Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN: Chuẩn bị tốt khâu xác định giá trị doanh nghiệp

Hằng Hà 24/09/2019 00:21

Vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa là những nguyên nhân kéo dài thời gian thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến hết tháng 8/2019, cả nước có 09 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 780 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 670 tỷ đồng. Trong đó, có 03 doanh nghiệp thuộc danh mục các doanh nghiệp cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg.

Công ty TNHH MTV Môi trường và Công trình đô thị Hưng Yên

Công ty TNHH MTV Môi trường và Công trình đô thị Hưng Yên chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hồi tháng 4/2019 tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). 

9 doanh nghiệp này là Công ty TNHH Cà phê Thắng Lợi – Đăk Lăk, Trung tâm dạy nghề giao thông vận tải Hải Dương, Công ty TNHH MTV In và phát hành biểu mẫu thống kê, (SCIC), Ban Quản lý và Điều hành bến xa bến tàu Hậu Giang, Công ty TNHH MTV Môi trường và Công trình đô thị Hưng Yên, Công ty Môi trường đô thị Cà Mau, Công ty TNHH MTV Sách và TBTH tỉnh Đăk Nông, Công ty Quản lý Cầu đường Đà Nẵng và Công ty Quản lý vận hành điện chiếu sáng công cộng Đà Nẵng.

Lũy kế đến tháng 8/2019, đã có 36/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục phải cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN (35 DN) và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg (01 DN). Từ nay đến hết năm 2020 còn phải cổ phần hóa 92 doanh nghiệp. Như vậy, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp còn chậm (28%), không đạt được kế hoạch đề ra.

Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho thấy, 8 tháng có 12/62 doanh nghiệp thuộc danh mục ban hành theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thực hiện thoái vốn với giá trị 783 tỷ đồng, thu về 1.700 tỷ đồng. Các tập đoàn, Tổng công ty, DNNN ngoài danh mục theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg thoái vốn với tổng giá trị 2.432 tỷ đồng, thu về 4.653 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm

  • Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Khó đủ đường

    Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Khó đủ đường

    00:00, 25/08/2019

  • Hải Phòng: Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước “ì ạch” vì vướng cơ chế

    Hải Phòng: Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước “ì ạch” vì vướng cơ chế

    00:01, 05/07/2019

  • 'Lình xình' cổ phần hóa ở IPC

    'Lình xình' cổ phần hóa ở IPC

    01:14, 17/09/2019

  • SJC có gì trước thềm cổ phần hóa?

    SJC có gì trước thềm cổ phần hóa?

    01:08, 11/09/2019

  • Hai “đầu tàu” đang “treo” hàng ngàn tỷ đồng tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hoá

    Hai “đầu tàu” đang “treo” hàng ngàn tỷ đồng tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hoá

    00:00, 10/09/2019

Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 – tháng 8/2019 đã thoái 24.496 tỷ đồng, thu về 170.609 tỷ đồng. Trong khi đó, theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ thì giai đoạn 2017 – 2020 phải thực hiện thoái khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, trong đó năm 2017 thực hiện thoái vốn tại 135 doanh nghiệp; Năm 2018 thực hiện thoái vốn tại 181 doanh nghiệp; Năm 2019 thực hiện thoái vốn tại 62 doanh nghiệp; Năm 2020 thực hiện thoái vốn tại 28 doanh nghiệp.

Cổ phần hóa là giải pháp quan trọng trong sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại DNNN. Tuy nhiên, đến nay một số Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo. Chính vì vậy, tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn hiện đang rất chậm. 

Theo ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính), nguyên nhân khiến cho tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm là do quá trình cổ phần hóa DNNN cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa làm kéo dài thời gian thực hiện cổ phần hóa. Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa. Tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án cổ phần hóa DNNN còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của việc cổ phần hóa…

Theo ông Tiến, để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, vấn đề quan trọng là phương pháp tổ chức thực hiện. Các cơ quan đại diện sở hữu, các Bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với các UBND các tỉnh, thành phố để kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp. Các đơn vị cần chuẩn bị tốt các khâu xác định giá trị doanh nghiệp thì mới đảm bảo được tiến độ cổ phần hóa từ nay đến 2020.

Đặc biệt, các DNNN thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trình UBND các tỉnh, thành phố có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN: Chuẩn bị tốt khâu xác định giá trị doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO