Vua hồ tiêu Việt: Thành công nhờ biết bỏ lại mọi thứ hấp dẫn phía sau lưng…
Chào đón Canh Tý với những kế hoạch luôn sáng tạo, ấp ủ bất ngờ mới, CEO Phúc Sinh chia sẻ: "Nếu tôi không tiếp tục làm điều gì, cơ hội sẽ trôi qua”…
2019 Kỷ Hợi đánh dấu chặng đường 18 năm kinh doanh của Cty nông sản hàng đầu Việt Nam- Phúc Sinh. Năm Canh Tý sẽ mở ra những định hướng mới cùng kế hoạch luôn ấp ủ táo bạo và sáng tạo của Phúc Sinh trong hành trình kế tiếp.
“Thành công hôm nay đã là quá khứ của ngày mai”
Định hướng mới của Phúc Sinh là song song với chiến lược tiếp tục mở rộng các thị trường xuất khẩu, từ khoảng hơn 98 quốc gia và vùng lãnh thổ mà sản phẩm công ty này đang cung cấp, tiếp tục phát triển và đóng góp những phân khúc ngách còn chưa được quan tâm đúng mực cho ngành công nghiệp gia vị Việt Nam.
Ở định hướng phát triển nội địa, có vẻ như Phan Minh Thông đã lựa chọn chiến lược đi vòng, từ chỗ thành công trên thị trường quốc tế với doanh số hàng trăm triệu USD/ năm, rồi mới trở về sân nhà.
Song không phải bây giờ CEO Phúc Sinh mới bắt tay cho định hướng này. Phan Minh Thông thành lập Công ty từ năm 2001, khởi đầu với kinh nghiệm của một chàng trai trẻ ngay từ ấu thơ đã… phụ mẹ bán hàng khô tại TP Cảng Hải Phòng, một tấm bằng Đại học Ngoại thương và 2 năm kinh qua nhiệm vụ phát triển mảng xuất nhập khẩu hàng nông sản cho một Công ty lớn của Nhà nước nhưng không hài lòng với mô hình làm việc quốc doanh. Với 60 triệu đồng tiết kiệm ban đầu ít ỏi, Thông đã vận dụng khả năng thuyết phục khách hàng quốc tế của mình, để họ chấp nhận trả trước cho công ty. Qua đó giảm áp lực nguồn vốn và triển khai những đơn hàng đầu tiên. Sau mấy năm đầu thành lập, Phan Minh Thông đầu tư nhà máy gia vị đầu tiên. Để 18 năm sau, hệ thống Phúc Sinh có 6 nhà máy ở tại Bình Dương, ĐakLak, Sơn La chuyên về sản xuất nông sản gồm Tiêu và Cà phê cùng các gạo, quế, điều, ớt… và nhiều gia vị khác.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, từ 2006 đến nay, Phúc Sinh của Thông có 12 năm đứng số 1 về doanh số xuất khẩu tiêu với 8% thị trường toàn cầu. Nhiều năm Phúc Sinh ở trong top 20 doanh nghiệp đứng đầu về xuất khẩu cà phê. Ở vị trí đó, anh nói, mỗi năm đi ra nước ngoài tham dự các hội chợ quốc tế lớn nhất, Thông đều rất buồn khi nhận thấy dù Việt Nam đứng số 1 về hồ tiêu, số 2 về cà phê trên toàn thế giới, nhưng thương hiệu Việt Nam vẫn chưa có trên bản đồ nông sản toàn cầu. “Tôi quyết tâm xây dựng sản phẩm có thương hiệu. Đồng thời, cũng từ chị vừa nhắc, “đi ngược” trở lại, từ nguồn nguyên liệu nông sản dồi dào và ngon nhất, mang đến những sản phẩm sạch, ngon, an toàn cho người tiêu dùng trong nước”.
Với sự ra mắt K Coffee từ năm 2015, công bố Blue Sơn La Arabica trên toàn cầu vào 2018 và đưa K Pepper vào nội địa ở năm nay, có thể nói Phan Minh Thông đã chính thức có thêm 1 lần khởi nghiệp mới - Khởi nghiệp cùng hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trong nước. Anh đã và luôn làm đúng tâm niệm của mình rằng không bao giờ ngủ quên trên chiến thắng. Bởi với Thông, thành công hôm nay luôn là quá khứ của ngày mai.
“Thị trường quá áp lực, không làm gì thì cơ hội sẽ trôi qua…”
Đầu tư FMCG là một cuộc chơi quá nhiều thách thức. Đối với hàng hóa cà phê, Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp đi trước chiếm giữ thị phần. Cũng có hàng trăm doanh nghiệp hộ kinh doanh gia đinh, các nhà rang xay tự cung tự cấp. Đối với cà phê chuỗi, sự bùng nổ của nhu cầu thị trường 96 triệu dân cũng đã thu hút không thiếu mặt anh tài nào trong ngành bán lẻ đồ uống quốc tế tham gia vào Việt Nam. Lại đã có những ông lớn ngã ngựa, rời đi, nhiều doanh nghiệp thất thu, phá sản dù đi cả “hai chân” cung ứng - bán lẻ. Trước áp lực đó, chọn cho mình phân khúc ngách, khó nhằn: Cà phê 100% nguyên chất và Arabica theo chuẩn toàn cầu, Phan Minh Thông nói, là nỗ lực của Phúc Sinh để thay đổi tư duy, nhận thức của người dùng khi lựa chọn các thức uống ngon và an toàn cho sức khỏe.
"Cuộc chiến” thay đổi tư duy nhận thức người dùng với vị CEO trẻ này dường như cũng lan khó khăn sang “mặt trận” quản lý người vận hành, phát triển hệ thống trong FMCG. 2019 là 1 năm Thông phải tự tái cấu trúc lại khâu quản lý vận hành ở FMCG và cùng các nhà điều hành Phúc Sinh, anh đã ra quyết định rằng chính anh sẽ vận hành mảng FMCG trực tiếp. Hy vọng đó là “cái được” của Phúc Sinh cho dài hạn.
Có thể bạn quan tâm
Phúc Sinh tái định hình thị trường hồ tiêu Việt
11:48, 04/12/2019
Phúc Sinh Sơn La: Nâng tầm cà phê arabica Việt Nam trên bản đồ quốc tế
11:45, 08/11/2018
Phúc Sinh kỳ vọng thay đổi nhận thức đồ uống với K Coffee
11:37, 03/10/2018
CEO Phúc Sinh ra mắt sách "Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh"
07:26, 23/12/2017
Ngoài ra, Blue Sơn La Arabica với nhà máy Arabica công nghệ 100% nhập khẩu từ Colombia tại Sơn La mà Phúc Sinh đầu tư đã được thị trường nội địa chấp nhận. Nhiều đơn đặt hàng khắp nơi và sự thích thú với chất cà phê tinh túy của núi rừng Tây Bắc – mang vị cà phê chuẩn Châu Âu khiến Thông phải từ chối bớt một số containers cần xuất cho thị trường quốc tế, để có đủ sản lượng cung cấp cho nội địa.
Cùng với đó, Phúc Sinh ra mắt tiêu sấy lạnh K Pepper và nước sốt tiêu, bổ sung một loạt các mặt hàng nhóm hạt tiêu để xóa đi nỗi sợ tiêu lép, tiêu xay trộn tạp chất… mà người tiêu dùng nội địa đang gặp phải. “Nếu tôi không làm điều gì đó, mải mê chạy theo những điều hấp dẫn của thành công, của tiện nghi, cơ hội sẽ trôi qua”, Thông nói. Anh giải thích nhìn đâu cũng thấy cơ hội. Nhưng cơ hội luôn trôi qua rất nhanh và trên thị trường phân khúc ngách của ngành công nghiệp gia vị Việt Nam – ngành “phụ trợ” cho vị thế bếp ăn thế giới hiện tại thì lại chỉ đang được phát triển với nước tương, nước mắm, bột ngọt, hạt nêm…, Thông nhìn thấy còn rất nhiều sản phẩm có thể phát triển và tiêu thụ.
3 năm phát triển mảng FMCG cho nội địa, Phúc Sinh hiện có gần 50 sản phẩm khác nhau trong các nhóm mặt hàng cà phê và gia vị. Bước khởi nghiệp mới ở thị trường sân nhà của Vua xuất khẩu hồ tiêu như vậy cũng đã đặt được những nấc thang nhất định. Và nấc thang mà CEO Phúc Sinh lấy làm hạnh phúc và là động lực để sẵn sàng bước lên những nấc thang mới cao hơn, đó là niềm tin, sự chào đón hàng Việt của chính người Việt Nam, là niềm tin người Việt cũng được quyền sử dụng những sản phẩm chất lượng số 1. Song đó lại cũng mới chỉ là một phần câu chuyện kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân năng động luôn mang đến những sản phẩm mới mẻ, những quyết định bất ngờ trong đầu tư, phát triển thị trường, mỗi năm….