Doanh nghiệp bán lẻ Việt đã được "tôi luyện" tinh thần để cạnh tranh
Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, bà Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, trong hơn 10 năm gia nhập WTO, doanh nghiệp bán lẻ trong nước đã được “tôi luyện”, chuẩn bị tinh thần để cạnh tranh.
Trước đó, có nhiều ý kiến lo ngại khi cam kết trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam sẽ không hạn chế mở thêm điểm bán lẻ sau 5 năm kể từ khi CPTPP có hiệu lực, do đó nhiều lo ngại cho rằng doanh nghiệp ngoại sẽ thâu tóm thị trường bán lẻ tại Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp bán lẻ: Am hiểu để chiếm lĩnh thị trường
02:53, 27/11/2019
Doanh nghiệp bán lẻ cần thay đổi để thích ứng “cuộc chơi” 4.0
01:26, 18/10/2019
Doanh nghiệp bán lẻ đồng hồ giành thị phần trị giá 750 triệu USD/năm
00:24, 17/08/2019
Doanh nghiệp bán lẻ ồ ạt tuyển nhân sự
04:26, 11/04/2019
Trên thị trường đã nổi lên một số nhà phân phối bán lẻ lớn bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Lê Việt Nga cho biết: những nhà phân phối bán lẻ đó đang nắm giữ thị phần chủ yếu, cạnh tranh lẫn nhau và đi đầu trong những xu hướng bán lẻ mới. Điều này cho thấy tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam là rất lớn nhưng cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực này cũng ngày càng gay gắt.
Theo bà Nga, việc thực hiện các cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, phân phối trong CPTPP, EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU) là nguyên nhân khiến doanh nghiệp nước ngoài lớn đẩy mạnh đầu tư vào ngành bán lẻ Việt Nam. Trong khi đó, phần đông doanh nghiệp nước ta có quy mô nhỏ và vừa, chỉ một số ít doanh nghiệp lớn như Masan, Sài Gòn Co.op … mới đủ năng lực để cạnh tranh.
Những lo ngại cho nhà bán lẻ Việt xuất phát từ những cam kết mở cửa mạnh mẽ thị trường bán lẻ, các tập đoàn, siêu thị lớn trên thế giới có tiềm lực mạnh về tài chính, kinh nghiệm, phương tiện quản lý hiện đại sẽ thâu tóm, chi phối thị trường bán lẻ trong nước.
Tuy nhiên Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng tác động của CPTPP đến ngành phân phối, bán lẻ sẽ không lớn và không làm thay đổi cục diện của thị trường. “Trong hơn 10 năm qua, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đã được “tôi luyện”, thử thách. Về cơ bản, họ đã chuẩn bị tinh thần và chấp nhận mở cửa, cạnh tranh cao. Các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam hoàn toàn tự tin cạnh tranh trong môi trường này”, bà Loan khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, để tận dụng tốt các cơ hội từ CPTPP cũng như vượt qua thách thức, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước phải kiểm soát được chất lượng hàng hóa, không buôn bán hàng cấm, hàng giả. Đồng thời, có kế hoạch bài bản và hành động quyết liệt để nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như chăm sóc khách hàng, tăng cường hình thức bán hàng kể cả trực tiếp hay online.
"Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải cải thiện quy mô vốn, năng lực quản lý và phạm vi hoạt động kinh doanh, đặc biệt thông qua việc tận dụng cơ hội liên doanh với các nhà đầu tư CPTPP. Về phía cơ quan quản lý, phải có biện pháp hỗ trợ thúc đẩy phát triển các kênh phân phối, tạo đầu mối liên kết giữa nhà sản xuất - nhà phân phối - khách hàng", bà Thu Trang bổ sung.
Mặt khác, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thương mại xuất nhập khẩu THT Việt Nam, ông Lê Phú Toàn đề xuất: “Doanh nghiệp Việt Nam phần lớn có quy mô nhỏ và vừa nên rất khó cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài nếu như không có sự hỗ trợ về mặt chính sách. Do đó, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp bán lẻ trong nước về mặt bằng, thuế suất để cân bằng với các doanh nghiệp nước ngoài”, Ngoài ra, ông Lê Phú Toàn cũng mong muốn Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, liên doanh liên kết, mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu bán lẻ để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt ngay ở thị trường nội địa.