Hải Phòng: Doanh nghiệp du lịch khốn khổ vì khách đòi hoàn tiền

Lan Vũ 19/08/2020 09:34

Khách đòi hoàn tiền trong khi tiền đã đặt cọc hàng không, lưu trú, dịch vụ, điểm đến khiến các doanh nghiệp lữ hành rơi vào thế kẹt.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Hải – Đại diện đơn vị lữ hành (Vietravel Hải Phòng) với Diễn đàn Doanh nghiệp về những khó khăn của doanh nghiệp lữ hành trước làn sóng đại dịch COVID-19.

Theo ông Hải, dịch COVID-19 quay trở lại đúng vào mùa cao điểm khiến ngành du lịch chưa kịp hồi phục lại hứng thêm “cú đánh bồi” nặng nề.

Đã có hàng chục nghìn khách du lịch hoãn, hủy tour sau khi dịch tiếp tục bùng phát trở lại tại Đà Nẵng. Khách hàng thì có tâm lý hoang mang, lo lắng đề nghị hoàn tiền lại. Riêng Công ty Vietravel đã nhận yêu cầu hủy của hơn 20.000 lượt khách, thiệt hại ước tính lên tới 90 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thanh Hải – Đại diện đơn vị lữ hành (Vietravel Hải Phòng)

Ông Nguyễn Thanh Hải – Đại diện đơn vị lữ hành (Vietravel Hải Phòng)

Đại diện đơn vị lữ hành (Vietravel Hải Phòng) cho biết, dịch COVID-19 ảnh hưởng rất tiêu cực tới kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch. Trong giai đoạn này có 3 khó khăn lớn nhất mà tất cả các đơn vị hành lữ hành đều mắc phải, đó là: dòng tiền, nhân lực phải cắt giảm để đối phó với đại dịch và duy trì hoạt động cơ bản nhất để vượt qua giai đoạn này.

Bên cạnh những khách hàng đồng ý hoãn, điều chỉnh thời gian du lịch, nhiều khách hàng khi hủy tour yêu cầu được hoàn tiền ngay lập tức. Trong khi những khoản kinh phí này đã được đặt vé máy bay, khách sạn, dịch vụ tại điểm đến…

"Các công ty lữ hành thường có đặt hàng với hệ thống các khách sạn, đặc biệt là hệ thống hàng không. Với 3 hãng hàng không lớn của Việt Nam: Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways, chúng tôi đã có hệ thống đặt suốt cả một năm. Số tiền chúng tôi đặt trong đó khoảng mấy trăm tỷ. Khách sạn cũng vậy, với những đơn vị lớn: Vinpearl, Mường Thanh… chúng tôi cũng phải đặt cọc. Tiền đặt cọc chúng tôi cũng không hoàn lại được", ông Hải chia sẻ.

Diễn đàn Doanh nghiệp: Du lịch Hải Phòng ứng phó đại dịch giai đoạn mới

Diễn đàn Doanh nghiệp: Du lịch Hải Phòng ứng phó đại dịch giai đoạn mới

Nói thêm về những khó khăn của đơn vị, ông Hải cho biết, hiện tất cả các đơn vị lữ hành đều không có hoạt động, không có nguồn thu, buộc chúng tôi phải cắt giảm nhân sự. Đối với những nhân sự giỏi doanh nghiệp vẫn phải cắt giảm, chỉ giữ lại những cái cần thiết. Tuy nhiên, sau khi hết dịch bệnh, hoạt động trở lại việc tìm lại nhân sự là rất khó khăn. Khó khăn tiếp theo là chi phí để duy trì hoạt động cơ bản, ví dụ như chi phí thuê mặt bằng. Không riêng gì Hải Phòng, Vietravel có 51 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc và 6 phòng giao dịch ở nước ngoài cho nên chi phí hoạt động, chi phí thuê văn phòng cũng rất lớn.

Đồng tình với những chia sẻ của ông Hải về những khó khăn khi khách hàng yêu cầu trả lại tiền đặt cọc, bà Trần Thị Nghĩa – đại diện phòng vé Phúc Thắng cho biết, khó khăn lớn nhất của phòng vé hiện nay là khách hàng yêu cầu hoàn lại tiền vé vì vậy đề nghị, các hãng vé, các đơn vị lưu trú tạo điều kiện tốt nhất cho các phòng vé để thuận lợi, nhanh chóng hoàn lại tiền cho khách.

Không chỉ riêng khách hàng đi Đà Nẵng muốn hoàn tiền lại ngay và luôn mà cả những khách hàng đi Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc… cũng có yêu cầu trả lại tiền. Và khi khách hàng yêu cầu trả lại tiền đặt cọc, Vietralvel Hải Phòng cũng đã đưa ra những giải pháp để vượt qua. Làm thế nào để cân bằng tài chính. "Do đó, chúng tôi phải đưa ra lộ trình giải quyết cụ thể đối với từng khách hàng. Đối với khách hàng mà có thông báo của Chính phủ thì chúng tôi hoàn tiền gấp. Đối với khách đoàn, chúng tôi sẽ đàm phán làm việc với doanh nghiệp bảo lưu, dời ngày lại trong 1 năm, đưa ra những cam kết.", ông Hải nói.

Được biết, ngay sau khi dịch bệnh quay trở lại, gây ảnh hưởng tới các đơn vị du lịch, Sở Du lịch TP Hải Phòng đã lập tức có công văn gửi tới Hiệp hội du lịch Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội du lịch các tỉnh thành, hỗ trợ, vận động các doanh nghiệp thành viên cùng nhau phối hợp khắc phục vượt qua giai đoạn dịch bệnh.

Ông Hoàng Tuấn Anh – Hiệp hội du lịch Hải Phòng cho rằng, việc ký kết giữa các bên là hợp đồng kinh tế, việc giải quyết sẽ dựa trên các điều khoản. Tuy nhiên, lúc này chúng ta không nên đề cập đến việc giải quyết hợp đồng kinh tế như thế nào mà nên đề cập đến vẫn đề hỗ trợ nhau như thế nào. Quan trọng là sự cảm thông của khách hàng, sự chung tay giải quyết khó khăn của các doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP SỐ 1: Du lịch Hải Phòng ứng phó đại dịch giai đoạn mới

    DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP SỐ 1: Du lịch Hải Phòng ứng phó đại dịch giai đoạn mới

    15:04, 18/08/2020

  • Doanh nghiệp du lịch

    Doanh nghiệp du lịch "tất tả trăm nghề" mong vượt bão COVID-19

    16:02, 17/08/2020

  • Du lịch nhận

    Du lịch nhận "cú đấm bồi"

    13:17, 11/08/2020

Chiều 18/8, Văn phòng Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tại Hải Phòng tổ chức tọa đàm: "Diễn đàn doanh nghiệp số 1: Du lịch Hải Phòng ứng phó đại dịch giai đoạn mới".

Tham dự chương trình "Diễn đàn doanh nghiệp số 1: Du lịch Hải Phòng đối phó đại dịch giai đoạn 2" có đại diện sở Du lịch Hải Phòng, Hiệp hội Du lịch Hải Phòng, các doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn Hải Phòng, Quảng Ninh...

Lan Vũ