Đó là lưu ý của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị đối thoại với nông dân diễn ra tại TP.Cần Thơ vào ngày 10/12.
Thủ tướng nhấn mạnh: Trong xu thế hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới cạnh tranh thương mại gay gắt thì chi phí ở một khâu nào đó trong chuỗi sản xuất cao hơn cũng làm cho sản phẩm đó yếu thế cạnh tranh.
Đối với khu vực ĐBSCL tuy là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp nhưng vì nhiểu lý do khách quan lẫn chủ quan mà cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật được đánh giá là chưa đồng bộ.
Đặc biệt là do hạ tầng giao thông còn khó khăn nên chi phí logistics đang chiếm tỷ lệ cao nhất so với các khu vực khác, điều này làm cho nông sản của khu vực yếu sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Có thể bạn quan tâm
14:50, 10/12/2019
13:53, 10/12/2019
04:05, 10/12/2019
Để kéo giảm chi phí logistics cho nông sản, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phải thực hiện đúng tiến độ các công trình giao thông quan trọng của vùng như tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, nâng cấp mở rộng quốc lộ 60 và xúc tiến nhanh các thủ tục đầu tư để tiến đến khởi công cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi trên tuyến.
Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu đề xuất Chính phủ phê duyệt đường cao tốc Cần Thơ-Cà Mau, Châu Đốc-Trần Đề, cảng biển nước sâu Trần Đề và các công trình trọng yếu khác.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng cam kết với Thủ tướng: Tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận đã thu xếp được nguồn vốn, doanh nghiệp dự án cũng cam kết thi công không nghỉ Tết để kịp thông xe vào cuối năm 2020 và khánh thành vào đầu năm 2021.
“Cầu Rạch Miễu 2 và cầu Đại Ngãi trên tuyến quốc lộ 60 cũng đã đạt được sự thỏa thuận tài trợ vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc và Nhật Bản. Cảng biển nước sâu Trần Đề đã được Thủ tướng cho phép nghiên cứu và Bộ đang lấy ý kiến phản biện, đề xuất để trình Thủ tướng xem xét vào năm sau. Tín hiệu đáng mừng là Tập đoàn Vingroup bày tỏ muốn hợp tác đầu tư dự án này theo hình thức PPP”, Bộ trưởng Thể cho biết thêm.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, thời gian qua ngân sách trung ương đã quan tâm nhiều hơn cho vùng ĐBSCL nhưng chưa đủ. ĐBSCL hiện còn thiếu hạ tầng, giao thông, chưa có cảng nước sâu, đường sắt, hệ thống đường thủy chưa phát triển đồng bộ.
"Do đó tại Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm triển khai Nghị quyết 120 của Chính phủ về “Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu” Bộ đã, đề xuất phân bổ 45.000 tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD) cho khu vực này trong 5 năm tới, nhằm đẩy nhanh các dự án cấp bách. Trong đó, một nửa lấy từ ngân sách, còn lại huy động từ những nguồn khác", Bộ trường Dũng nói.