Kinh tế

Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng: “Con đường tơ lụa” vận tải Á - Âu

Lan Vũ 16/04/2025 14:00

Tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng sẽ mở ra cung đường vận tải “vàng” kết nối Trung Quốc – Asean và thế giới.

Đường “vàng” đã mở

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Việt Nam - Trung Quốc đã hợp tác chặt chẽ trong việc lập Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Tuyến đường sắt giúp giảm chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp
Tuyến đường sắt giúp giảm chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp

Biên bản làm việc giữa Bộ Xây dựng và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế quốc gia Trung Quốc về khảo sát thực địa hỗ trợ kỹ thuật lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng của Việt Nam.

Công thư trao đổi về việc Trung Quốc hỗ trợ kỹ thuật lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.

Công thư trao đổi về việc Trung Quốc hỗ trợ kỹ thuật lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Các văn kiện về đường sắt này có vai trò to lớn, góp phần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị các dự án đường sắt kết nối Việt Nam - Trung Quốc, nội dung được các lãnh đạo Đảng, Chính phủ hai nước quan tâm trong thời gian qua.

Tuyến đường sắt chính Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dài khoảng 390,9 km, tốc độ thiết kế 160 km/giờ. Sau khi hoàn thành, đến năm 2050 năng lực vận chuyển hàng hóa hàng năm của tuyến đường sắt này sẽ tăng từ 4,1 triệu tấn của tuyến đường sắt khổ hẹp hiện tại lên 397 triệu tấn, lượng hành khách sẽ tăng từ 3,8 triệu lên 334 triệu, trở thành động mạch hậu cần kết nối Trung Quốc và ASEAN.

Tuyến đường sắt xuyên biên giới Việt Nam - Trung Quốc, khi đi về phía Bắc có thể kết nối với tuyến đường sắt Trung Quốc - Châu Âu qua Hành lang đất liền - biển phía Tây mới và khi xuôi về phía Nam có thể vươn ra biển thông qua các cảng biển Việt Nam; qua đó thúc đẩy hơn nữa sự kết nối giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như sự kết nối giữa Trung Quốc và Đông Nam Á, Việt Nam và Châu Âu và Trung Á.

Bà Hoàng Ngọc Anh – Giám đốc một doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Hải Phòng cho biết, việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển từ cảng Hải Phòng đi Châu Âu, Mỹ thường phải mất đến 50 ngày. Điều này là trở ngại rất lớn đối với hàng nông sản khi mà thời gian vận chuyển quá lâu.

“Nếu tuyến đường sắt Việt Nam - Trung Quốc được kết nối thông suốt, các chuyến tàu chở hàng Việt Nam có thể tiếp tục đi về phía bắc qua Côn Minh và đến châu Âu thông qua Hành lang đất liền - biển phía Tây mới của Trung Quốc. Việt Nam chỉ mất 2-4 ngày để vận chuyển hàng hóa đến hầu hết các vùng của Trung Quốc, 5-6 ngày đến Trung Á và một số nước Tây Á, và chưa đầy 15 ngày để đến EU” – bà Ngọc Anh cho biết.

Tỉnh, thành nào lợi nhất?

Dự án đường sắt kết nối tuyến hành lang Côn Minh - Lào Cai - Hải Phòng không chỉ là một công trình giao thông đơn thuần mà còn là một dự án mang tầm chiến lược, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và TP Hải Phòng nói riêng.

Tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng sẽ có điểm cuối tại khu cảng nước sâu Lạch Huyện, một trong những cảng biển quan trọng nhất của TP Hải Phòng.
Tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng sẽ có điểm cuối tại khu cảng nước sâu Lạch Huyện, một trong những cảng biển quan trọng nhất của TP Hải Phòng.

Ông Phạm Văn Lập - Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng khẳng định, tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng sẽ là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố phát triển nhanh và bền vững, đặc biệt là khu vực cảng quốc tế Lạch Huyện, Khu kinh tế ven biển phía Nam và cảng nước sâu Nam Đồ Sơn.

Với vị trí là điểm cuối của tuyến đường sắt, Hải Phòng sẽ được hưởng những lợi ích to lớn và toàn diện, lợi ích lớn nhất là giúp nâng tầm vị thế trung tâm logistics, tăng cường khả năng kết nối.

Theo ông Trần Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng, tuyến đường sắt trên sẽ giúp cho cộng đồng doanh nghiệp có thêm một phương thức vận tải bên cạnh phương thức vận tải hiện tại là đường bộ, để góp phần nâng cao năng lực vận chuyển hàng hoá với chi phí logistics rẻ nhất và mức phát thải carbon thấp nhất. Qua đó, góp phần cho cộng đồng doanh nghiệp của các địa phương trên tuyến hành lang Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng thêm một động lực để phát triển kinh tế, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước.

Sự gia tăng về lưu lượng hàng hóa qua tuyến đường sắt trên sẽ thúc đẩy đầu tư vào các khu vực logistics, kho bãi, trung tâm phân phối hiện đại tại Hải Phòng, tạo ra một hệ sinh thái logistics hoàn chỉnh và hiệu quả. Bên cạnh đó, việc kết nối đường sắt sẽ giúp cảng Hải Phòng tăng cường khả năng cạnh tranh so với các cảng biển khác trong khu vực, thu hút các hãng tàu lớn và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu lựa chọn Hải Phòng làm điểm trung chuyển hàng hóa chính, giúp Hải Phòng củng cố vị thế cảng biển hàng đầu.

Tuyến đường sắt này không chỉ phục vụ vận tải hàng hóa mà còn có tiềm năng phát triển du lịch giữa các địa phương dọc tuyến. Du lịch cửa khẩu cũng lên hương vì đi Lào Cai giờ chỉ mất 2 tiếng 30 phút, tạm biệt xe giường nằm ê ẩm, hết lo say xe đường đèo.

Ngoài ra, sự phát triển kinh tế nhờ tuyến đường sắt sẽ tạo động lực cho việc quy hoạch và phát triển các khu đô thị mới, các khu dân cư hiện đại, đáp ứng nhu cầu về nhà ở và dịch vụ ngày càng tăng. Sẽ góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân Hải Phòng.

Với những lợi thế vượt trội về logistics, công nghiệp, thương mại và du lịch, Hải Phòng đang đứng trước cơ hội lịch sử để vươn mình trở thành một trung tâm kinh tế năng động và hiện đại của khu vực. Đánh giá về tuyến đường sắt này, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu cho biết, dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội- Hải Phòng dự kiến hoàn thành vào năm 2030 sẽ mang tới cho TP Hải Phòng cơ hội vàng để bứt phá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng: “Con đường tơ lụa” vận tải Á - Âu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO