Các bộ, ngành đang bàn 2 phương án để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc giao vốn ngân sách nhà nước cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).
Hai phương án đang được bàn tới là tiếp tục giao vốn như năm 2019 trở về trước và theo phương án đặt hàng.
Bộ Tư pháp đang chủ trì, phối hợp với các bộ Giao thông – Vận tải, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan liên quan xem xét căn cứ, cơ sở pháp lý việc giao vốn việc giao ngân sách quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt theo 2 phương án trên. Đây là nhiệm vụ Chính phủ giao sau phiên họp thường kỳ tháng 2/2020.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có các chỉ đạo cụ thể tạm ứng vốn thực hiện việc bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt không để ảnh hưởng đến đời sống của người lao động, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, từ ngày 29/9/2018, 19 tập đoàn, tổng công ty, trong đó có VNR được bàn giao nguyên trạng về Ủy ban.
Khi triển khai kế hoạch năm 2020, theo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, có ý kiến cần đặt hàng cho VNR để thực hiện nhiệm vụ bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, dẫn đến việc đến nay VNR chưa được Bộ Giao thông - Vận tải giao vốn.
Theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ về quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, thì các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đều có thể đặt hàng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, tổ chức, đơn vị, các cá nhân hành nghề độc lập…
Theo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, thực hiện cơ chế này, VNR không bắt buộc phải thuộc Bộ Giao thông - Vận tải mới đủ điều kiện để giao vốn.
Thông tin về một số vướng mắc sau khi các tập đoàn, tổng công ty chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, bà Nguyễn Thị Phú Hà - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết: Trong quá trình triển khai thực hiện, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhận được biên bản bàn giao từ các bộ về có 259 nhiệm vụ dở dang, trong đó còn rất nhiều nhiệm vụ theo nguyên tắc phải triển khai thực hiện từ các cơ quan chủ sở hữu đã thông qua, phê duyệt trước năm 2017, tức là trước khi được chuyển về Ủy ban.
Có thể bạn quan tâm
06:30, 11/03/2020
17:54, 06/03/2020
11:00, 04/03/2020
16:00, 28/02/2020
02:55, 28/02/2020
17:00, 27/02/2020
Trong năm 2019, có rất nhiều nhiệm vụ là triển khai thực hiện trước năm 2017 nhưng chưa được các cơ quan đại diện chủ sở hữu triển khai, trong đó có một số dự án lớn. Trong quá trình triển khai thực hiện đến thời điểm triển khai có dự án triển khai cách đây 10 năm, 20 năm, đến nay có vấn đề nảy sinh.
Bà Nguyễn Thị Phú Hà thông tin thêm, theo nguyên tắc khi chuyển giao cần chuyển giao nguyên trạng. Qua quá trình triển khai thực hiện, thấy rằng trước kia trong trình tự, thủ tục phê duyệt các dự án của các doanh nghiệp, do vướng các dự án đầu tư công nên một số quy trình, trình tự, thủ tục chưa rõ.
Liên quan đến một số dự án sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước, trong quá trình triển khai thực hiện, thẩm quyền phê duyệt dự án thì có dự án thẩm quyền thuộc Thủ tướng, có dự án thuộc thẩm quyền của địa phương, có dự án thẩm quyền liên quan đến cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Trong quá trình triển khai thực hiện có những dự án trong khối doanh nghiệp đôi khi thực hiện theo một số quy định của luật chuyên ngành. Khi về Ủy ban thì cũng chiếu theo những quy định, trình tự, nếu thấy không phù hợp, đánh giá xác định dự án không hiệu quả thì Ủy ban sẽ yêu cầu làm rõ những nội dung này. Khi nào đưa ra phương án phù hợp thì mới có căn cứ trình các cấp thẩm quyền cũng như thực hiện trình tự thủ tục theo đúng pháp luật.
Đang có 5 tập đoàn, tổng công ty sử dụng vốn ngân sách nhà nước như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, quản lý liên quan đến việc chuyển tải điện cũng là kết cấu hạ tầng công, tài sản chung của quốc gia thì hiện nay vốn ngân sách nhà nước vẫn đang giao về Tập đoàn để triển khai các dự án đầu tư cũng như các dự án liên quan về công tác chuyển tải, nối điện về nông thôn. Đồng thời Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng vẫn bố trí vốn cho các dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và một số dự án thuộc Tổng Công ty Thuốc lá…
Nhưng có 2 đơn vị là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Tổng Công ty Đường cao tốc Việt Nam, từ trước đến nay được giao vốn qua Bộ GTVT, với các dự án có liên quan đến công tác bảo trì, bảo dưỡng. Về vận tải đường sắt mặc dù tổng công ty đã về Ủy ban từ tháng 10/2018, nhưng kế hoạch năm 2019 vẫn là do Bộ GTVT giao vốn bình thường.
"Tuy nhiên, liên quan đến bảo trì kết cấu hạ tầng, yêu cầu đặt ra là theo cơ chế đặt hàng. Ở đây có 2 luồng ý kiến là vẫn triển khai như những năm trước và luồng thứ hai là theo cơ chế đặt hàng. Nhưng nếu thực hiện theo cơ chế đặt hàng thì dù ở Ủy ban Quản lý vốn hay Bộ GTVT, vẫn phải thực hiện theo cơ chế chung", Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhấn mạnh.