Trên công trường Dự án NMNĐ Sông Hậu 1, Chủ đầu tư - PVN cùng Tổng thầu - Tổng Công ty Lắp máy VN (LILAMA) tổ chức đốt lửa lần đầu Lò hơi Tổ máy số 1 NMNĐ Sông Hậu 1.
Gắn biển công trình Đốt lửa lần đầu Lò hơi Tổ máy số 1, Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Sông Hậu 1 và dự án sản xuất phân bón phức hợp từ urea nóng chảy của Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đã khẳng định nỗ lực của Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) quyết tâm vượt qua khủng hoảng kép.
Điểm sáng trong khó khăn
Trên công trường Dự án NMNĐ Sông Hậu 1, Chủ đầu tư - PVN cùng Tổng thầu - Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) tổ chức đốt lửa lần đầu Lò hơi Tổ máy số 1 NMNĐ Sông Hậu 1. Trưởng Ban Quản lý dự án (QLDA) Hồ Xuân Hiền cho biết, sự kiện mang ý nghĩa rất lớn đối với quá trình thực hiện Dự án NMNĐ Sông Hậu 1 để PVN, LILAMA kiểm tra chất lượng thiết bị lò hơi và toàn bộ hệ thống phụ trợ kèm theo, bảo đảm các điều kiện kỹ thuật để triển khai, hoàn thiện công tác chạy thử và các mốc quan trọng tiếp theo.
Sau đó, quá trình đốt lửa bằng dầu sẽ kéo dài trong vòng 3 tháng, sẵn sàng hướng đến các mốc đốt lửa lò hơi bằng than vào tháng 11/2020, phát điện và hòa đồng bộ vào lưới điện quốc gia cuối năm 2020, đầu năm 2021. Cũng như kế hoạch đưa NMNĐ Sông Hậu 1 đi vào vận hành tổ máy số 1 vào quý II/2021, tổ máy số 2 vào quý III/2021 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Nhân dịp này, Đảng ủy PVN đã tổ chức lễ gắn biển hoàn thành 2 công trình/mốc tiến độ quan trọng của dự án, đó là: “Đốt lửa lần đầu Lò hơi Tổ máy số 1 NMNĐ Sông Hậu 1 thành công” và “Hoàn thành Sân phân phối 500kV Trung tâm Điện lực Sông Hậu” chào mừng Đại hội Đảng bộ Tập đoàn lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Tính đến nay, dự án đã hoàn thành vượt tiến độ nhiều hạng mục. Có kết quả đó là do tinh thần làm việc quên mình của người lao động trên công trường, quyết tâm của chủ đầu tư, Ban QLDA, tổng thầu LILAMA và các nhà thầu thi công, các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát đã nhanh chóng và quyết liệt vượt qua nhiều khó khăn thử thách.
Theo đó, một số công việc trên công trường đã bị ảnh hưởng, tạm dừng, do công tác điều động chuyên gia từ các nhà thầu, nhà cung cấp từ Đức, Ý, Hàn Quốc, Mỹ,… phải tạm ngưng. Ngoài ra, thiếu vật tư thiết bị, nhân lực thi công trên công trường cũng bị ảnh hưởng so với yêu cầu thực tế do không thể huy động, bổ sung vì phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.
Vượt qua rất nhiều khó khăn trở ngại, Ban QLDA, các nhà thầu và toàn thể người lao động trên công trường luôn quyết tâm, trách nhiệm vừa chống dịch, vừa duy trì công việc đều đặn để hoàn thành tốt nhiệm vụ và các mốc tiến độ đề ra. Dự án được sự đánh giá rất cao của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước trong mỗi đợt kiểm tra.
Mốc đốt lửa lần đầu lò hơi số 1 đã được Hội đồng nghiệm thu cơ sở chấp thuận, được Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn kiểm tra khẳng định đủ điều kiện an toàn, được các cơ quan quản lý môi trường kiểm tra và chấp thuận. Đấy là những bằng chứng thuyết phục nhất để khẳng định chất lượng của dự án. Đưa dự án trở thành điểm sáng của PVN.
Nỗ lực PVCFC
Dấu ấn thứ hai là dự án sản xuất phân bón phức hợp từ urea nóng chảy của PVCFC. Tổng Giám đốc PVCFC Văn Tiến Thanh cho biết, dự án là một trong những công trình mang tính quyết định trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển của PVCFC trong 5 năm tới.
Ngay khi đưa vào hoạt động, dự án sẽ trở thành nhà máy sản xuất phân bón phức hợp một hạt có chất lượng dẫn đầu thị trường, với công suất 300.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư trên 800 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế của cả khu vực.
“Dự án cũng đánh dấu lần đầu tiên tại Việt Nam có một nhà máy phân bón phức hợp được đầu tư thiết bị chính của EU/G7, sở hữu dây chuyền sản xuất theo công nghệ tiên tiến bậc nhất từ ESPINDESA - Tây Ban Nha, trở thành công trình sản xuất phân bón phức hợp hiện đại bậc nhất” - ông Văn Tiến Thanh tự hào.
Công trình ghi dấu sự nỗ lực vượt bậc của tập thể cán bộ, người lao động, của đội ngũ nhà thầu EPC và nhất là sự hỗ trợ của đội ngũ kỹ thuật Đạm Cà Mau trên công trường. Việc triển khai dự án vào giai đoạn chạy thử chịu ảnh hưởng rất lớn từ dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là việc huy động nhân sự của nhà bản quyền Espindesa, các nhà cung cấp thiết bị cho dự án từ Nhật Bản, Ý, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Mỹ... đều phải thay đổi kế hoạch sang Việt Nam do bị dừng nhập cảnh.
Mặc dù vậy, PVCFC đã chủ động phối hợp với nhà thầu EPC để tiếp tục triển khai vận hành chạy thử mà không có các chuyên gia nước ngoài. Ngoài ra, đội ngũ vận hành Nhà máy cũng chủ động chuẩn bị các phần việc liên quan đến quy trình vận hành, nguyên liệu, hóa chất, phụ trợ…, đào tạo nhân sự để sẵn sàng tiếp nhận vận hành hoạt động hiệu quả ngay khi nhận bàn giao từ nhà thầu.
Phó Tổng Giám đốc PVN Đỗ Chí Thanh ghi nhận, đánh giá cao tập thể của Chủ đầu tư và nhà thầu đã nỗ lực quên mình, vượt qua khó khăn trong quá trình xây dựng, nhất là giai đoạn giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19 để công trình về đích đúng hẹn.
“Đây là công trình trọng điểm đánh dấu sự phát triển mới của PVCFC, càng phấn khởi khi hoàn thành vào thời điểm diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ PVN lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025” - đồng chí Đỗ Chí Thanh khẳng định.
Thành công từ các mốc tiến độ của hai dự án này đã trở thành những dấu ấn, những món quà ý nghĩa, thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ Tập đoàn lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025 với nhiều hứa hẹn tốt đẹp trong nhiệm kỳ mới.
Việc hoàn thành mốc tiến độ quan trọng của các dự án thêm một lần nữa khẳng định, trong hoàn cảnh bất thường, khó khăn, người Dầu khí càng tỏ rõ bản lĩnh, tiên phong.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh khẳng định: Tập đoàn ghi nhận và đánh giá cao tinh thần làm việc đầy nỗ lực, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm của Ban QLDA, Tổng thầu, và các nhà thầu trên công trường trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và những biến động không ngừng của tình hình kinh tế - xã hội.