VNR “ngộp thở” vì đất vàng
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đang phải chịu gánh nặng quá lớn phải trả hơn 60 tỷ đồng tiền thuê đất mỗi năm cho lô đất rộng 203.873 m2 tại số 551 Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội).
Trong Văn bản số 924/ĐS-TCKT kiến nghị vừa được VNR gửi tới Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), Bộ Tài chính và Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) có nội dung liên quan đến lô “đất vàng”.
Cụ thể, VNR đề nghị CMSC trong vai trò đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét hồ sơ tiền thuê đất đối với lô đất rộng 203.873 m2 tại số 551 Nguyễn Văn Cừ thuộc nhóm “tiền thuế nợ đang xử lý”.
Nhiều đề xuất với lô “đất vàng”
Bên cạnh đó, VNR cũng muốn CMSC báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc Tổng công ty thực hiện cổ phần hóa Công ty Xe lửa Gia Lâm, Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội (2 đơn vị được VNR giao sử dụng lô đất) trong khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất tại 551 Nguyễn Văn Cừ để Bộ Tài chính sớm phê duyệt phương án sử dụng diện tích đất nói trên.
VNR còn kiến nghị Thủ tướng giao các cơ quan có thẩm quyền xem xét, phân loại, xác định diện tích thực tế mà Tổng công ty và các đơn vị đang sử dụng tại số 551 -Nguyễn Văn Cừ làm cơ sở điều chỉnh Quyết định số 6960/QĐ-ĐS ngày 18/11/2013 (về việc cho VNR thuê lô đất số 551 Nguyễn Văn Cừ từ ngày 1/7/2018).
Theo hướng VNR quản lý, sử dụng 158.742 m2 đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, công trình công nghiệp đường sắt; Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội quản lý, sử dụng 35.283 m2 đất công trình công nghiệp đường sắt; Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm quản lý, sử dụng 9.838 m2 đất công trình công nghiệp đường sắt.
VNR cũng muốn các cơ quan chức năng giải quyết thủ tục giao đất không thu tiền sử dụng đất, thủ tục miễn tiền thuê đất đối với tổng diện tích 203.873 m2 đất nêu trên theo quy định tại Điều 6, Luật Đường sắt Việt Nam (năm 2017).
Được biết, nếu đề xuất tiến hành phân loại loại đất của VNR được chấp thuận, Tổng công ty và các đơn vị đang thuê lô đất 551 Nguyễn Văn Cừ sẽ đỡ được khoản tiền thuê đất trị giá hàng trăm tỷ đồng kể từ năm 2015 đến nay với đơn giá 368.276 đồng/m2/năm (đơn giá thuê đất kinh doanh) mà Sở Tài chính TP. Hà Nội đang ấn định tại Quyết định số 1030/QĐ-STC ngày 28/2/2014.
Trước đó, vào đầu tháng 1/2019, Cục Thuế TP. Hà Nội đã ban hành Thông báo số 130/CCT-QLN yêu cầu VNR phải nộp 214,96 tỷ đồng tiền thuê đất và 53,31 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp thuế tại cơ sở 551 Nguyễn Văn Cừ, đồng thời khuyến cáo sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ.
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNR cho rằng, đây sẽ là đòn giáng mạnh vào tình hình tài chính của VNR và các đơn vị thành viên, nhất là khi do tác động của COVID-19 và việc triển khai đồng loạt các dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Bắc - Nam, Tổng công ty dự kiến lỗ tới 1.400 tỷ đồng trong năm 2020, thậm chí còn dẫn đến nguy cơ không có dòng tiền để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Dự báo sẽ còn “rất khó khăn”
VNR dự báo kết quả sản xuất - kinh doanh năm 2020 rất khó khăn, khi mức lỗ sau thuế dự kiến gần 1.400 tỷ đồng. Đây là con số lỗ kỷ lục của ngành từ trước đến nay. Theo ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng Giám đốc VNR, hoạt động sản xuất - kinh doanh dự kiến lỗ 711,88 tỷ đồng.
Trong đó, 2 công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn dự kiến lỗ 618,29 tỷ đồng (đã tính đến tác động từ dự án 7.000 tỷ đồng và dự kiến đến hết tháng 6 công bố hết dịch COVID-19).
Công ty mẹ - VNR dự kiến lỗ 168,4 tỷ đồng theo kế hoạch sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2020 được CMSC phê duyệt ngày 9/1/2020, trong đó đã tính một phần ảnh hưởng từ dự án 7.000 tỷ đồng nhưng chưa điều chỉnh theo tác động của dịch COVID-19.
Còn lại, 20 công ty cổ phần đường sắt dự kiến lãi tổng cộng gần 70 tỷ đồng; 3 công ty cổ phần khối công nghiệp, cơ khí (chưa tính ảnh hưởng do dịch COVID-19) dự kiến lãi gần 5 tỷ đồng.
Ngoài ra, VNR cũng dự kiến ghi nhận các khoản lỗ khác như xử lý tồn tại tài chính từ những năm trước chuyển sang của công ty mẹ, chi phí phải trả, các khoản trích lập dự phòng hạch toán đưa vào chi phí trong năm 2020 là 682,4 tỷ đồng.
Cùng với đó là chi phí khấu hao, hao mòn tài sản theo quy định phải hạch toán vào chi phí nhưng chưa có nguồn thu bù đắp tổng cộng gần 59 tỷ đồng. Như vậy, nếu tính đúng, tính đủ đến tác động của dịch COVID-19, kết quả kinh doanh năm 2020 của VNR có thể còn bi đát hơn mức lỗ dự kiến gần 1.400 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm