Tổng Công ty Sông Hồng: Không có khả năng trả nợ do thua lỗ liên tiếp
Bộ Tài chính vừa có báo cáo đánh giá tình hình tài chính và hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty cổ phần Sông Hồng.
Theo báo cáo tài chính Công ty mẹ, tổng doanh thu năm 2019 của Công ty mẹ đạt 34 tỷ đồng, giảm 178,9 tỷ đồng, tương ứng giảm 83,8%.
Năm 2019, Tổng công ty tiếp tục bị lỗ 65 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh thua lỗ dẫn đến vốn chủ sở hữu của Sông Hồng âm 645,6 tỷ đồng, mất toàn bộ vốn đầu tư của chủ sở hữu.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán, tổng doanh thu toàn Tổng công ty năm 2019 là 68 tỷ đồng, giảm 70% so với tổng doanh thu năm 2018. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2019 của Tổng công ty tiếp tục âm 72,8 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 973 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu năm 2019 toàn Tổng công ty là âm 666 tỷ đồng.
Bộ Tài chính nhận định, Tổng công ty không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn (dưới 1 năm). Nợ ngắn hạn của Công ty mẹ tại ngày 31/12/2019 là 1.117 tỷ đồng, cao hơn số dư tài sản ngắn hạn (tài sản ngắn hạn tại ngày 31/12/2019 là 505,2 tỷ đồng). Tổng công ty đang bị mất cân đối tài chính, một phần nợ ngắn hạn được sử dụng để tài trợ cho tài sản dài hạn và ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục.
Về hiệu quả hoạt động đầu tư, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tại ngày 31/12/2019, Sông Hồng có số dư đầu tư tài chính tại 30 Công ty với tổng số tiền là 284 tỷ đồng; cổ tức được chia năm 2019 là 1,4 tỷ đồng; tỷ suất sinh lời rất thấp là 0.5%.
“Trong số 30 doanh nghiệp Sông Hồng có góp vốn đầu tư, Tổng công ty phải thực hiện trích lập dự phòng đầu tư tài chính tại 22 đơn vị với tổng số tiền là 221 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là các khoản đầu tư tại công ty con, công ty liên doanh, liên kết. Điều này cho thấy hoạt động đầu tư ra ngoài của Sông Hồng không có hiệu quả”, Bộ Tài chính đánh giá.
Theo Bộ Tài chính, tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh, đầu tư của Sông Hồng rất khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty.
Được biết, doanh nghiệp này từng là thương hiệu xây lắp có uy tín với loạt công trình quy mô lớn như Nhà thi đấu đa năng TP. Đà Nẵng (giá trị hợp đồng 926 tỷ đồng), dự án 165 Thái Hà (958 tỷ đồng), Nhà thi đấu TDTT Nam Định (741 tỷ đồng), Dự án Khu nhà máy chính và khu hành chính - Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (1.447 tỷ đồng)...
Nhưng kể từ khi cổ phần hóa đến nay (từ năm 2016), hoạt động kinh doanh của Tổng công ty Sông Hồng gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, tổng công ty này gần như không triển khai thêm dự án đầu tư nào và cũng không có hợp đồng thi công xây lắp mới.
Không chỉ vậy, Tổng công ty Sông Hồng đang vướng vào các rắc rối pháp lý khi phải thi hành án đã có hiệu lực pháp luật liên quan đến vụ việc OceanBank khởi kiện, buộc Tổng công ty Sông Hồng phải trả nợ vay thi công công trình nhiệt điện Vũng Áng 1 với số tiền cả gốc và lãi lên tới 470 tỷ đồng.
Trong một báo cáo của doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Sông Hồng - ông Trần Huyền Linh khẳng định, nếu tình trạng kinh doanh bết bát kéo dài trong một thời gian ngắn nữa thì buộc phải tuyên bố phá sản và mất toàn bộ vốn nhà nước.
Theo đó, để “vớt vát” phần vốn nhà nước còn sót lại, Bộ Xây dựng đã có báo cáo và được Thủ tướng chấp thuận đưa Tổng công ty Sông Hồng vào danh mục thoái vốn nhà nước hết năm 2020. Tuy nhiên, nhìn vào những vấn đề còn tồn tại hiện nay, các chuyên gia cho rằng, việc thoái vốn sẽ khá gian nan.
Về nguyên tắc, việc thoái tóa bộ vốn Nhà nước phải được xem xét trên cơ sở kết quả kinh doanh của Tổng công ty Sông Hồng trong thời gian qua. Tình hình kinh doanh bết bát, mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp này là điểm trừ khi định giá doanh nghiệp.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, xét theo kinh tế thị trường, muốn thực hiện thoái hết vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này thì phải bán số cổ phẩn của Nhà nước ra thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, có một số vấn đề cần lưu ý đến phần đất đai mà doanh nghiệp này đang nắm giữ. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước, kiểm toán nhà nước cần vào cuộc kiểm tra lại xem tình tình hình kinh doanh, sản xuất thực tế của doanh nghiệp này xem nguyên nhân thua lỗ vì sao.
Ngay cả đơn vị trực tiếp quản lý phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng phải kiểm tra, giám sát, tìm hiểu tình hình thực tế của doanh nghiệp để loại trừ tình huống cố tình báo lỗ, kinh doanh bết bát để loại trừ những cổ đông không hợp cánh.
Bởi lẽ, trước đây đã có một số trường hợp doanh nghiệp nước ngoài liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam rồi cố tình báo lỗ để khiến phía bên kia lo lắng, sốt ruột, tìm cách rút khỏi liên doanh.
“Chẳng hạn, có trường hợp quảng cáo thật rầm rộ và chi phí ấy khủng dành cho quảng cáo ấy bị tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh, gây thua lỗ cho doanh nghiệp. Đó là bài để người ta tìm cách nắm trọn cổ phần của các đối tác mà họ không mong muốn", ông Thịnh nói.
Có thể bạn quan tâm