Đạm Hà Bắc lỗ lớn vì gánh nặng lãi vay
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến hết quý II/2020 của DHB âm hơn 3.980 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 1210,7 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (DHB) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2020 và lũy kế 6 tháng đầu năm 2020.
Trong đó, quý 2 doanh thu đạt 668 tỷ đồng giảm 21% so với cùng kỳ, kinh doanh dưới giá vốn khiến Đạm Hà Bắc lỗ gộp 50 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lợi nhuận gộp đạt gần 104 tỷ đồng.
Chi phí tài chính vẫn là khoản mục lớn nhất trong cơ cấu chi phí của DHB với 234 tỷ đồng trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ nên sau khi trừ các khoản chi phí và chịu lỗ cả hoạt động liên doanh liên kết và hoạt động khác khiến DHB lỗ sâu 332,7 tỷ đồng cao hơn đáng kể so với mức lỗ 166,8 tỷ đồng trong quý 2/2019.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, DHB đạt 1.487 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 6,7% so với cùng kỳ, lỗ ròng lên tới gần 693 tỷ đồng cao gấp hơn 3 lần mức lỗ trong nửa đầu năm 2019.
Tính đến 30/06/2020, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm được 734 tỷ đồng, xuống còn 1.172 tỷ đồng, còn vay và nợ thuê tài chính dài hạn lại tăng 612 tỷ đồng, lên 6.283 tỷ đồng.
Tổng vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn lên đến gần 7.455 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến hết quý 2/2020 là âm hơn 3.980 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 1210,7 tỷ đồng.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra toàn diện về DHB. Đây là DNNN do Tổng công ty hóa chất Việt Nam và Công đoàn Công ty đạm Hà Bắc nắm giữ 97,7% vốn điều lệ (khoảng 2.733 tỷ đồng).
Năm 2005, sau khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất, DHB xây mới dây chuyền sản xuất có công suất 300.000 - 320.000 tấn/năm.
Năm 2006, Tổng công ty hóa chất Việt Nam trình Bộ Công nghiệp báo cáo đầu tư dự án với tổng mức đầu tư (TMĐT) 251,25 triệu USD. Năm 2008, dự án mở rộng DHB được Tổng công ty hóa chất Việt Nam phê duyệt với TMĐT 392,3 triệu USD (khoảng 6.356 tỷ đồng thời điểm đó).
Năm 2009, căn cứ vào báo cáo của Công ty đạm Hà Bắc, Tổng công ty hóa chất Việt Nam ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án với TMĐT là 568,6 triệu USD (tương đương 10.121 tỷ đồng).
Mức điều chỉnh này tăng hơn 176,2 triệu USD, tăng 44,9% so với TMĐT phê duyệt năm 2008, trong đó riêng chi phí về thiết bị tăng hơn 144 triệu USD, tăng 75% so với chi phí phê duyệt năm 2008.
Theo Thanh tra Chính phủ (TTCP), trong quá trình lập dự án điều chỉnh, thẩm định, phê duyệt dự án điều chỉnh năm 2009 đã xảy ra hàng loạt sai phạm, không có căn cứ thực tế.
Đáng chú ý, TMĐT dự án tăng làm tăng chi phí đầu tư, tăng chi phí lãi vay, tăng chi phí sản xuất, kinh doanh là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến dự án thua lỗ... TTCP khẳng định, những vi phạm trên có dấu hiệu hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo TTCP, dự án đã để xảy ra nhiều sai phạm về đấu thầu. Cụ thể, dù đã mở thầu nhưng Công ty đạm Hà Bắc vẫn chấp nhận cho liên danh nhà thầu WEC-CECO (gồm Công ty hữu hạn CP khoa học kỹ thuật Ngũ Hoàn Trung Quốc và Công ty CP thiết kế công nghiệp hóa chất Việt Nam) bổ sung giấy ủy quyền tham dự thầu và bổ sung giấy đăng ký kinh doanh (có công chứng) là vi phạm quy định Luật Đấu thầu.
Khi nghiệm thu hồ sơ, tài liệu dự án do nhà thầu WEC-CECO lập, nhà thầu cung cấp thiếu các hồ sơ, tài liệu quan trọng làm căn cứ cơ sở để xác định TMĐT của dự án...
Mặt khác, nhà thầu không thực hiện nhiều chỉ tiêu kỹ thuật như cam kết khiến dự án bị chậm trễ, đến năm 2015 mới hoàn thành. Theo TTCP, Công ty đạm Hà Bắc phải vay vốn ngân hàng hơn 82%, dẫn đến chi phí lãi vay lớn, thua lỗ kéo dài. Số lỗ lũy kế tính đến tháng 6.2019 là trên 2.887 tỷ đồng.
TTCP xác định trách nhiệm gây ra sai phạm thuộc HĐQT, HĐTV, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc, ban lãnh đạo Tổng công ty hóa chất Việt Nam và Công ty đạm Hà Bắc.
Từ kiến nghị của TTCP, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã đồng ý chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra.
Có thể bạn quan tâm