PVN cần đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm

Minh Ngọc 10/09/2020 21:27

Để đạt mục tiêu tăng trưởng, PVN cần đẩy mạnh tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu khí; duy trì ổn định các hoạt động sản xuất, khai thác dầu khí, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm nhất.

Đó là yêu cầu của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chiều 10/9.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lê Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc PVN cho biết: Giai đoạn 2015 trở về trước, tỷ trọng đóng góp của tập đoàn cho nguồn thu ngân sách Nhà nước (NSNN) chiếm 25-30%, đóng góp cho GDP trung bình từ 16-18%.

Từ năm 2015 đến nay, PVN tiếp tục giữ vững vai trò quan trọng trong đóng góp NSNN khi nộp ngân sách hằng năm chiếm tỷ trọng 9-11% tổng thu NSNN và chiếm 16,5-17% tổng thu ngân sách Trung ương. Đóng góp cho GDP cả nước trung bình hàng năm là 10-13%.

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế hợp nhất/vốn chủ sở hữu bình quân của tập đoàn đạt 10,4%/năm. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế hợp nhất/vốn điều lệ đạt 15,8% giai đoạn 2010-2019. Tốc độ tăng tổng tài sản hợp nhất của PVN giai đoạn 2010-2019 đạt 9,7%/năm. Tổng tài sản hợp nhất đến ngày 31/12/2019 là 861.400 tỷ đồng. Tốc độ tăng nguồn vốn chủ sở hữu hợp nhất của tập đoàn giai đoạn 2010-2019 đạt 9,8%/năm. Nguồn vốn chủ hữu hợp nhất đến ngày 31/12/2019 là 479.300 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu tại buổi làm việc.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “PVN đã trở thành một tập đoàn dầu khí lớn mạnh trong nước và khu vực với nhiều nhà máy, công trình dầu khí quan trong quốc gia, sở hữu khối tài sản Nhà nước gần 40 tỷ USD và trên 60.000 người lao động, trong đó có nhiều chuyên gia giỏi đáp ứng yêu cầu quốc tế, vươn lên làm chủ thay thế được các chuyên gia nước ngoài từ công tác kỹ thuật công nghệ đến công tác quản lý”.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình yêu cầu: Tập đoàn cần đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu khí; nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, thực hiện cơ cấu lại Tập đoàn, tập trung vào lĩnh vực, ngành nghề chính.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, trong những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020, chúng ta đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên thế giới, những tác động xấu của đại dịch là rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Chia sẻ với ngành dầu khí khi chịu tác động kép từ dịch bệnh COVID-19 và giá dầu giảm đã ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Phó thủ tướng yêu cầu PVN cần tiếp tục thực hiện tốt định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 36-NQ/TW Trung ương 6 khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, để đạt mục tiêu tăng trưởng, PVN cần đẩy mạnh tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu khí; duy trì ổn định các hoạt động sản xuất, khai thác dầu khí, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm nhất là dự án Nhiệt điện Long Phú 1, Chuỗi dự án khí Lô B, Chuỗi dự án khí Cá Voi Xanh.

Mỏ khí Cá Voi Xanh

Mỏ khí Cá Voi Xanh

PVN cần có giải pháp phù hợp xử lý các tồn tại của một số dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương (dự án sản xuất xơ sợi Đình Vũ, dự án nhiên liệu Dung Quất, dự án nhiên liệu Phú Thọ...).

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo PVN hoàn thành việc quyết toán cổ phần hóa đối với 3 đơn vị (Tổng công ty Dầu Việt Nam-PVOil, Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn-BSR, Tổng công ty Điện lực dầu khí), kế hoạch thoái vốn tại 3 đơn vị (nếu có). 

PVN cần xây dựng các giải pháp để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn của các thành phần kinh tế khác đầu tư vào các dự án của tập đoàn. Trong đó có các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí tự nhiên hoá lỏng đảm bảo hài hòa với phân bố các nguồn khí tự nhiên nhằm đáp ứng nhu cầu của các hộ tiêu thụ, thu gom và cung cấp 100 % khí tự nhiên. Phối hợp cùng lĩnh vực điện để hình thành chuỗi giá trị, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả đầu tư. 

Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương, các bộ, ngành sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tích cực cùng PVN, đặc biệt là các dự án tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, các dự án trọng điểm của Nhà nước về dầu khí mà tập đoàn đang thực hiện, Phó Thủ tướng Thường trực nói.

Có thể bạn quan tâm

  • PVN - Kiên định gói giải pháp

    PVN - Kiên định gói giải pháp "vượt khủng hoảng"

    16:22, 03/09/2020

  • PVN ký kết thoả thuận mua bán khí Sư Tử Trắng giai đoạn 2A

    PVN ký kết thoả thuận mua bán khí Sư Tử Trắng giai đoạn 2A

    17:26, 31/08/2020

  • Vượt khủng hoảng kép, PVN đưa các dự án về đích

    Vượt khủng hoảng kép, PVN đưa các dự án về đích

    13:25, 18/08/2020

  • 7 tháng đầu năm 2020, PVN báo lãi hơn 10 ngàn tỷ

    7 tháng đầu năm 2020, PVN báo lãi hơn 10 ngàn tỷ

    14:04, 07/08/2020

  • phương án tái cơ cấu toàn diện đến năm 2025 của PVN

    phương án tái cơ cấu toàn diện đến năm 2025 của PVN

    11:56, 26/05/2020

  • PVN vẫn chưa hết mối lo

    PVN vẫn chưa hết mối lo

    11:00, 26/05/2020

Minh Ngọc