Điểm nghẽn trong việc "cấp cứu" cho Vietnam Airlines
Theo tính toán của Vietnam Airlines, dự kiến tổng doanh thu năm 2020 sẽ sụt giảm 50.000 tỷ đồng, lỗ 15.000 tỷ đồng, thâm hụt dòng tiền khoảng 16.000 tỷ đồng.
Vietnam Airlines đã làm tất cả các việc có thể như cắt giảm chi phí, tổ chức lại lao động, giãn và hoãn thanh toán... Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng mất thanh khoản từ tháng 8 sắp tới nếu không có hỗ trợ thanh khoản của Chính phủ với vai trò là chủ sở hữu.
Đứng trước khó khăn này, Vietnam Airlines đã trình lên Chính phủ đề xuất gói cứu trợ 12.000 tỷ đồng để cứu doanh nghiệp khỏi tình trạng mất thanh khoản từ tháng 8/2020.
Khỏe mạnh để bảo toàn vốn Nhà nước
Nhưng dư luận sẽ đặt câu hỏi cứu Vietnam Airlines, còn các hãng hàng không khác thì sao? Trả lời câu hỏi này, PGS. TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng đây không phải là vấn đề Nhà nước cứu Vietnam Airlines mà phải có trách nhiệm.
Vẫn theo ông Thiên, cứu doanh nghiệp như thế nào phải bàn cụ thể, như chọn ai để cứu vì Nhà nước không đủ nguồn lực cứu tất cả doanh nghiệp, nên phải bàn cách cứu những ngành có tính trọng điểm.
Cần phải đặt mục tiêu, cứu doanh nghiệp là để cứu nền kinh tế chứ không phải để cứu chính doanh nghiệp ấy. Và nếu "cứu" Vietnam Airlines thì phải xem vai trò của Vietnam Airlines như thế nào đối với nền kinh tế.
Từ việc ngành hàng không là một lĩnh việc cần phải ưu tiên cứu để cứu nền kinh tế, Chính phủ cần phải làm rõ luận cứ cho việc cứu Vietnam Airlines. Theo ông Thiên, quan trọng chính là khái niệm chủ sở hữu.
Nhà nước, trước hết là tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa tất cả các bên doanh nghiệp, thì có hệ giải pháp chung cho tất cả doanh nghiệp, giảm các loại phí cho cả Vietjet Air, Bamboo Airways và Vietnam Airlines.
“Về phần Vietnam Airlines, cần nhấn mạnh rằng chủ sở hữu phải có trách nhiệm, vì nền kinh tế chứ không phải thiên vị”, ông Thiên nói.
Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho biết, Vietnam Airlines là hãng duy nhất có số liệu đầy đủ và minh bạch nhất về tác động của dịch bệnh đến doanh nghiệp, phương án đối phó đại dịch, nêu ra những việc làm được, việc cần hỗ trợ.
“Vietnam Airlines là hãng hàng không quốc gia nên cần thiết phải duy trì một cơ thể khỏe mạnh để làm nhiệm vụ bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước, bộ mặt ngành hàng không những năm tiếp theo”, ông Cung bày tỏ.
Ông Nguyễn Đức Kiên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đánh giá, ngoài việc Vietnam Airlines thông tin minh bạch, đầy đủ về tình hình tài chính, còn có một thông tin quan trọng là các hãng hàng không khác đều tuyên bố năm nay có lãi hoặc vẫn ổn định tài chính. Cho nên, việc giải cứu hay hỗ trợ phải chọn đối tượng ưu tiên.
Ông Thiên cho biết thêm, với vai trò chủ sở hữu thì Chính phủ phải cứu Vietnam Airlines như một ưu tiên với những giải pháp đặc biệt trong tình thế đặc biệt. Nếu để quá muộn, chi phí “cứu chữa” sẽ đắt lên rất nhiều. Nếu Vietnam Airlines phục hồi sẽ kéo ngành du lịch và nền kinh tế phục hồi theo.
Cần cơ chế đặc thù
Ông Trương Văn Phước, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phân tích, nếu không cứu Vietnam Airlines thì toàn bộ vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ mất hết nên cần tính toán cân đối các phương án, tính toán điểm cân bằng tài chính...
Về phía SCIC, Phó tổng giám đốc Đinh Việt Tùng cho biết, cơ quan này đã làm việc với Vietnam Airlines về việc đầu tư từ rất sớm nhưng tồn tại một số vướng mắc chưa giải quyết được. Theo ông Tùng, SCIC thường phải nghiên cứu, định giá... các thỏa thuận đầu tư mất 6-9 tháng. Điều này sẽ khiến không kịp tiến độ tăng vốn mong muốn của Vietnam Airlines.
Nếu hãng hàng không quốc gia tăng vốn theo phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu cũng vướng Luật Chứng khoán với quy định doanh nghiệp phải có lãi trong quý gần nhất (quý I, Vietnam Airlines lỗ). Do vậy, phương án này phải trình Quốc hội. Đồng thời, Vietnam Airlines cũng chưa đưa ra được bức tranh tổng thể dài hạn nên SCIC không đánh giá được tương lai khoản đầu tư.
Theo ông Tùng, nút thắt lớn nhất là SCIC có chức năng đầu tư theo chỉ định của Chính phủ vẫn phải đảm bảo nguyên tắc phát triển vốn theo Luật 69. Trong khi đó, SCIC hiện không thể dự báo được thời điểm phục hồi của Vietnam Airlines nên khó biết được khả năng bảo toàn, phát triển vốn ngắn và trung hạn. Vì vậy, lãnh đạo SCIC cho rằng phải có "quy định đặc thù" nếu doanh nghiệp này đầu tư vào Vietnam Airlines.
Ngoài ra, ông Tùng nhấn mạnh, doanh nghiệp này phải xây dựng được phương án tổng thể để công khai, minh bạch khi Luật 69 quy định lĩnh vực kinh doanh của Vietnam Airlines không thuộc ngành nghề Nhà nước phải đầu tư vốn.
Nguyên Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng đề xuất phương án phát hành riêng lẻ trái phiếu chuyển đổi để không “vướng” các Luật Chứng khoán về vấn đề lỗ, lãi của doanh nghiệp. Trái phiếu này sẽ xác định mức giá chuyển đổi phù hợp, giao cho SCIC thực hiện và lên các phương án thu hồi vốn sau khoảng thời gian nhất định, ví dụ sau 4 năm.
Phân tích về khía cạnh chủ sở hữu, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, không nên dùng từ "giải cứu" với Vietnam Airlines, bởi đang có sự nhầm lẫn giữa 2 vai trò của Chính phủ.
Thứ nhất, Vietnam Airlines là hãng hàng không quốc gia, có đầy đủ năng lực để phải duy trì. Tại các quốc gia, họ hỗ trợ nhanh, nhiều vì hàng không quan trọng, cần phải duy trì.
Với tư cách là cơ quan quản lý, thực hiện chính sách phát triển kinh tế xã hội, đầu tiên Chính phủ trợ cấp, miễn giảm thuế, phí... Còn Việt Nam mới chỉ có giãn thuế, miễn một số loại phí chứ chưa có miễn giảm thuế phí", ông Cung cho biết.
Thứ hai, chính phủ đang là người đầu tư, chủ sở hữu, người góp vốn. Với tư cách này, chính phủ có thể cho vay, bảo lãnh cho vay trên thị trường, có thể đầu tư tăng vốn thông qua phát hành cho cổ động hiện hữu.
Chính phủ cần duy trì hoạt động của hãng hàng không, đầu tư thêm vốn để nắm lấy quyền sở hữu, điều hành để tránh phá sản doanh nghiệp.
“Do đó, không nên nhầm lẫn giữa hai vai trò của Chính phủ và cho rằng việc Chính phủ có hành động và trách nhiệm với Vietnam Airlines là giải cứu hay hỗ trợ. Vì đây là hành động với vai trò là nhà đầu tư”, ông Cung nói.
Có thể bạn quan tâm