bình mới rượu cũ”. 

Nhìn lại thăng trầm quãng đường cổ phần hoá, đổi mới DNNN gần 3 thập niên qua, nhiều chuyên gia cho rằng, có năm hàng trăm, có năm chỉ vài chục DNNN được cổ phần hóa, nhưng chưa bao giờ tiến độ chậm như hiện nay. Từ năm 2003 đến 2006, có đến 2.649 DNNN được cổ phần hóa. Riêng trong năm 2015, có 239 DNNN hoàn tất cổ phần hóa.

Đó là những giai đoạn “hoàng kim” nhất của việc thực hiện cổ phần hóa xét về mặt số lượng.

Thế nhưng, từ năm 2017 đến nay, tiến độ đang chậm lại rõ rệt với vài chục DNNN hoàn tất cổ phần hóa mỗi năm. “Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, phê duyệt phương án cơ cấu lại chậm, chưa đạt được theo kế hoạch đã đề ra. Sự chậm trễ này đã và đang ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và khả năng hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại DNNN”, ông Đặng Quyết Tiến đánh giá.

Cùng quan điểm, GS. TS. Đặng Hùng Võ nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định: “Thực tế là các doanh nghiệp cổ phần hóa rơi vào tình trạng không đạt mục tiêu tái cấu trúc doanh nghiệp mà chuyển sang dạng doanh nghiệp cổ phần hóa bị thay đổi về định hướng ngành nghề kinh doanh, thậm chí nhiều doanh nghiệp bị giải tán. Có nhiều chuyện tưởng vô lý mà họ vẫn làm được, vẫn làm trái được”.

Có thể bạn quan tâm

  • Gian nan cổ phần hóa Saigontourist

    Gian nan cổ phần hóa Saigontourist

    11:00, 01/10/2019

  • Genco1 lỗi hẹn cổ phần hóa

    Genco1 lỗi hẹn cổ phần hóa

    11:00, 26/09/2019

  • Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN: Chuẩn bị tốt khâu xác định giá trị doanh nghiệp

    Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN: Chuẩn bị tốt khâu xác định giá trị doanh nghiệp

    00:21, 24/09/2019

Thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân

Tồn tại và khó khăn là vậy, tuy nhiên phải khẳng định, cổ phần hóa là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. 

“Đảng và Chính phủ đã nêu rõ cổ phần hóa và thoái vốn là biện pháp cần thực hiện để đa dạng hóa nguồn vốn, cải thiện công nghệ, chất lượng quản trị, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động. Đây là mục tiêu của việc sắp xếp và đổi mới DNNN”, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhấn mạnh.

Thậm chí, xét ở góc độ khác, đẩy mạnh cổ phần hóa không chỉ giúp các DNNN hoạt động hiệu quả hơn, mà còn thúc đẩy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế.

Báo cáo “Đánh giá việc thực hiện cơ cấu lại khu vực DNNN, vai trò của kinh tế nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, quan điểm, phương hướng giai đoạn 2021 - 2030, kế hoạch 2021 - 2025” của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, kinh tế nhà nước vẫn đóng góp quan trọng cho tăng trưởng nhưng tỷ trọng đang giảm dần.

Cụ thể, năm 2010 kinh tế nhà nước đóng góp 45,4% vào thu ngân sách nhà nước nhưng đến năm 2016, con số này giảm xuống 32,3%. Về đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, các chuyên gia của CIEM dự báo, năm 2020 khu vực kinh tế nhà nước sẽ chỉ đóng góp 5,6% cho tăng trưởng, trong khi khu vực tư nhân là 43,87% và khu vực FDI là 20,69%.

Như vậy, để tiếp tục xử lý các nút thắt, thúc đẩy quá trình cổ phần hoá và đổi mới hoạt động các DNNN, đồng thời thúc đẩy những kẽ hở pháp lý trong cổ phần hóa DNNN cần được nỗ lực thực hiện. “Theo đó, các cơ quan làm chính sách cần rà soát lại các văn bản pháp quy, nếu có vấn đề gì chưa rõ thì bổ sung hướng dẫn. Như vậy, khung khổ pháp lý mới hoàn thiện thúc đẩy qúa trình cổ phần hoá, đổi mới DNNN”, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính nói.

Anh Duy