Vì sao Vinalines hạ chỉ tiêu kinh doanh năm 2020, chuyển từ lãi mỏng sang lỗ sâu?
Công ty mẹ - Vinalines đặt chỉ tiêu kinh doanh giảm còn 1.526 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế lỗ hơn 1.024 tỷ đồng.
Đây là kế hoạch điều chỉnh trình Đại hội đồng cổ đông lần đầu dự kiến diễn ra vào ngày 8/8. Theo Nghị quyết số 39 ngày 21/7, được Hội đồng thành viên Vinalines thông qua, dự kiến điều chỉnh các chỉ tiêu kinh doanh của công ty mẹ với mức doanh thu giảm còn 1.526 tỷ đồng (kế hoạch ban đầu là 1.555 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế lỗ hơn 1.024 tỷ đồng (kế hoạch ban đầu lãi 51 tỷ đồng).
Vinalines lý giải nguyên nhân điều chỉnh kế hoạch kinh doanh là do tác động của dịch COVID-19, việc tìm nguồn hàng cho các tàu rất khó khăn khi nhiều nước không tiếp nhận tàu chở hàng.
Ngoài ra, việc cách ly tàu 14 ngày làm kéo dài thời gian giao hàng làm tăng chi phí, giảm doanh thu. Đó là chưa kể, một số lô hàng đang giao dịch đều bị hủy hợp đồng vận chuyển do dịch COVID-19.
Một nguyên nhân khác khiến doanh thu của Vinalines giảm là việc thanh lý tàu cũng bị ảnh hưởng vì thời điểm hiện tại, giá mua bán tàu trên thị trường giảm nên giá bán không được như kế hoạch đặt ra.
Do đó, lợi nhuận bốn tháng cuối năm sau điều chỉnh, bổ sung các khoản chi phí phân bổ, trích lập là âm 885,1 tỷ đồng. Điều này dẫn đến lợi nhuận trước thuế của Vinalines năm 2020 lỗ hơn 1.024 tỷ đồng, trong khi kế hoạch ban đầu lãi 51 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ trong vòng hai tháng, Vinalines phải điều chỉnh giảm vốn điều lệ và giảm chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận. Do gặp nhiều khó khăn, nên trong năm 2020, Công ty mẹ - Vinalines cũng sẽ chỉ đầu tư khoảng 456 tỷ đồng, bao gồm 113 tỷ đồng cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng; 230 tỷ đồng cho các dự án mua sắm trang thiết bị…
Đáng chú ý, năm 2020, Công ty mẹ - Vinalines sẽ phải trả cho Công ty Khoáng sản Hợp Thành 65 tỷ đồng tiền lợi ích của nhà đầu tư khi chuyển giao 65% cổ phần tại Cảng Quy Nhơn.
Trong năm nay, Vinalines sẽ thanh lý 5 tàu biển, chủ yếu là các tàu đóng từ năm 1997 đến năm 2009 với giá trị thu về khoảng 175 tỷ đồng.
Ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Truyền thông Vinalines cho biết, tổng doanh thu của các doanh nghiệp khối vận tải biển toàn Tổng công ty trong quý I/2020 chỉ đạt khoảng 1.300 tỷ đồng, trong khi chi phí bỏ ra đã lên tới 1.600 tỷ đồng.
“Quý I/2019 dù gặp nhiều khó khăn, đội tàu của Vinalines vẫn mang lại khoản lợi nhuận 24 tỷ đồng, nhưng năm nay tình hình kinh doanh vận tải biển đặc biệt khó”, ông Hải cho biết.
Theo ông Hải, đội tàu của Vinalines gồm 70 chiếc, hoạt động cả nội địa và quốc tế, nhiều tàu chạy hàng khu vực xa như châu Mỹ, châu Phi… nhưng 3 tháng qua không có đơn hàng chạy về hay hai chiều, mà chủ yếu dừng neo chờ. Đội tàu dầu đang bị các đối tác trả hoặc yêu cầu giảm cước.
Trước đó, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã giao người đại diện phần vốn tại Vinalines phải hoàn thành một số chỉ tiêu kinh doanh trọng yếu.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của Công ty mẹ là 51 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ đạt 0,42%; không có nợ phải trả quá hạn và có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn lớn hơn 1; kế hoạch vốn đầu tư không quá 390 tỷ đồng.
Ngoài tác động tiêu cực do dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh vận tải biển, thanh lý các tàu biển; việc phải phân bổ, trích lập các tồn tại về tài sản, công nợ tồn đọng trong giai đoạn DNNN chưa được xử lý lên tới hơn 940 tỷ đồng cũng khiến lợi nhuận dự kiến năm 2020 của Công ty mẹ chuyển từ lãi mỏng sang lỗ sâu.
Có thể bạn quan tâm