Doanh nghiệp “hốt hoảng” vì giá logistics
Cùng 1 container, vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ hết 41 triệu nhưng từ TP.HCM ra Hà Nội hết 80 triệu.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Minh Phú trần tình tại hội nghị Cắt giảm chi phí logistics - Giải pháp tối ưu nhằm nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt" vừa tổ chức gần đây.
Vẫn theo đại diện Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, hàng từ Việt Nam xuất sang cảng Hamburg (Đức) hết 41 triệu đồng, sang Nhật Bản là 16 triệu đồng, nhưng từ TP.HCM ra Hà Nội mất 80 triệu đồng, gấp nhiều lần so với vận chuyển quốc tế.
Hay một container tôm từ TP.HCM đến biên giới Trung Quốc mất 100 triệu đồng, trong khi Ecuador cũng vận chuyển sang Trung Quốc nhưng chi phí chỉ bằng một nửa dù quãng đường của Ecuador xa hơn Việt Nam.
Ông Lê Văn Quang lý giải, nguyên nhân đẩy chi phí vận chuyển nội địa cao là do Việt Nam có quá nhiều trạm thu phí đường bộ từ Nam ra Bắc. Trong khi đó, hệ thống đường biển, đường sông rất thuận lợi để lưu thông hàng hóa nhưng lại không phát huy tác dụng do không có cảng nội địa.
"Vận chuyển đường sông chi phí chỉ bằng 1/10 đường bộ nhưng không có quy hoạch. Nếu có thì hàng hóa đi từ TP.HCM, Cần Thơ ra tới Hải Phòng, xong từ đó vận chuyển đi tiếp sẽ rất nhanh, và giá rẻ hơn nhiều", ông Quang nói.
Theo khảo sát của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), chi phí logistics chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi phí các mặt hàng nông sản.
Đối với vải thiều, chi phí logistics chiếm 30-45% tổng chi phí; mít tươi chiếm 17%, phân bón 12-25%; thanh long đông lạnh 10-20%; nước ép trái cây chiếm 20%; quế hồi, gia vị trên dưới 10%; nông sản khác từ 10-45%...
Theo nhận xét của các chuyên gia kinh tế, chi phí logistics cao khiến giá thành sản phẩm hàng hóa của Việt Nam tăng cao hơn so với các nước khác.
Ở Việt Nam, chi phí logistics gồm lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, làm thủ tục hải quan… chiếm tỷ lệ khá lớn vì vậy giá thành bị đẩy lên cao khiến giảm sức hút đầu tư và cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước.
Mặc dù, Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm của khu vực châu Á-Thái Bình Dương về vận tải biển và hàng không. Hằng năm, có trên 65.000 lượt tàu thuyền đi qua biển Đông, chuyên chở khoảng 50% lượng dầu mỏ và hàng hóa xuất nhập khẩu của thế giới.
Nhưng dịch vụ logistics của Việt Nam phát triển rất chậm, khiến chi phí sản xuất trong nước rất cao, làm giảm sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư nước ngoài, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước.
Thị trường logistics của Việt Nam tương đương 21-25% GDP, nhưng 80% thị phần này rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài, phần còn lại được chia cho khoảng 3.000 doanh nghiệp nội địa. Thị trường logistics lớn như vậy, nhưng đóng góp vào GDP hàng năm chỉ 2-3%, do chi phí quá lớn.
Nhìn chung, các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam cạnh tranh kém hấp dẫn so với mặt hàng cùng loại của các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Malaysia... cả về nông sản, lẫn may mặc một phần là do chi phí logistics của Việt Nam cao hơn các nước này từ 6-20%, thậm chí cao gấp 3 lần so với Singapore.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, một trong những giải pháp để tháo gỡ vấn đề logistics trong lĩnh vực nông sản là tích cực đầu tư các trung tâm logistics nông sản quy mô lớn, tập trung, phục vụ cho cả một vùng giúp hàng hóa nông sản đảm bảo yếu tố lưu trữ, thời gian bảo quản dài, từ đó mới phân phối về các siêu thị, cửa hàng.
“Bên cạnh đó, cần nhìn nhận vai trò của hình thức vận chuyển bằng đường biển và đường sông để có sự đầu tư phù hợp”, ông Hải chia sẻ.
Để giảm chi phí không đáng có khi xuất khẩu hàng Việt ra thế giới đòi hỏi cơ quan quản lý cần hoàn thiện cơ chế phát triển logistics, phải thực hiện đồng bộ rất nhiều việc, như hình thành các doanh nghiệp dịch vụ logistics đầu tàu, ứng dụng các công nghệ mới trong logistics, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics...
Trong số đó, phải tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không.
Có thể bạn quan tâm