Với khí thế của những ngày tháng 4 lịch sử, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần "thần tốc, thần tốc hơn nữa; tạo bạo, táo bạo hơn nữa" để đưa đường sắt Việt Nam bứt phá.
Sáng 26/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt, chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.
Theo các báo cáo, ý kiến tại phiên họp, trong 19 nhiệm vụ theo tiến độ, có 12 nhiệm vụ chưa đến hạn, đã hoàn thành 6 nhiệm vụ, còn 1 nhiệm vụ chậm; cùng với 5 nhiệm vụ thường xuyên.
Hiện, Tổng công ty Đường sắt đang lập hồ sơ dự án Tổ hợp công nghiệp đường sắt; có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề xuất cơ chế đặc thù, đặc biệt đẩy nhanh tiến độ dự án; UBND TP. Hà Nội nghiên cứu xem xét quyết định theo thẩm quyền hướng dẫn, hoàn thiện các thủ tục giao đất cho Tổng công ty để xây dựng tổ hợp này.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã báo cáo về tình hình thực hiện các dự án: 3 tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn và Hải Phòng - Móng Cái; tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam; các dự án đường sắt đô thị Hà Nội và TPHCM.
Với khí thế của những ngày tháng 4 lịch sử cách đây 50 năm, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị cần "thần tốc, thần tốc hơn nữa; tạo bạo, táo bạo hơn nữa", phát huy tinh thần trách nhiệm, phân công "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền", "nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn", triển khai công việc nhanh, quyết liệt, quyết đoán, tạo động lực, truyền cảm hứng làm việc.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động, tích cực, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tổ chức thực hiện.
Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ các dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, các tuyến đường sắt tại Hà Nội và TPHCM. Tinh thần là vừa phải triển khai công việc trước mắt, vừa phải triển khai các công việc lâu dài, xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, đào tạo nhân lực…
Thủ tướng nêu rõ mục tiêu không thay đổi là phải khởi công dự án Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025 và khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong năm 2026.
Tại cuộc họp, Thủ tướng đã chỉ đạo huy động đa dạng các nguồn vốn, gồm vốn tự có của Trung ương, địa phương, vốn vay, phát hành trái phiếu của Chính phủ và doanh nghiệp, hợp tác công tư… Đồng thời, giao Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thiện Nghị quyết thống nhất các cơ chế đặc thù cho tất cả dự án đường sắt, trình Chính phủ trong tháng 4 và trình Quốc hội trước ngày 5/5.
Thủ tướng cũng giao Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng Nghị định về thiết kế tổng thể kỹ thuật và các cơ chế đặc thù, đặc biệt; Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng Nghị định về tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa; Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng Nghị định về phát triển khoa học công nghệ đường sắt; Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì xây dựng Nghị định về tạm sử dụng, hoàn trả rừng. Các nghị định hoàn thành trong tháng 5/2025.
Về phát triển công nghiệp đường sắt, phục vụ phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Thủ tướng nêu rõ, phải chuyển giao và làm chủ công nghệ hiện đại; quản trị khoa học, thông minh; đào tạo nhân lực chất lượng cao. Bộ Xây dựng và Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề án, kế hoạch đào tạo ngắn hạn, trung hạn, dài hạn ở các trình độ công nhân kỹ thuật, kỹ sư, tiến sĩ.
Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục dịch vụ hàng hóa công nghiệp đường sắt, hoàn thành chậm nhất trong nửa đầu tháng 6/2025.
Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Đề án về phát triển công nghiệp đường sắt; Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng Đề án về phát triển nguồn nhân lực. Thời gian hoàn thành của 2 đề án trong quý 2 năm 2025.
Cùng với đó, phải huy động các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân có năng lực công nghệ và sản xuất tham gia các dự án và phát triển công nghiệp đường sắt. Trong đó, Bộ Xây dựng giao các tập đoàn như VNPT, Viettel nghiên cứu tiếp nhận, phát triển, làm chủ công nghệ hệ thống thông tin, tín hiệu và hệ thống điều khiển của các dự án đường sắt.
Đối với dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, tại Nghị quyết số 106/NQ-CP, Chính phủ đã chấp thuận kế hoạch tổng thể triển khai, bảo đảm khởi công chậm nhất trong tháng 12 năm 2026, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương căn cứ các mốc tiến độ tổng thể và nhiệm vụ được giao, xây dựng kế hoạch của ngành, lĩnh vực, địa phương.
Còn đối với dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, các cơ quan tiếp tục trao đổi, làm việc, thúc đẩy phía Trung Quốc để sớm hoàn thành công tác đàm phán hiệp định vay, đáp ứng tiến độ triển khai Dự án.
Thủ tướng nêu rõ, luật, cơ chế, chính sách đã có, các địa phương phải chủ động giải phóng mặt bằng, huy động cả hệ thống chính trị và các lực lượng vào cuộc; đặc biệt cần hoàn thành giải phóng mặt bằng cho dự án Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong tháng 9 năm nay.
Đối với các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phân cấp, yêu cầu các địa phương vận dụng các cơ chế, chính sách đặc thù đã có trong tổ chức thực hiện, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn thêm nếu có vướng mắc.
Thủ tướng chỉ đạo UBND TP. Hà Nội và TPHCM khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết, tiến độ công việc triển khai các cơ chế chính sách của Nghị quyết số 188/2025/QH15 áp dụng cho hai Thành phố và ban hành kế hoạch riêng của mỗi thành phố thuộc thẩm quyền của địa phương.