SJC có gì trước thềm cổ phần hóa?

Khánh Hà 11/09/2019 01:08

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ mới đây, Công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn – SJC là một trong số 93 doanh nghiệp nhà nước sẽ cổ phần hoá đến hết năm 2020.

Thành lập từ năm 1988, SJC hiện là một trong những doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý lớn nhất tại thị trường Việt Nam, cùng với những tên tuổi khác như PNJPNJ-2.86%; Bảo Tín Minh Châu; Phú Quý...

SJC có gì?

Hiện trong số những doanh nghiệp kinh doanh vàng trên thị trường, chỉ duy nhất SJC là đơn vị do Nhà nước sở hữu 100% vốn, còn lại đều do tư nhân sở hữu.

Đây là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM, hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con như một tập đoàn kinh doanh đa ngành, trong đó sản xuất, kinh doanh vàng và trang sức là ngành kinh doanh chính, bên cạnh còn có địa ốc, đầu tư tài chính và dịch vụ.

Hiện trong số những doanh nghiệp kinh doanh vàng trên thị trường, chỉ duy nhất SJC là đơn vị do Nhà nước sở hữu 100% vốn

Hiện trong số những doanh nghiệp kinh doanh vàng trên thị trường, chỉ duy nhất SJC là đơn vị do Nhà nước sở hữu 100% vốn.

SJC đang vận hành hệ thống 23 chi nhánh, 6 công ty con và 6 công ty liên kết, 13 doanh nghiệp có vốn đầu tư. Mạng lưới kinh doanh phân phối gồm hơn 200 cửa hàng, 43 đại lý chính thức, trên 3.000 cửa hàng liên kết bán lẻ toàn quốc.

Với đặc thù kinh doanh vàng miếng, hoạt động kinh doanh của SJC chịu tác động lớn từ yếu tố chính sách. Trong giai đoạn đỉnh cao, SJC từng đạt doanh thu hơn 111.000 tỷ đồng vào năm 2011.

Tuy nhiên, việc siết chặt quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước từ năm 2012 cùng với giá vàng thế giới hạ nhiệt đã khiến doanh thu các doanh nghiệp vàng lao dốc. Và dù được lựa chọn làm doanh nghiệp độc quyền vàng miếng, SJC cũng không tránh khỏi “cơn bão” sụt giảm doanh thu toàn ngành.

Nếu như năm 2011, doanh nghiệp vẫn đạt doanh thu tới hơn 111.000 tỷ đồng (5,28 tỷ USD) thì sang năm 2012, con số này chỉ còn hơn 72.000 tỷ đồng. Sang năm 2013, doanh thu tiếp tục sụt giảm mạnh tới hơn 60%, xuống còn hơn 27.600 tỷ đồng (1,3 tỷ USD).

Những năm gần đây, doanh thu của SJC chỉ đi ngang quanh mức 20.000 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp thấp do kinh doanh vàng miếng (không quá 1%) khiến doanh nghiệp chỉ lãi vài chục tỷ đồng mỗi năm.

Báo cáo tài chính được công bố gần đây nhất cho thấy, kết thúc năm 2018, SJC ghi nhận doanh thu thuần 20.871 tỷ đồng, giảm nhẹ 9% so với cùng kỳ trong khi giá vốn bán hàng giảm chậm hơn khiến biên lãi gộp chỉ còn 0,72%, so với mức 0,75% trong năm 2017. Do không còn được hoàn nhập chi phí tài chính nên lợi nhuận của doanh nghiệp còn 28 tỷ đồng, thấp nhất từ 2012 đến nay.

Mặc dù công ty đã tiết giảm các khoản chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, doanh thu tài chính cũng tăng gấp hơn 5 lần cùng kỳ nhưng do không còn khoản hoàn nhập dự phòng tới 75 tỷ đồng như năm 2017 nên kết thúc năm 2018, doanh nghiệp chỉ đạt lợi nhuận sau thuế gần 28 tỷ đồng, giảm tới 66% so với con số đạt được cùng kỳ năm trước.

Tính đến cuối 2018, công ty mẹ SJC có tổng tài sản 1.545 tỷ đồng, phân bổ chủ yếu ở hàng tồn kho (989 tỷ), tiền (171 tỷ) và đầu tư tài chính (167 tỷ). Doanh nghiệp hiện có vốn điều lệ 1.359 tỷ đồng và “của để dành” chỉ có hơn 94 tỷ lợi nhuận chưa phân phối.

Đây cũng là năm doanh nghiệp báo lãi thấp nhất kể từ khi công khai BCTC.

"Chiến đấu" với điểm yếu cố hữu

Có thể nói, việc siết chặt quản lý của Nhà nước từ 2012 dẫn đến ngành vàng tập trung hơn vào tay một vài doanh nghiệp lớn như SJC, Doji, vàng bạc đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ)…

Ngành vàng bạc đá quý đang dần phân hóa giữa các doanh nghiệp. Trong khi Doji và SJC vẫn hoạt động chủ yếu ở mảng vàng miếng, PNJ đã chuyển hướng rất thành công vào kênh bán lẻ vàng trang sức, Sacombank-SBJ tập trung các sản phẩm quà tặng cao cấp, Vàng bạc Bến Thành BTJ hoạt động đa dạng với sự vươn lên của hệ thống bán lẻ kim cương Precita…

SJC có một đặc quyền lớn là được Ngân hàng Nhà nước giao độc quyền sản xuất vàng miếng và lấy SJC là thương hiệu vàng quốc gia. Quyết định này nhằm thống nhất và kiểm soát thị trường vàng, giảm tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế... Tuy nhiên, đây cũng chính là hạn chế của doanh nghiệp khi vàng miếng chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu doanh thu.

Hoạt động trong mảng vàng miếng truyền thống chính là điểm yếu cố hữu của SJC. Với tính chất bán sỉ, SJC ghi nhận doanh thu rất lớn nhưng lợi nhuận không đáng kể khi tỷ suất lợi nhuận của mảng vàng miếng chỉ dưới 1%.

Tương tự như SJC, tốc độ dịch chuyển của một doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn khác là Doji cũng khá chậm chạp khi doanh thu vàng miếng, vàng 24k vẫn đóng góp tỷ trọng lớn vào doanh thu. Biên lãi gộp hàng năm của doanh nghiệp vì thế cũng khá khiêm tốn, chỉ từ 0,3% đến 0,5% trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến 2018.

Trong khi đó, nhìn ra thị trường, khi điều kiện kinh doanh bị siết lại và giao dịch vàng miếng không còn sôi động như trước, nhiều doanh nghiệp khác trong ngành vốn không có được đặc quyền như SJC đã nhanh chân dịch chuyển cơ cấu kinh doanh, và điều này đã mang tới cho họ nhiều cơ hội và kết quả mới.

Điển hình là  PNJ. Từ sản phẩm vàng miếng chiếm 80% doanh thu năm 2011, đến nay PNJ đã gia tăng tỷ trọng mảng trang sức lên 80% doanh thu và 92% lợi nhuận gộp. Theo đó biên lợi nhuận gộp cũng tăng từ khoảng 4% lên trên 19% vào năm 2018.

Có thể bạn quan tâm

  • “Gót Achilles” của SJC

    “Gót Achilles” của SJC

    11:01, 31/08/2018

  • Giá vàng SJC lao dốc trong phiên đầu tuần

    Giá vàng SJC lao dốc trong phiên đầu tuần

    09:56, 29/08/2016

  • Giá vàng tuần từ 9- 13/9: Đà giảm đã dừng lại?

    Giá vàng tuần từ 9- 13/9: Đà giảm đã dừng lại?

    06:01, 08/09/2019

  • Kinh doanh phụ kiện có là

    Kinh doanh phụ kiện có là "mỏ vàng trong làng khởi nghiệp"?

    04:26, 31/08/2019

Thực tế, SJC cũng có 2 dòng sản phẩm nữ trang là dòng phổ thông, dòng cao cấp SJC Diagold. Công ty cũng có 1 xưởng sản xuất nữ trang có công suất sản xuất khoảng 500.000 sản phẩm/năm. Tuy nhiên, hướng dịch chuyển và cân đối giữa các phân khúc vẫn chưa cho thấy sự cân bằng và tăng trưởng trở lại, nhất là về lợi nhuận.

Với việc cổ phần hóa, nhiều cổ đông sẽ tham gia vào doanh nghiệp, khi đó sức ép của các nhà đầu tư lớn có thể giúp SJC chuyển đổi nhanh, giúp cải thiện biên lợi nhuận. Hiệu quả chuyển đổi và cổ phần hóa đã được chứng minh ở PNJ, ngoài ra thị phần trang sức 70% vẫn nằm ở cửa hàng nhỏ truyền thống mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp có thể nắm bắt được cơ hội.

Rất có thể, SJC sẽ được thổi một luồng khí mới, với nhiều bứt phá lớn để xứng tầm với uy tín, thương hiệu và tiềm lực mà doanh nghiệp này đang có.

Kỳ vọng từ thay đổi qua cổ phần hóa là vậy, nhưng lộ trình thực tế vẫn chưa rõ ràng ngay cả khi đã được ấn định vào năm 2020. Vì, trong năm 2017, kế hoạch cổ phần hóa từng được nhấn mạnh tại đây, nhưng vẫn không thể triển khai cho đến nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
SJC có gì trước thềm cổ phần hóa?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO