Chính trị

Việt Nam quyết tâm làm chủ ngành công nghiệp đường sắt

Bảo Lam 30/03/2025 10:06

Chúng ta quyết tâm xây dựng bằng được ngành công nghiệp đường sắt, làm chủ công nghệ, sản xuất được toa xe, đầu máy, phát triển hệ sinh thái công nghiệp đường sắt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt, tối 29/3.

duong sat
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quyết tâm xây dựng bằng được ngành công nghiệp đường sắt - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị, các chiến lược và quy hoạch phát triển giao thông vận tải đã khẳng định đường sắt là một trong những lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư, đặc biệt là các tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt kết nối với cảng biển, khu công nghiệp, các đô thị lớn và đường sắt liên vận quốc tế.

Chỉ trong thời gian ngắn (tháng 11/2024 và tháng 2/2025), Quốc hội đã ban hành 3 Nghị quyết để triển khai các dự án đường sắt gồm: Nghị quyết chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Các công trình, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt mới có quy mô, tổng mức đầu tư rất lớn, yêu cầu cao về kỹ thuật, đặc biệt đường sắt tốc độ cao lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 172/2024/QH15, có tổng chiều dài 1.541 km từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh, với tốc độ thiết kế 350 km/h. Sơ bộ tổng mức đầu tư là 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD). Thời gian thực hiện từ 2025-2035.

Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, khổ 1.435 mm, vận tải hành khách và hàng hóa; tổng chiều dài tuyến chính khoảng 390,9 km, tuyến nhánh 27,9 km; tổng mức đầu tư 8,369 tỷ USD; giai đoạn 1 đầu tư đường đơn, thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô đường đôi. Thời gian thực hiện từ 2025-2030.

Tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Lạng Sơn, kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc; tổng chiều dài khoảng 156 km.

Tuyến đường sắt Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái kết nối thành phố Hải Phòng với tỉnh Quảng Ninh; kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc; tổng chiều dài tuyến khoảng 187 km.

Theo Nghị quyết số 188/2025/QH15 ngày 19/2/2025 của Quốc hội, thành phố Hà Nội dự kiến sẽ xây dựng 15 tuyến đường sắt đô thị; Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư các dự án đường sắt và phát triển ngành công nghiệp đường sắt.

"Chúng ta quyết tâm xây dựng bằng được ngành công nghiệp đường sắt, làm chủ công nghệ, sản xuất được toa xe, đầu máy, phát triển hệ sinh thái công nghiệp đường sắt. Coi trọng thời gian, trí tuệ và quyết đoán đúng thời điểm là những yếu tố quyết định thành công. Đây cũng là một cơ hội để đất nước ta, dân tộc ta có thêm động lực, cảm hứng để vươn lên, phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh.

"Chúng ta cùng đồng thời làm, phải tổng tiến công mới thắng lợi được; phải làm rất khẩn trương. Các công trình trước đây làm mười mấy năm mới ra được tuyến đường sắt thì không phát triển được. Yêu cầu phát triển đột phá, quyết tâm khởi công đường sắt dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vào 12/2026", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Đối với dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Thủ tướng cho rằng đây là tuyến đường sắt cao tốc đường dài đầu tiên kết nối với Trung Quốc, do đó cần phải phối hợp với Trung Quốc đảm bảo lợi ích hài hòa giữa 2 nước. Dự kiến khởi công tuyến đường sắt này vào 12/2025. Thủ tướng đề nghị tính toán rõ việc vay vốn ưu đãi, phát hành trái phiếu... để thực hiện tuyến đường sắt, tạo không gian phát triển.

Đối với tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn và Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái, Thủ tướng đề nghị tập trung ưu tiên 2 đoạn kết nối từ Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hải Phòng để khai thác tiềm năng, phát triển du lịch.

Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo cả trong và ngoài nước, có kế hoạch, chương trình, chỉ tiêu đào tạo cụ thể với từng trình độ, chuyên ngành, hình thành, phát triển các khoa đường sắt tại các trường đại học; đặc biệt là đào tạo các tổng công trình sư.

Cùng với đó, hình thành, thành lập các tập đoàn lớn, kể cả tập đoàn tư nhân, liên quan tới ngành công nghiệp đường sắt, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định, sửa đổi các quy định liên quan.

Đặc biệt, cần các giải pháp huy động, đa dạng hóa nguồn lực, gồm vốn nhà nước, vốn vay, phát hành trái phiếu công trình, hợp tác công tư, khai thác TOD…, đồng thời quản lý chặt chẽ để tránh thất thoát, lãng phí.

Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp; ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển giao kỹ thuật tiên tiến.

Về cơ chế, chính sách, những vướng mắc cần giải quyết, những chính sách cần thiết thì Bộ Xây dựng chủ trì cùng các cơ quan rà soát, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Việt Nam quyết tâm làm chủ ngành công nghiệp đường sắt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO